Hơn 200 bức tranh tươi sáng, giàu cảm xúc của các thầy trò trung tâm Nghệ thuật Megan Art vừa được giới thiệu với công chúng trong triển lãm "Gặp gỡ tháng 3” diễn ra từ 25/3 đến 31/3 tại sảnh tầng 1 tòa nhà New skyline, KĐT Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội.
Các tác phẩm được thể hiện trên nhiều chất liệu: sơn dầu trên toan, màu nước, lụa với nhiều phong cách. Mỗi bức vẽ như một lát cắt của cuộc sống đời thường, của thiên nhiên tươi đẹp. Đó là hình ảnh thân quen của Hà Nội với hồ Gươm, ngõ vắng, hoa xuân rồi phố phường tấp nập…; là những bến đò, sông quê, đồng lúa, hay những triền hoa tím nở dọc thung lũng Mường Hoa; là những nhành mai mùa xuân đua nhau khoe sắc dưới màu xanh trầm lặng của núi, của rừng; những con đường tháng 3 Tây Bắc đỏ trời hoa gạo nở…
Tất cả hình ảnh về cuộc sống và thiên nhiên tươi đẹp đó, dưới góc nhìn rất riêng của từng họa sĩ đã có thêm một đời sống mới. Qua từng nét cọ, vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống biến hóa thành diện mạo mới, đầy suy tưởng.
Bên cạnh những tác phẩm của 11 họa sĩ đều là thầy, cô giáo của Trung tâm, gồm: Lương Giang, Duy Dũng, Tuấn Lâm, Minh Đức, Sơn Tùng, Thanh Tùng, Quỳnh Trang, Hải Anh, Nguyễn Thơm, Hoài Thương, Đức Phúc, triển lãm còn giới thiệu các bức tranh của một lớp học đặc biệt đó là lớp học nghệ thuật của 8 học sinh mắc hội chứng tự kỷ. Đây là những học sinh trong lớp vẽ thiện nguyện do họa sĩ Lương Giang sáng lập từ 5 năm trước.
5 năm là chặng đường dài của một lớp học thiện nguyện mà ở đó, các thầy cô của Megan Art đã nhìn ra khả năng của từng học viên nhỏ tuổi, uốn nắn từng nét cọ, dạy từ cách pha màu, dạy cả cách kiềm chế cảm xúc và thậm chí trong nhiều giờ học, thầy cô giáo vừa dạy còn vừa phải dỗ dành học viên.
Triển lãm “Gặp gỡ tháng 3’’ là dịp để khán giả chiêm ngưỡng thành quả trong rất nhiều năm nghiên cứu, tích lũy của thầy trò Trung tâm nghệ thuật Megan Art. Đó cũng là những trải nghiệm tâm tư, tình cảm, ước mơ của các bạn nhỏ trong lớp vẽ thiện nguyện…
Họa sĩ Lương Giang, người sáng lập Megan Art cho hay hơn 2 năm dịch bệnh Covid – 19 khiến các hoạt động học tập và nghệ thuật đều phải tạm dừng lại. Triển lãm này được tổ chức như một sự động viên về tinh thần, để cả thầy và trò đều có thêm động lực trong hành trình mới. Để thầy cô có thể dạy tốt hơn, học viên “chịu” thể hiện mình hơn, biết vẽ nên mơ ước của chính bản thân mình, bộc lộ đầy đủ năng khiếu. Và hơn hết, hội họa chính là cầu kết nối các học viên mắc chứng tự kỷ với mọi người xung quanh.
.