Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 diễn ra mới đây, bà Tạ Thị Thu Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - thông tin, CPI tháng 8/2019 tăng 0,28% so với tháng trước do giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng và ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Tính chung 8 tháng, CPI tăng 2,57% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Giá xăng dầu được điều hành sát với diễn biến giá thế giới |
Có 8/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước là lương thực - thực phẩm, y tế, giáo dục, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thuốc và đồ dùng gia đình… Nguyên nhân khiến nhóm lương thực - thực phẩm tăng cao nhất do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn giảm (tính đến ngày 20/8/2019, tổng số lợn bị tiêu hủy khoảng 4,4 triệu con với tổng trọng lượng khoảng 255.505 tấn), làm giá thịt lợn tháng 8/2019 tăng 0,89% so với tháng trước, tác động đến CPI chung tăng 0,04%. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài tại một số địa phương nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng, khiến chỉ số giá điện tăng 0,33%, chỉ số giá nước tăng 0,28% so với tháng trước… “Tuy nhiên, nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác, đặc biệt là xăng dầu, do được điều hành sát với diễn biến giá thế giới, cộng với sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá nên đã giảm liên tục trong 2 kỳ điều hành, làm CPI giảm khá nhiều so với tháng trước” - bà Tạ Thị Thu Việt cho hay.
Đồng ý kiến, bà Phùng Ánh Ngọc - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - chia sẻ, từ nửa cuối tháng 6, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã giảm trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Do đó, từ việc quỹ âm vào thời điểm tháng 4, đến cuối tháng 8, quỹ đã dương trên 800 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tương đối tốt, giúp tạo dư địa cho việc điều hành mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới, đặc biệt là dịp lễ, tết cuối năm.
Bình quân 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực - thực phẩm, dịch vụ y tế và giáo dục. Lạm phát cơ bản 8 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ tăng 1,9%, phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.
Chắc chắn hoàn thành mục tiêu
Dự báo, trong tháng 9, sẽ có một số yếu tố làm tăng CPI như: Giá dịch vụ giáo dục tăng ở các tỉnh, thành phố theo lộ trình của Chính phủ; giá thịt lợn tăng do nguồn cung vẫn chưa phục hồi sau ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi; giá gas, xăng dầu có xu hướng tăng; tình hình thiên tai, bão lũ dự kiến cũng ảnh hưởng đến nguồn cung nhiều mặt hàng lương thực - thực phẩm… Tuy nhiên, nhìn chung, với nguồn cung hàng hóa dồi dào, các mặt hàng dự kiến tăng giá đều đã được tính toán đến nên khả năng kiểm soát CPI trong mục tiêu hoàn toàn có thể thực hiện được.
Riêng với mặt hàng xăng dầu, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - chia sẻ thêm, thời gian qua, trước mỗi kỳ điều hành giá xăng dầu, liên Bộ Tài chính - Công Thương đều có sự trao đổi với Tổng cục Thống kê để đánh giá tác động việc điều chỉnh đến CPI. Việc điều hành bám sát 3 nguyên tắc: Kịch bản CPI, phù hợp diễn biến xăng dầu thế giới, cân nhắc trong trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá mặt hàng xăng dầu để bảo đảm không ảnh hưởng đến CPI.
Theo các chuyên gia, CPI năm 2019 được dự báo có thể thấp hơn kịch bản đã đề ra (tăng 3,3 - 3,9%) và đạt chỉ tiêu Quốc hội cho phép (tăng không quá 4%).
Thời điểm cuối năm, dự báo nhu cầu hàng hóa tăng cao nên các cơ quan chức năng đang phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp phân phối, sản xuất chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dồi dào nhằm bảo đảm không có biến động mạnh ảnh hưởng đến CPI. |