Người Hà Nội

Chuyện cô Tư Hồng - nữ nhân một thời lừng lẫy đất Hà thành

Ngân Hà (T/h) 02/03/2023 17:29

Cuối thế kỉ XIX, ở làng Thành Thị, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, một ông phó lí có cô con gái xinh đẹp, tiếng lành đồn xa. Nhà vốn có nghề nấu rượu, nên ngày nào cô Trần Thị Lan cũng mang rượu đi bán ở các chợ xa gần khắp vùng quê.

co-tu-hong-03.jpg

Năm 17 tuổi, cô Lan càng đẹp, không ngờ đã lọt vào mắt lão chánh tổng, người huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Cô bị bố mẹ kế ép lấy chồng danh giá, đứng đầu một tổng. Cô khóc hết nước mắt, xin cha mẹ kế "Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên!". Nhưng cô bị quở mắng rằng “Cá không ăn muối cá ươn!". Không thể đành lòng lấy lão già còn chơi trống bỏi, một đêm mưa gió đầy trời, cô bỏ nhà, trốn xuống Nam Định, rồi qua bến phà Tân Đệ, đi tới Hải Phòng.

Nơi đất khách quê người, không chịu ngồi yên, cô kiếm đôi quang gánh đi rong, khi bán rau, khi bán hoa quả. Thấy cô có nhan sắc, lại nhanh nhẹn, một chủ hiệu tạp hoá Hoa kiều còn trẻ tên là Hồng, đem lòng yêu và lấy cô làm vợ. Từ đó người ta gọi cô là thím Hồng. Âu cũng là cái duyên, cái số!

Nhưng cảnh đời thật trớ trêu. Chỉ ít lâu sau, chú Hồng vỡ nợ, phải trốn về Tàu, để thím sống bơ vơ một mình. Đêm đêm cô Lan chỉ còn biết khóc thầm, thương cho thân phận lỡ làng, lại nhớ cha, nhớ mẹ nơi đồng chiêm trũng đang buồn tủi vì mình.

Giữa những ngày phòng không, gối chiếc lạnh lùng, một mụ me Tây, vợ tên quan ba Lavic lân la đến chơi, chuyện xa rồi chuyện gần, nói cô nên lấy chồng Tây nhà binh, vừa nhiều tiền, vừa biết chiều vợ, chẳng phải làm gì vất vả. Đắn đo mãi, cô nhận lời. Từ đất Cảng, cô được mụ đưa lên chốn Hà Thành, giới thiệu với viên quan tư Garlan. Thấy cô gái chân quê xinh hơn nhiều cô gái đô thành, lại nhanh mồm nhanh miệng, hắn ưng ngay. Từ hôm lấy chồng Tây, cô có cái tên mới: cô Tư Hồng. Kể như thế cũng là may, bởi khối cô gái quê lấy chồng Tây nhà binh chỉ là lính trơn hoặc cai, đội. Còn cô, cô vớ được hẳn viên quan tư, không phải dễ.

co-tu-hong-02.jpg

Sống ở đất thị thành, cô sinh khôn ngoan, muốn gây thanh thế. Chẳng lẽ chỉ là con một viên phó lí quê mùa, cô được vị tuần phủ Nhã, người làng Mọc Chính Kinh - nay là phường Nhân Chính nhận làm con nuôi. Ngược lại, cô cũng coi ông như bố đẻ, mỗi khi đau yếu, đều tới săn sóc chu đáo. Dù sao cũng là con nuôi ông tuần phủ, danh giá chán. Thời xưa, không ít người sống bằng hư danh như thế.

Vào năm 1894, thực dân Pháp cải tạo lại Hà Nội. Nhiều hồ, ao, nhiều quãng sông bị lấp đi, một số tường thành cũng bị phá trụi để mở thêm đường phố mới. Dựa vào thế lực và vốn liếng của chồng, cô Tư Hồng đứng lên nhận thầu. Nhờ liên tiếp trúng thầu, cô trở thành bà chủ thầu khoán lúc nào không biết. Nghĩ đến quê hương chiêm khê, mùa thổi, cô cho người về làng tuyển nhân công đưa lên làm.

Gạch và đá ở tường thành Hà Nội phá ra, cô cho chở về làng Hội Vũ (nay là ngõ Hội Vũ). Như thế, gạch đá không phải mua, lại đỡ được tiền vận chuyển, chỉ cần mua thêm ngói, xi-măng, gỗ,... là cô có thể xây được 9 gian nhà hai tầng và 1 biệt thự có vườn hoa, có hàng rào sắt - nay là ngôi nhà số 5-A ngõ Hội Vũ. Thời ấy, biệt thự này được coi là nguy nga, đồ sộ lắm rồi.

Thấm thoát có vài năm, cô Tư Hồng đã trở nên giàu có, nổi tiếng khắp ba Kì. Tên cô đồn lẫy lừng cả hàng tổng, hàng huyện, khiến cha cô hởi lòng mát dạ, họ hàng cũng thơm lây.

co-tu-hong-01.jpg

Bỗng miền Trung bị nạn lụt lớn. Nghe được tin này, cô nổi máu làm giàu, bèn tung người đi vơ vét gạo các tỉnh Bắc Kì, rồi cho chở vào bán, nhất định một vốn bốn lời, vơ một món đậm. Nhưng sự thể xảy ra lại không đúng như giấc mộng vàng. Khi mấy thuyền chở gạo sắp cập bến thì bị nhà chức trách giữ lại hỏi. Biết đằng nào cũng mất, cô Tư Hồng nhanh trí biến báo: “Thưa các ngài, gạo tôi chở vào để phát chẩn cho đồng bào miền Trung bị lụt đó!”

Tin này bay nhanh vào triều đình Huế. Vua Thành Thái thấy một người đàn bà có lòng nhân ái, biết thương xót đồng bào máu đỏ, da vàng đang trong cơn hoạn nạn, bèn ra sắc phong cho hàm Tứ phẩm. Theo luật của triều đình, nếu con được sắc phong thì bố cũng được phẩm hàm Lạc Quyên Nghĩa Phụ. Một niềm vui bất ngờ, ông phó lí làng Thành Thị bỗng mở mày mở mặt vì cô con gái lấy Tây, đi buôn lậu, không những tránh được vòng tù tội, lại vinh quang hết mức, coi như bỏ tiền mua danh.

Lĩnh sắc phong về nhà, ít ngày sau cô tổ chức ăn khao cả tuần lễ. Từ các quan ta: tổng đốc, tuần phủ, tri huyện đến các quan Tây: công sứ, chủ kho bạc, chủ sét-ti,... đều mang vợ đến nâng cốc sâm-panh để chúc mừng. Nhiều nhà doanh nghiệp lớn, trong đó có ông Bạch Thái Bưởi, cũng có mặt. Làng Hội Vũ tấp nập chưa từng thấy. Xe song mã, xe tứ mã, xe bánh cao su kéo tay, ô-tô,... đỗ đầy cửa. Giờ đây, với cách giao thiệp rộng, tài xã giao giỏi, cô Tư Hồng nhanh chóng Âu hoá, biết bắt tay, nói “merci” với mấy câu tiếng Tây bồi, uống rượu Tây, hút thuốc lá thơm. Cuộc vui có cả tiếng đàn hát từ máy quay đĩa.

Cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, tuy không tới dự, vẫn gửi mừng đôi câu đối: “Có tàn, có tán, có hương án thờ vua, danh giá vang lừng băm sáu tỉnh/ Này biển, này cờ, này sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người.”

Ông Trần Tán Bình, tuần phủ Hà Nam, cũng tặng đôi câu đối: “Tứ phẩm sắc phong hàm cụ lớn/ Trăm năm danh giá của bà to.”

Nhận được nhiều trướng và câu đối, cô Tư Hồng lấy làm hãnh diện, treo hết lên tường, muốn để khoe với mọi người. Cô có biết đâu trong các câu đối ấy chứa đầy sự mỉa mai, châm biến sâu sắc của các bậc túc nho.

Đang giàu sang, sung sướng, ấm êm, bỗng cô lại gặp chuyện chẳng lành. Viên quan tư, chồng cô, phải về Pháp và không trở lại nữa. Cô căm giận hắn bỏ rơi cô và trả lời ngay cho hắn biết. Chỉ ít lâu sau, cô bước đi bước nữa. Lần thứ ba này, cô vẫn lấy Tây, nhưng là một ông cố đạo râu xồm, đã phá giới, kém cô đến mười tuổi. Thế mới biết cô vẫn còn xuân sắc và hiểu biết "Kĩ nghệ lấy Tây”. Song, ông trời sao khéo trêu người, ăn ở với cha phá giới mới được hơn một năm thì xảy ra đụng chạm với nhau về kinh tế, cô quyết định tự li hôn.

Vài năm sau, cô ốm nặng, rồi qua đời. Đám tang của cô được đưa từ làng Hội Vũ đến khu nghĩa địa ở nhà thờ Hàng Bột, còn gọi là nhà thờ Soeur Antoine.

Có người hỏi :

- Sao một người đàn bà ba đời chồng, hết Tàu đến Tây, theo đạo Phật, không theo đạo Thiên Chúa, mà khi chết lại được chôn ở nghĩa địa của nhà thờ Hàng Bột?

Vì cô Tư Hồng lúc trước lấy quan tư nhà binh, sau lấy chồng theo đạo Thiên Chúa, đã bỏ tiền xây nhà thờ Hàng Bột, nên lúc nhắm mắt mới được bằng an dưới chân Chúa!

Thật hay! Chuyện cô Tư Hồng vừa bi, vừa hài, nửa đời, nửa đạo, được viết thành truyện, gây dư luận ở đất Hà Thành thời xưa.

Trích sách "HÀ NỘI : NHỮNG CÂU CHUYỆN KỂ TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX - XX" - Nhà xuất bản Văn học năm 2010.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Trận Điện Biên của âm nhạc Việt
    Ngay từ khi xuất hiện, tân nhạc Việt Nam đã thể hiện rất rõ bản sắc Việt trong giai điệu của mình. Bản sắc được thể hiện qua giai điệu nằm trong điệu thức phương Tây nhưng được viết ra từ tâm hồn Việt và giai điệu tiến hành theo điệu thức phương Đông tràn ngập âm hưởng Việt.
  • Chiến sĩ Điện Biên luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ
    Đại diện Chiến sỹ Điện Biên phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) diễn ra sáng nay ngày 7/5 tại TP Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Đức Cư, khẳng định “là Chiến sĩ Điện Biên, là cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ”.
  • Trưng bày chuyên đề “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh”
    Thông tin từ Ban Quản lý Khu Di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh (quận Ba Đình, TP. Hà Nội), cho biết, trưng bày chuyên đề “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh” vừa khai mạc. Trưng bày diễn ra đến hết tháng 9/2024.
  • Bài 1: Vững vàng trên trận tuyến phòng, chống ma túy
    Điện Biên được xác định là một trong những địa bàn trung chuyển ma túy lớn từ khu vực “Tam giác vàng” ra khu vực biên giới Lào - Việt Nam, sau đó vận chuyển về Điện Biên rồi đi sâu vào nội địa tiêu thụ. Trước những tác động của tình hình tội phạm ma túy ở khu vực biên giới của tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, BĐBP Điện Biên đã tăng cường lực lượng, bám nắm các địa bàn trọng điểm, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy, từng bước làm trong sạch địa bàn. Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đi
  • Đoàn làm phim “Hoàng Hậu Cuối Cùng” làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế
    Công ty TNHH Mar6 Studios làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về dự án phim điện ảnh “Hoàng Hậu Cuối Cùng”.
Đừng bỏ lỡ
Chuyện cô Tư Hồng - nữ nhân một thời lừng lẫy đất Hà thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO