Nâng cao hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng. |
Các chế tài không phát huy hiệu quả
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, bất cập lớn nhất hiện nay trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ là mối quan hệ, phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới sự mâu thuẫn, chồng chéo. Ông Lê Ngọc Lâm nêu ví dụ: Quy định của Nghị định 71/2014/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh trái với Luật Sở hữu trí tuệ và chồng chéo với Nghị định số 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; hoặc quy định tại Thông tư số 13/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mâu thuẫn với quy định có liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ và trái với Luật Hải quan… Nhiều cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và địa phương có chung nhận định là trong ba biện pháp (dân sự, hành chính, hình sự) được áp dụng để thực thi quyền sở hữu công nghiệp ở nước ta, thì biện pháp hành chính chiếm vai trò chủ đạo. Các chế tài dân sự hoặc hình sự rất ít được áp dụng và không phát huy được hiệu quả. Việc phân định ranh giới giữa áp dụng biện pháp hình sự và biện pháp hành chính chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng: Có những vụ xâm phạm quyền ở mức độ rất nghiêm trọng, giá trị hàng hóa xâm phạm lên tới trên 500 triệu đồng, ảnh hướng xấu đến trật tự xã hội, môi trường kinh doanh, nhưng vẫn chỉ bị xử phạt hành chính. Trong khi đó, đối với biện pháp hình sự, giá trị hàng hóa vi phạm chỉ từ 50 triệu đồng cũng có thể bị xử lý về hình sự. Trong 10 năm qua, chỉ có khoảng 40 vụ xử lý dân sự và 5 vụ án hình sự được đưa ra xét xử với 4 vụ phạt tiền, và 1 vụ phạt tù nhưng với mức án thấp.
Trong các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền mang tính chất phức tạp, các chủ thể quyền thường có xu hướng chọn biện pháp hành chính khi yêu cầu xử lý xâm phạm. Họ ngại khởi kiện ra tòa án do thủ tục tại tòa phức tạp, kéo dài, tốn kém, đồng thời họ cũng chưa thực sự tin tưởng vào kinh nghiệm của tòa án trong việc xử lý các tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp, mặc dù cơ sở pháp lý cho việc xã hội hóa đối với hoạt động này đã tương đối đầy đủ, đồng bộ, song hiện nay cả nước mới chỉ có duy nhất một tổ chức giám định sở hữu công nghiệp là Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) và mới có bốn giám định viên sở hữu công nghiệp. Đây là một vấn đề lớn, bởi phần lớn các cơ quan thực thi khi xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn phải phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến của tổ chức giám định, ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Cần sửa Luật Sở hữu trí tuệ
Để có thể chuyển dần việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp từ biện pháp hành chính sang biện pháp dân sự, bà Đỗ Thị Minh Thủy, Trưởng phòng Thanh tra, Bộ KH-CN đưa ra một số giải pháp theo hướng nâng cao năng lực tòa án, tiến tới thành lập tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ, tạo lập cơ chế “một cửa” trong xử lý hành chính. Theo bà Minh Thủy, cần phải sửa Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp lý liên quan nhằm bảo đảm sự thống nhất và hiệu quả trong hoạt động thực thi và giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời cần có quy định chế định pháp lý riêng về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong Luật Sở hữu trí tuệ. Bà Đỗ Thị Minh Thủy nhấn mạnh tới việc cần thiết tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật với tòa án và Cục Sở hữu trí tuệ qua việc sử dụng cơ sở dữ liệu chung, khai thác ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ; cần có sự nhất quán giữa các cơ quan chức năng trong nhận định và xử lý các vụ việc có cùng bản chất.
Ông Lê Ngọc Lâm cũng đặc biệt nhấn mạnh tới sự cần thiết phải sửa Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp lý liên quan, nhằm bảo đảm sự thống nhất và hiệu quả trong hoạt động thực thi và giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt, nhanh chóng xử lý các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, tránh tình trạng các đơn vị xâm phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật, cố tình dây dưa kéo dài vụ việc nhằm thu lợi nhuận…
Có thể thấy, năng lực thực thi của các cơ quan liên quan là yếu tố quan trọng, cả về hạ tầng kỹ thuật, thượng tầng thông tin và đội ngũ cán bộ. Trong đó đặc biệt chú trọng cải thiện khả năng tự quyết của các cơ quan thực thi hành chính thông qua đào tạo nâng cao năng lực, giảm sự lệ thuộc vào ý kiến chuyên môn về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ cơ quan quản lý chuyên ngành. Theo ông Lê Ngọc Lâm, đây là giải pháp đặc biệt quan trọng, mang tính chất quyết định, bởi hiệu quả của công tác thực thi quyền không thể được bảo đảm khi năng lực, kiến thức chuyên môn về sở hữu trí tuệ của cán bộ các cơ quan thực thi quyền chưa được cải thiện.