1. Là một thành tố của văn hóa, văn hóa ứng xử của người Hà Nội trải qua quá trình bồi đắp, tích tụ cùng với sự hình thành phát triển của văn hóa Hà Nội. Nhìn lại lịch sử, từ thời Lý đến thời Trần, Phật giáo được xem là quốc đạo của Việt Nam, và chính tinh thần đạo Phật đã ảnh hưởng rất nhiều đến quan điểm sống của người Việt Nam nói chung và người Thăng Long nói riêng, hình thành nên nét văn hóa ứng xử đặc trưng dựa trên tư tưởng nhân hậu, từ bi, bác ái.
Chuyện xưa kể rằng, người dân ở nơi khác đến Thăng Long vẫn truyền tai nhau câu nói: “Đông Thành là mẹ là cha/ Đói cơm rách áo thì ra Đông Thành”. Người ta truyền tai nhau như vậy là bởi người buôn bán, sinh sống ở chợ Đông Thành (xưa nằm ở phía đông Hà Nội, tương ứng với một số tuyến phố hiện nay như Hàng Đường, Hàng Mã...) rất thương người. Ai nghèo khó, ăn xin ra Đông Thành có thể được cho bữa ăn hay chút tiền để cầm cự qua ngày.
Không chỉ giúp đỡ người nghèo, người Hà Nội xưa còn thường xuyên làm từ thiện. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến khi kể câu chuyện "Từ thiện ở Hà Nội" đã thuật lại rằng: “Thời vua Tự Đức, có một người phụ nữ Hà Nội thương người như thể thương thân, thường giúp đỡ người nghèo khó, thiếu thốn. Đó là bà Lê Thị Mai. Góa chồng từ khi còn trẻ, không có con nhưng bà không đi bước nữa. Thuộc hàng khá giả ở Hà Nội nhưng bà không ham làm giàu thêm mà đã dùng số tiền đó làm nhiều quán sinh đồ ở đầu phố Hàng Giấy, Hàng Đậu, gần trường Đại Tập của ông nghè Lê Đình Diên. Trò nghèo xin trọ, bà không lấy tiền. Trò nào quá khó khăn, bà cho tiền mua mực, sách. Năm 1873, Bắc Kỳ lụt lội, mất mùa, dân đói kém. Kho lương của triều đình phát chẩn cũng không đủ nên bà đã đi khắp thành Thăng Long vận động các gia đình khá giả ủng hộ lương và tiền giúp người nghèo khổ qua nạn đói, vì thế nhiều người đã mang ơn bà”.
Không chỉ làm từ thiện đơn lẻ, người Hà Nội xưa còn lập phường, hội chuyên đi từ thiện, cứu tế dân nghèo. Những năm 1903 - 1904, Hà Nội xảy ra dịch bệnh làm nhiều người chết. Có rất nhiều xác chết vô thừa nhận, không ai chôn cất. Nhà tư sản Bạch Thái Bưởi đã cùng với các ông Vũ Quang Huy, Đỗ Đình Đắc, Phạm Sỹ Hạnh, Long Ngổ góp tiền lập ra hội Hợp Thiện với mục đích ban đầu là “Phù thi tử lộ” - chôn cất tử tế những người chết vô thừa nhận. Rồi từ “độ tử”, hội đã chuyển sang “độ sinh” - giúp đỡ người khốn cùng trong xã hội. Năm 1935, Hợp Thiện mở một quán cơm giá rẻ gọi là "Bình dân phạn điếm" ở ngõ Hàng Đũa (nay là Ngô Sỹ Liên), cạnh chùa Phổ Giác, chuyên bán cơm cho những người vô gia cư, lang thang, túng thiếu...
2. Thời Lê sơ, Nho giáo phát triển, Thăng Long là nơi tập trung nhiều trí thức Nho học, điều đó ảnh hưởng rất lớn tới cách ứng xử, lời ăn tiếng nói và ăn mặc của người dân. Lối ứng xử nền nếp, khiêm cung, có trên có dưới, luôn tôn trọng người khác được hình thành, lan tỏa rộng khắp. Cho mãi về sau cái nếp đàn ông khi ra khỏi nhà phải lịch lãm, tề chỉnh; phụ nữ phải ăn mặc kín đáo, ý tứ, biết “tề gia, nội trợ" vẫn được gìn giữ, phát huy.
Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân từng nhận xét: “Trong mỗi gia đình dù khá giả hay bình dân ở Hà Nội đều giữ được tôn ti trật tự, trên dưới rõ ràng. Tất cả vào khuôn phép rất tự nhiên, ví như vị trí ngồi quanh mâm cơm, thứ tự lời mời chào trước khi ăn, cách nhường nhịn nhau ngay trong bữa ăn tạo nên những nguyên tắc “trên kính dưới nhường”... Vào mâm, họ biết trọng già, quý trẻ, nhường món ngon tiếp cho khách, cách ăn cũng từ tốn, thong thả, rượu uống từng ngụm, không dốc cả cốc to, không làm ầm ĩ...”.
Khi người Pháp chiếm Hà Nội năm 1882, Hà Nội chịu tác động nhiều bởi văn hóa Pháp. Sàng lọc những thứ không phù hợp, tiếp thu những cái hay, đẹp của văn minh phương Tây, uyển chuyển đưa vào cuộc sống hằng ngày, nhờ đó văn hóa của người Hà Nội ngày càng được bồi đắp dày dặn. Cách ứng xử, giao tiếp của người Hà Nội trở nên thanh lịch, hào hoa, sâu sắc hơn. Người Hà Nội bắt đầu học cách bắt tay, nói lời cảm ơn hay ứng xử lịch sự trong ăn uống, tiếp khách... của người phương Tây.
3. Thời gian sau này, khi Hà Nội trở thành Thủ đô, dòng người nhập cư từ mọi miền đổ về đem theo đủ thói quen, nết ăn, nết mặc, cái hay cũng có, cái dở cũng nhiều. Hà Nội lại một lần nữa dung nạp, hội tụ tinh hoa văn hóa mọi miền, bồi đắp thêm cho văn hóa ứng xử của người Hà Nội nét đẹp trọng tình, trọng nghĩa, giản dị, ân cần... Đặc biệt, khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định, văn hóa Hà Nội chỉ có "được" chứ không "mất" khi hai tiểu vùng văn hóa này vốn đã giàu có, đa dạng, nay lại càng phong phú và sẽ tiếp tục làm giàu thêm vốn văn hóa ứng xử của người Hà Nội nói riêng cũng như văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói chung.
Nhìn vào "thành trì" văn hóa ứng xử của người Hà Nội hôm nay, có thể thấy, sự hội nhập, giao thoa của các luồng văn hóa đã đem đến cho thành phố không chỉ cơ hội mà còn nhiều thử thách. Vì thế, việc giữ lại được những gì đặc trưng, phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu để tạo nên bản sắc đã thể hiện bản lĩnh văn hóa rất lớn của người Hà Nội. Cha ông ta đã tạo nên bản lĩnh văn hóa ấy và trách nhiệm của chúng ta là phải giữ gìn, phát huy hơn nữa lối ứng xử văn hóa, văn minh cho hôm nay và cho cả mai sau.