Chuyện ứng xử của nghệ sĩ: Chỉ ''lạt mềm'' liệu có đủ?

HNM| 31/10/2021 08:34

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vẫn đang ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, trong lúc đó, nhiều vụ việc liên quan tới văn hóa ứng xử của nghệ sĩ liên tục làm nóng dư luận. Quy tắc ứng xử, vẫn được ví là “lạt mềm”, liệu có thể giúp môi trường nghệ thuật lành mạnh hơn?

Chuyện ứng xử của nghệ sĩ: Chỉ ''lạt mềm'' liệu có đủ?
Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ đang có nhiều vấn đề khiến dư luận bức xúc.

Phạt nhiều, nói mãi... vẫn vi phạm

Cách đây chưa lâu, một loạt nghệ sĩ đã bị dư luận phản ứng, cơ quan quản lý “tuýt còi” khi có hành vi quảng cáo sản phẩm chưa được cấp phép, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã phải xin lỗi công chúng, gỡ bỏ hình ảnh, thông tin về sản phẩm trên trang cá nhân.

Những tưởng đó sẽ là bài học chung trong việc chọn lựa đăng tải thông tin. Nhưng không, chỉ ít lâu sau, dư luận lại phải lên tiếng về việc nghệ sĩ dùng uy tín cá nhân để quảng cáo cho những sản phẩm chưa được kiểm định.

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đã xử phạt diễn viên Angela Phương Trinh số tiền 7,5 triệu đồng vì hành vi cung cấp thông tin sai sự thật về việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 bằng giun đất. Kể từ giữa tháng 8, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng ở nhiều địa phương, fanpage Angela Phương Trinh đã liên tục đăng tải bài viết giới thiệu các sản phẩm làm từ địa long (giun đất). Mặc dù biết rõ sản phẩm chưa được Bộ Y tế cấp phép song các bài viết đăng trên fanpage này vẫn ra sức quảng cáo sản phẩm này có "khả năng chữa bệnh thần kỳ", giúp "giữ mạng sống cho mình và cho gia đình" trước Covid-19.

Tương tự, chuyện "rác” trong âm nhạc, đặc biệt là các ca khúc phát hành trực tuyến đã bị dư luận lên án từ lâu. Thậm chí, nhiều trường hợp đã bị buộc gỡ bản thu âm, bị phạt tiền, nhưng mới đây, chuyện “rác” âm nhạc lại tiếp tục dậy sóng. Một loạt rapper như Chị Cả, Chí... đã bị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xử phạt vì sáng tác và lưu hành những ca khúc có ca từ phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục, xúc phạm tôn giáo...

Khó có thể kể hết những vấn đề trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ khiến dư luận bức xúc, từ chuyện nói xấu nhau đến chuyện đưa thông tin sai sự thật, đưa sản phẩm kém chất lượng, hình ảnh phản cảm lên mạng xã hội, rồi cả những việc lớn hơn như chậm trễ, không minh bạch trong việc kêu gọi từ thiện... Vụ việc có thể mới nhưng đều là những hành vi mà dư luận, cơ quan quản lý đã lên tiếng nhắc nhở, cảnh báo, thậm chí xử phạt từ lâu. Điều này khiến công chúng cảm thấy nhiều nghệ sĩ đang coi những hành vi phản văn hóa như một chiêu trò để gây chú ý, đòi hỏi một biện pháp mạnh hơn để có thể làm trong sạch môi trường nghệ thuật.

Tạo hệ sinh thái tốt đẹp

Chính vì mong mỏi đó mà nhiều người kỳ vọng Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng có thể tạo ra những thay đổi lớn, làm trong sạch hơn môi trường này. Quy tắc ứng xử đề cập tới các quy tắc theo nhóm như: Quy tắc ứng xử chung, quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp; quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp; quy tắc ứng xử đối với công chúng; quy tắc ứng xử trong công tác xã hội; quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội. Trên cơ sở Quy tắc ứng xử, các đơn vị, hội nghề nghiệp sẽ xây dựng quy định khen thưởng, xử phạt riêng phù hợp với từng đơn vị.

Trên các diễn đàn góp ý, có thể thấy rõ sự băn khoăn của nhiều nghệ sĩ, người làm công tác quản lý lẫn công chúng khi Quy tắc ứng xử không đề cập tới chế tài xử phạt hành vi vi phạm. Với mức độ vi phạm ngày càng tăng, đặc biệt là ở những nghệ sĩ hoạt động tự do, thì mong mỏi của công chúng về việc có chế tài đủ sức răn đe là chính đáng.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế góp ý, cần phải có chế tài như "cấm sóng", cấm biểu diễn với nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn. Còn theo PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, mặc dù Quy tắc không đề cập đến nội dung chế tài nhưng cần nghiên cứu về tính ràng buộc đối với các đối tượng khác nhau, gồm các nghệ sĩ tự do, nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật nhà nước, trong các lực lượng vũ trang... NSND Thúy Mùi cho biết, bà quan tâm nhiều đến việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật cũng như cơ quan quản lý nhà nước để làm sao tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lệch chuẩn...

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), cần một “hệ sinh thái” với nhiều hình thức khác nhau để định hướng và đánh giá hành vi của nghệ sĩ. Cần có luật pháp để xử lý hành vi vi phạm của nghệ sĩ nhưng cũng cần dư luận xã hội lên án cái xấu. Quy tắc ứng xử vạch ra cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Trong phần mục đích, Quy tắc ứng xử xác định rõ tinh thần chủ đạo là “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, chính vì vậy, Quy tắc ứng xử được nhiều người ví như “lạt mềm” ràng buộc, định hướng nghệ sĩ ứng xử đúng chuẩn. Quy tắc là một lời nhắc nhở nghệ sĩ để họ hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình với cộng đồng, để họ chỉn chu hơn trong lời ăn, tiếng nói, hành vi.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chuyện ứng xử của nghệ sĩ: Chỉ ''lạt mềm'' liệu có đủ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO