Chuyện bây giờ mới kể

Phùng Văn Khai| 29/06/2017 08:15

Tôi đã nhiều lần không định kể về anh, phân vân chỉ sợ rồi chuyện không dừng ở đó thì sao. Biết đâu một ngày nào đó, sắp tới, anh phát động được ngòi bút của mình, ngòi bút mà tự anh cho là rất tài năng, hơn đứt bọn tôi.

Anh bảo: “Các ông toàn viết vớ vẩn. Chuyện nhạt bỏ mẹ. Cũ lắm. Tiết tấu chậm. Văn không hoạt. Thơ thế ư? Tiểu thuyết như phóng sự hả trời?”. Thường lúc ấy chúng tôi im lặng hoặc cười cho qua chuyện. Vì anh nói đúng, có dẫn chứng minh họa hẳn hoi. Trời phú cho anh sự nhuận khẩu. Đã thế, anh lại đọc nhiều, thẩm thấu văn chương rất gớm, nhất là chuyện sáng tác. Anh nói như đinh đóng cột: “Sáng tác khác. Phải có tài năng chứ không là thứ thợ cày, thợ cuốc các cậu”. Nói anh bỏ quá chứ lúc ấy tôi cũng giận, định bảo thẳng anh đừng mắng mỏ bọn tôi như mắng trẻ con thế, sáng tác mỗi người một tạng, tài năng có hạn thì phải cày cuốc đầu tắt mặt tối chứ biết làm thế nào. Nghĩ thế chứ không dám nói ra vì tôi không hoạt ngôn được như anh. Mà nói ra chưa chắc đã để yên, anh sẽ lập tức lôi cái truyện ngắn của tôi vừa sáng tác bảo: “Đấy cậu xem. Viết thế này ông X. viết rồi, cách đây trên bốn mươi năm. Bây giờ phải viết khác”. Lúc ấy, tôi sẽ im đi cho xong vì thấy anh nói cũng đúng, đúng là truyện của tôi có phần giống cái ông X. nào đó cách đây hơn bốn mươi năm, chỉ có điều anh bảo tôi mới biết chứ tôi nào đã học mà dám sao chép của ông ấy. 

Chuyện bây giờ mới kể
Minh họa của Lê Huy Quang
Anh đọc rộng và so sánh khắt khe lắm. Tôi không có thì giờ. Tôi hối hả mưu sinh và viết. Tôi viết vất vả, bầm giập hàng tuần, có khi vài tuần mới xong được một truyện. Cũng có tờ báo Văn đăng truyện của tôi cho ý kiến động viên khích lệ. Anh bảo: “Cậu đừng viết nữa thì hơn. Viết nhiều không hay nên gác bút. Báu gì ý kiến của mấy ông ấy”.

Tôi đã có một thời ngưỡng mộ anh. Anh được học hành đến nơi đến chốn lại mê văn chương, thuộc cả Đông Tây kim cổ. Từ ngày mới cắp sách, bắt đầu đến lớp có học văn là anh đã được đi thi học sinh giỏi văn cấp huyện, cấp tỉnh và toàn quốc. Các tác phẩm, tác giả anh nắm rất chắc. Thỉnh thoảng anh cũng chê văn của người này, thơ của người kia còn khiếm khuyết, còn có sạn nhưng tôi biết anh chỉ nói vậy chứ không viết ra vào các bài thi tuyển vì anh vẫn hay đạt điểm cao, được biểu dương ở trường, có bài được chọn in cho bọn tôi đọc tham khảo. Ngày ấy anh bảo: “Mình sẽ sáng tác, sẽ viết văn nhưng không phải bây giờ. Phải học hành cẩn thận, phải tránh những khiếm khuyết của mọi người. Viết văn phải là tài năng”. Tài năng ư? Thì anh là tài năng chứ chẳng nhẽ lại là tôi. Tôi học kém anh, không bao giờ được điểm cao bằng anh, không được chọn đi thi học sinh giỏi. Các thầy, cô giáo dạy văn thường bảo tôi hiểu bài chậm, phiến diện, không có tư tưởng chủ đạo. Rồi anh đi học một ngành chuyên về văn chương, chuyên nghiên cứu và mổ xẻ về văn chương. Tôi đi học thơ, thất bại, rồi thất nghiệp, lang bạt đủ nghề, hôm lò dò đến tòa soạn nhận nhuận bút thì gặp anh. Anh nhìn tôi: “Cậu cũng viết văn cơ à. Truyện mình đọc rồi. Thường lắm, nhưng dạo này đang cần loại ấy nên chắc họ...”. Tôi vồ vập: “Anh này, mình ra ngoài kia đi anh”. Tôi kéo anh ra quán mới biết bây giờ anh chuyên đi nói chuyện về văn chương, sáng tác. Mấy năm không gặp, giờ anh nói càng hay. Anh bảo đã đọc mấy truyện của tôi, rồi lắc đầu: “Bi quan cậu ạ. Sáng tác thế thì chết”. Rồi anh nói về sáng tác trẻ bây giờ, nào là yếu kém, nào là cũ sáo. Tôi đọc tên mấy cây bút trẻ, anh cười ruồi: “Bọn vớ vẩn. Văn chương gì. Sáng tác phải khác. Phải có tài năng”. Tài năng ư. Tôi đã mạnh bạo hơn sau nhiều vấp ngã trong cuộc đời, bảo: “Anh ạ, sao các tài năng không sáng tác. Phải đợi đến bao giờ?”.

Tôi tiếp tục in một số sáng tác của mình trên các báo, có truyện được chọn vào tuyển tập. Thỉnh thoảng tôi gặp anh, anh bây giờ ít nói hơn trước, nhưng hễ nói là phê phán sáng tác của tôi, của ai đó xuất hiện mà theo anh là viết rất dở, cũ và sáo. Một hôm không chịu được tôi buột miệng nói: “Thì anh viết đi. Xem ngọc có vết không?”. Buột miệng ra nghĩ cũng không nên, sợ anh giận không đọc, nói về văn chương nữa. Nhưng rất lạ, anh im lặng không tỏ vẻ giận, rồi nói như nói đâu đâu: “Phải. Mình viết”.

Anh nói là làm, tính anh như vậy. Ngày trước, tưởng anh sáng tác trước tôi vì anh giỏi văn như thế nhưng anh bảo phải học hành cẩn thận, rồi mấy lần tôi khích, anh bảo chưa phải lúc. Anh rất tuân thủ cái nguyên tắc ấy. Bây giờ nói viết chắc đã chín rồi đây, truyện sẽ hay đây, có văn chương, không sáo mòn, trùng lặp với ai. Tôi mừng quá. Tôi không có ý tự ái hoặc ghen với tuyên bố của anh mà hồ hởi bảo: “Anh viết đi cho có bạn. À không, để tôi học tập. Anh viết truyện ngắn chứ?”. “Không”. Anh nói như đinh đóng cột: “Mình viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết là thể loại mẹ. Nó làm nên mọi nền văn học”. Tôi há hốc mồm nhìn anh. Ô! Có thế chứ. Đúng là tài năng có khác. Động bút là viết tiểu thuyết ngay, chả như tôi mon men mãi loại truyện ngắn chưa xong, toàn bị anh chê chỗ này chỗ kia, mà chê đúng chỗ kém thật. Tôi nhớ cái lần anh đi thi học sinh giỏi văn tỉnh về bảo: “Mình sẽ đạt giải nhất”. Sau bài của anh đạt giải nhất thật, đọc cứ như cô giáo giảng bài, có tiếng chuông tiếng khánh ở trong tai. Nhưng đấy là tập văn. Còn bây giờ là sáng tác. Liệu rằng anh có tự làm khó cho mình không. Hay các tài năng hay tự làm khó cho mình.

Bẵng đi mấy năm tôi không gặp anh. Tôi tìm được một chỗ công tác ổn định nhưng heo hút ở miền núi. Vẫn chuyên tâm sáng tác một thể loại truyện ngắn, vẫn được in, còn được trao tặng cái giải khuyến khích của tờ báo Văn. Thỉnh thoảng tôi nhớ đến anh, chắc mẩm cuốn tiểu thuyết của anh phải hay lắm, vừa khái quát được tinh thần thời đại đang sống vừa có giá trị cho mọi thế hệ mai sau như anh vẫn bảo chúng tôi. Chắc chắn quyển sách ấy phải có các giá trị nhân văn, nhân bản và tư tưởng chủ đạo, vừa có nhân vật điển hình vừa có hoàn cảnh điển hình, không vụn vặt, lẩm cẩm, nhỏ bé như các nhân vật của tôi. Nhân vật của anh phải đường bệ, đi lại, nói năng đâu ra đấy. Tiểu thuyết của anh sẽ dày dặn, sang trọng và đậm đặc trí tuệ. Rồi chắc chắn cuốn sách ấy sẽ vượt qua mọi biên giới, đến với đại chúng các sắc tộc, các màu da. Kể viết được ra quyển sách đồ sộ ấy anh có mắng mỏ bọn tôi thế nào cũng đáng, tôi sẽ tâm phục khẩu phục học tập anh, sẽ bảo với các đồng nghiệp trẻ mới cầm bút rằng: “Các cậu viết nhạt lắm. Viết dở thì thôi đi. Viết văn phải có tài năng”, rồi dẫn chứng anh ra, dẫn sách của anh và các tác phẩm non yếu của tôi nữa mà bảo họ nên thôi viết cho khỏi khổ, rằng công việc sáng tạo không thể cứ lấy cày sâu cuốc bẫm làm trọng mà phải có tài năng, phải tự lượng sức mình.

Nhưng đợi mãi mấy năm trời không thấy sách của anh đâu. Nhân có chuyện về chốn phồn hoa, tôi tìm đến anh, cũng nhân thể biếu anh cuốn sách nhỏ mặc dù thế nào anh cũng sẽ chê bai chỗ này chỗ khác.

Anh vẫn thế, có vẻ phong trần và lãng tử. Anh đã đọc sách của tôi rồi. Tôi không thấy anh chê gay gắt như mọi lần mà chỉ bảo: “Không có tài năng như cậu viết thế là khá. Có người đọc”. Rồi anh nói nhiều chuyện về sáng tác trẻ, về công tác của anh nhưng không thấy anh đả động gì tới quyển tiểu thuyết lớn lao mà tôi hằng mong đợi. Sốt ruột quá tôi đánh bạo: “Anh này. Cuốn kia xong rồi chứ. Anh tặng tôi một quyển nhé. Tôi phải đi kẻo muộn xe”. Lúc ấy anh mới ngẩn ra, cúi đầu im lặng. Vợ anh đang ngồi hờ hững nhìn chúng tôi bỗng tái mặt đưa mắt như van vỉ tôi đừng hỏi chuyện ấy. Tại sao không có quyền hỏi anh chuyện của anh. Anh là tài năng thì việc anh trả lời câu hỏi của tôi nào có gì nghiêm trọng, tôi đã đợi nửa buổi sáng, không, tôi đã đợi hàng năm, nhiều năm để hỏi cơ mà. Tôi thậm chí sẽ chất vấn anh chuyện đó, chị đừng xen vào có được không. Một lúc sau anh thở dài nói một hơi: “Chưa động bút được cậu ạ. Không hiểu sao dàn đề kỹ thế, chuẩn bị nhân vật, tình tiết, kịch tính, không gian, thời gian kỹ thế mà hễ cầm đến bút cứ như có ai giữ lại. Viết đoạn nào cũng thấy trùng với người khác, thấy không ổn, đọc không xúc động, không giống cái dự kiến của tớ...”. Rồi anh mộng mị bước vào cái buồng văn của anh. Tôi lặng lẽ bước theo. Trong ấy sáng, ấm chén sạch sẽ như lau như li, các loại sách xếp hàng ràn rạt trên giá. Tôi mê mẩn ngắm sách của anh, ngắm buồng văn của anh, cám cảnh cho cái thân mình. Tài năng phải có địa điểm sáng tác lý tưởng thế này chứ, thảo nào văn chả hay. Bàn viết của tôi là một tấm ván cóc gặm. Giá sách chuột cắn nham nhở. Từ hôm mất mèo đêm nào cũng dậy đuổi chuột mấy bận. Giấy tôi viết là loại giấy đen không có ô ly, giấy một mặt mua cân ở phố huyện. Tôi nhìn bàn viết của anh thèm thuồng. Bàn Tây bóng lộn, đèn nhiều màu thanh nhã. Trên bàn là một giá bút hơn chục loại, thước kẻ, gạt tàn, có cả một cái chén cổ gác lên chai rượu Tây vàng óng, chắc trước lúc nhấc bút anh sẽ nhấp chăng. Trên tường, ảnh chân dung anh đang suy tư nhô cao cạnh mấy bức chân dung của các nhà văn thế giới được giải thưởng Nobel mà anh yêu thích, hay trích dẫn. Tôi càng thương cái thân tôi hơn, lấm lem đất cát, tay bế con tay chữa bản thảo, làm gì anh chả chê tôi, văn thế nào chả có sạn. Bàn viết của anh sạch sẽ thế này đến một vảy bụi không có huống hồ sạn văn. Thế thì tại sao anh chưa động bút được nhỉ? Tôi nhìn cái bàn văn của anh mà thắc mắc quá. Trên bàn một tập giấy trắng tinh khôi dày dặn đã kẻ lề, bên trên một dòng kẻ thẳng thớm nhã nhặn xuất hiện dòng chữ mực đỏ: “Tiểu thuyết của N...”, bên dưới một chút là tên sách viết bằng mực tím cực đẹp: “Những đời người - những dòng sông phương Đông”. Tôi suýt kêu lên: “Hay quá. Lớn lao quá”. Phải thế chứ, đúng là tài năng thường có những suy nghĩ lớn lao. Phải cho thế giới mở mắt ra nhìn vào những con người và dòng sông phương Đông của chúng ta. Tôi đã bao lần mơ ước viết về sông nhưng sợ mình kiến thức nông cạn, hiểu biết sơ sài rồi viết không đến đầu đến đũa. Đúng là trời dành việc lớn cho anh. Phải là anh viết về sông mới bay bổng, thoát phàm vì ngày trước anh nói về sông hay lắm, hay như dòng sông tuổi thơ của bọn tôi vậy. Anh bảo: “Văn các cậu vớ vẩn, biết không. Và không như những dòng sông, nó tù túng, cạn cợt”. Ngày ấy, tôi thấy mình có lỗi thật. Viết văn không hay cũng là tội lỗi chứ gì nữa. Tôi thấy mình nhỏ bé trước lý luận cao siêu của anh, càng sợ anh, nhưng vẫn mong ngày anh động bút ra các tác phẩm lớn. Thì ra nó ở đây, định hình rồi, có tên rồi, nhưng này, sao phần dưới toàn là giấy trắng thế nhỉ? Tôi thắc mắc  quá. Rồi tôi mạnh dạn tiến đến xếp bản thảo lật tờ thứ hai, vẫn là cái dòng tên ấy, vẫn lề kẻ thẳng, chữ tím ngắt đẹp như tranh, tôi lại lật, lật, vẫn giống nhau như phô tô. Chữ anh viết giống nhau như phô tô. Anh chuẩn bị kỹ thật, viết nháp mà cứ như viết bằng khen, giấy khen, ghê gớm quá.

Nhưng ngoài tên sách và tên anh ra, không còn chữ gì nữa. Tôi đâm hoang mang, hồ nghi ở con mắt mình. Tôi dụi mắt, sờ tay xuống những tờ giấy trắng có cái lề đã kẻ sẵn. Tôi phân vân. Tôi im lặng. Anh đã đứng sát tôi từ lúc nào, nói như từ giấy nói lên: “Cậu ạ, tôi viết truyện ngắn trước vậy. Tuy nó không quyết định được một nền văn học nhưng nó giải quyết những sự vụ trước mắt. Thì chả phải nhiều nhà văn lớn đã thành danh ở thể loại này đó sao. Viết dài để tính sau vậy”. Tôi cẩn thận nhìn anh. Tôi phát hiện ra ở anh cũng có con người khác, mực thước khiêm nhường và chịu sửa mình đấy chứ. Cứ nghĩ tính anh ngày trước mà khiếp, đã nói gì một là một, hai là hai, cấm có ai xoay chuyển được. Hóa ra còn một người. Tự anh xoay chuyển quan điểm của anh. Âu cũng là không lãng phí tài năng, chấp nhau làm gì. Tôi là gì mà chấp được anh. Từ xưa anh nói cái gì cũng đúng, khúc chiết lại có sức cảm hóa. Nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới cũng thế, chứ riêng gì anh. Họ viết ở thể loại này không thành công nhưng lại là một đỉnh olympia ở thể loại khác. Tôi bắt tay anh rất chặt và xin phép ra về với cái huyện heo hút của tôi, hy vọng được đọc những truyện ngắn xuất sắc của anh. Truyện chắc hẳn sẽ đăng ở các tờ báo Văn sang trọng. Truyện của anh sẽ gây xôn xao dư luận, sẽ mới, không sáo cũ như chúng tôi. Truyện ngắn của anh sẽ không vụn vặt, một người như anh không thể viết truyện bình thường được. Tôi biết quá rõ tính anh không chấp nhận sự bình thường, khá anh còn không đồng ý nữa là. Anh viết truyện ngắn phải là toàn bích.

Anh nắm tay tôi hờ hững. Tôi chào anh chị ra bến xe. Tôi bị muộn xe mãi đêm mới về đến nhà. Trên đường về bị dính mưa, cảm mất mấy tuần. Tôi ốm một trận thập tử nhất sinh. Những đồng nhuận bút ít ỏi từ những truyện lặt vặt của tôi đã thuốc thang cho tôi, cả thuốc tây thuốc bắc và thuốc tinh thần. Khỏe, tôi đến chỗ làm của mình, mọi người như quan tâm tới tôi hơn. Họ chuyền nhau tờ báo Văn có in truyện của tôi. Truyện về chính cuộc đời lam lũ, heo hút và tẻ nhạt của họ. Qua nhiều năm cầm bút, lại hay được anh chỉ cho những điểm yếu, truyện tôi viết dần dà khá hơn. Rõ ràng đời mình lên trang sách nói cũng sinh động lắm. Ai cũng bảo thế. Khỏe, tôi cầm bút, lại viết về những chuyện nhỏ nhặt quanh mình và có ý thức chờ các truyện ngắn lớn lao của anh.

Tôi chờ, phải nói là rất kiên nhẫn. Tôi hay tự nhủ truyện của anh đã in phải ở trang nhất, có lời đề dẫn của tòa soạn, khác truyện của tôi, truyện của tôi thường in ở trong. Tôi chờ rất lâu, mấy năm ròng. Kết thúc đợt thi truyện ngắn trên tờ báo Văn, tôi được cái giải khuyến khích. Những truyện được giải cao rất hay, văn phóng túng lắm, chữ nào ra chữ ấy, cứ như thần viết chứ không phải người trần gian. Trong số những truyện ấy, tôi đặc biệt chú ý tới một truyện có lối hành văn sang trọng, chữ nghĩa, ý tứ vừa kín đáo vừa phô phang. Truyện có tầm tư tưởng rất cao, bi kịch mà nhân văn quá chừng, đã thế lại viết không giống ai, lối viết mới, lạnh lùng rành mạch, tiết tấu nhanh, kết thúc bất ngờ. Cứ xem truyện và lý thuyết về sáng tác thì chắc chắn phải là truyện của anh. Chỉ có anh mới viết giỏi thế chứ ai vào đây nữa. Nhưng không phải tên anh. Cũng chẳng hề gì. Biết đâu anh chả dùng bút danh. Các nhà văn lớn rất hay dùng bút danh, có người có vài chục bút danh khác nhau, cái nào cũng hay, thâm thúy và gắn với một ẩn ý nào đó.

Hôm về nhận giải, tôi không gặp anh. Truyện hay kia là của một người khác. Một anh bộ đội chiến đấu ở nước bạn về. Sau mấy chục năm sống với bà con dân tộc viết truyện ấy nên nó hay, lạ và được trao giải cao. Tôi lặng lẽ nhận giải sau cùng, cám ơn các nhà văn động viên tôi. Một bác nhà văn già tóc dài bảo: “Phải tích cực viết đấy nhé. Được cái gì hay cái ấy. Đời văn lóe sáng được mấy lần đâu. Cứ viết thật về những cái xung quanh, anh bạn trẻ à”. Nhà văn ấy là một nhà văn tên tuổi. Ông động viên chân tình và tin tưởng ở tôi. Tôi thầm cám ơn ông và nghĩ về anh, sao chưa bao giờ anh động viên tôi viết nhỉ. Anh toàn bảo viết thế thì nên gác bút. Viết văn là việc của tài năng. Rõ ràng anh tài năng sao anh không viết, không xuất hiện, dùng tác phẩm xuất sắc của mình chỉ giáo cho bọn tôi học tập. Tôi lẩn thẩn nghĩ và thuê một chiếc xe ôm đến thăm anh, cũng tò mò xem hiện giờ anh sống và viết thế nào.

Anh gầy và đờ đẫn hơn mấy năm trước. Anh chị đã có một cháu trai rất xinh. Chị vồn vã mời tôi vào nhà. Nhà anh chị thuê thêm người. Anh mời tôi ở lại ăn cơm. Tôi nhớ lần muộn xe bị mưa ốm định từ chối nhưng cái thằng tò mò ở trong tôi thức dậy. Tôi ở lại xem anh viết lách thế nào. Anh ít nói hẳn so với mấy năm trước, rất tránh nhắc đến chuyện viết lách. Anh biết tôi về đây nhận cái giải văn. Nói thế tức là anh vẫn đọc các sáng tác của tôi, theo dõi không khí sáng tác thời gian qua. Tôi ngỏ ý muốn thăm cái buồng văn anh. Anh đi trước. Tôi lách người vào buồng văn sang trọng. Mọi thứ hầu như vẫn y nguyên. Từ mấy bức chân dung trên tường đến tập giấy trắng nằm nghiêm ngắn trên bàn viết. Sách trên giá nhiều hơn, quyển nào quyển ấy dày dặn, trật tự và sạch sẽ trên vị trí của mình. Cái gạt tàn đầy ắp mẩu thuốc. Buồng sực nức mùi thuốc lá. Tôi nhìn ngón tay và môi của anh biết dạo này anh hút nhiều. Bất thần anh tiến về phía bàn rót rượu, lấy cái chén cổ rất đẹp đưa tôi bảo: “Cậu làm một chút đi. Dạo này mình hay uống lắm”. Tôi đỡ chén rượu, vân vi rơm rớm tình cảm của anh dành cho tôi. Tôi lại thấy một con người trong anh, ươn yếu và dựa dẫm vào một thứ gì đó. Tôi uống một hơi hết chén rượu. Rượu rất ngon. Anh tự rót cho mình một chén và bảo: “Thắc mắc về mình lắm phải không. Chuyện viết lách của tớ chứ gì. Dài đấy. Cứ như cậu lại hay. Mình vẫn không động được bút. Toàn những thứ không định viết cậu ạ. Không thể viết ra những thứ ấy được”. Ô anh ơi! Sao lại như thế. Mấy năm rồi còn gì. Kể từ lần anh tuyên bố viết tiểu thuyết thì đã gần chục năm rồi. Viết vớ vẩn như tôi đã được hai tập truyện ngắn, đã là thành viên hội văn nghệ một tỉnh miền núi, đi xuống với bà con, viết về đời sống nhân dân thích lắm. Chả phải động bút mà bà con trợ bút cho mình. Thực ra thì mình chỉ chép lại. Sở dĩ tôi hay bị anh chê là do tôi chép vụng đấy. Bảo đảm là ngòi bút của anh mà chĩa vào thì không ai chê được. Lần trước đi thăm anh về, ốm một trận thập tử nhất sinh, nếu không có những truyện chưa ra truyện ấy không biết tôi bám víu vào đâu để gượng dậy, để đi tiếp cái chặng đường như anh vẫn nói không có tài năng thì đừng bén bảng đến ấy. Bây giờ anh còn lần khân mãi thì việc sáng tạo ra những tác phẩm lớn ai sẽ lo. Ví như tôi thì không thể lo được rồi. Hoặc là các anh, các chị đoạt giải cao vừa rồi gặp nhau ai cũng bảo đã cố hết sức, đã huy động hết vốn sống và “xuất thần” cả rồi. Mà truyện theo anh vẫn chưa toàn bích, chưa phải là những sáng tác của tài năng. Tôi nhìn xuống đống bản thảo của anh. Nó gọn gàng và sạch đẹp quá. Bên cạnh một tập giấy kẻ chân tên cái tiểu thuyết mà anh đã bỏ ra mươi năm là một tập giấy nữa cũng kẻ chân mực đỏ y hệt thế, chữ cũng bằng mực tím viết đẹp như người ta viết bằng khen, giấy khen, chữ anh viết đều tăm tắp như phô tô. Một cái tên truyện ngắn rất gợi cảm, rất lớn lao đập vào mắt tôi “Người của hôm nay”, dưới đề một dòng nhỏ hơn - truyện ngắn thứ nhất. Tôi lật tiếp trang sau để tìm đọc tinh anh của cái tên khơi gợi kia thì lại thấy tên một truyện nữa, cũng lớn lao lắm “Xây một mùa xuân”. Ái chà! Sao anh đặt tên truyện hay thế không biết. Tôi nhớ ngày trước anh hay mắng tôi: “Cậu dở nhất cái gì biết không. Đặt tên truyện. Tên con cái mình mà không biết gọi cho hay cho sang thì viết lách gì. Đúng thật là...”. Lúc ấy tôi ngớ ra. Tôi thấy anh nói đúng thế không biết. Tên truyện tôi đặt thường nôm na xuề xòa xong thôi, đã thế lại dại, nghe xong người ta biết mình viết gì rồi. Tôi lật tiếp tập bản thảo của anh “Lấp biển” - truyện ngắn thứ ba. Đến cái tên này thì tôi phục anh sát đất. Tư tưởng lớn lao quá, tiến bộ quật cường, nghe cứ như có người thúc giục lên đường làm việc nghĩa. Rồi thì “Mở rừng”... “Đất mới”, “Đảo nhân sinh”, “Mặt trời đen...”, toàn những tên ghê gớm, bao trùm, khái quát, giản dị nhưng mà ẩn ý sâu xa. Thì ra anh hình thành một tổng tập truyện ngắn vạm vỡ, đông đúc, phản ánh cùng lúc toàn bộ đời sống nhân gian, vũ trụ, vật chất, phi vật chất... thảy đều sẽ lấp lánh, thăng hoa ở ngòi bút của anh. Viết thế mới ra viết chứ. Chẳng như tôi viết toàn vụn vặt, có mỗi chuyện con con viết mãi không xong, gần mười năm mới được hai tập sách mỏng. Anh khác lắm, động bút là tính tới toàn tập, cân đối, chỉnh thể chứ chẳng như ai. Nhưng sao vẫn chỉ là những cái tên. Những cái tên dù hay mấy nó vẫn là những cái tên không hơn không kém. Điều này anh có biết không nhỉ. Chắc là anh biết. Tôi còn biết huống hồ tài năng như anh. Cái gì anh cũng biết cơ mà. Thảo nào gầy sút và hay uống rượu. Anh lại uống một chén nữa và trao chén mời tôi. Hai thằng đàn ông im lặng bên đống bản thảo dở dang thật chẳng ra làm sao. Tôi uống cạn chén rượu, nhoài sang bới một chồng giấy khác, nghĩ biết đâu anh chả để tác phẩm ở chỗ ấy. Biết đâu anh trêu cợt cái tính nhút nhát của tôi. Trời ơi! Thì ra anh còn sáng tác cả trường ca, giấy hồng là thơ, kẻ lề tên bài vở đẹp và sang trọng lắm. Làm thơ với anh chắc cũng dễ. Anh nói về sáng tác thơ cũng hay chẳng kém gì sáng tác văn xuôi. Tôi nhớ nhiều lần anh bảo làm thơ cốt nhất nghĩ cho thật chín. Động bút là phải xong ngay như thò vào trong áo lấy đồ vật. Cảm xúc phải dồi dào, tinh tế. Thơ kiệm chữ, quý hồ tinh bất quý hồ đa. Rồi anh say sưa giảng giải thơ kỵ lộ ý, mạch nông nổi, nói thẳng thắn, v.v... và v.v... Tôi phải xin anh: “Anh ạ. Tôi chỉ chuyên viết truyện ngắn thôi. Tôi sợ thơ lắm!”. Anh cười ruồi: “À, nói thế chứ làm thơ phải có tài năng. Sợ là tốt”. Bây giờ đối diện với đống bản thảo thơ và trường ca của anh, tôi kinh hãi sực nghĩ dự kiến sáng tạo của anh. Đúng là tài năng nên khác thường thật. Nói đến đâu biết đến đấy. Tên trường ca kêu lắm, nhiều chương nhiều hồi, giấy ràn rạt trắng. Thơ cũng thế. Tên bài đẹp và bay bướm như chữ viết mẫu in hoa vở các em cấp một. Nhưng cũng như tiểu thuyết và truyện ngắn của anh, tập giấy ấy mới chỉ có những cái tên nằm xếp hàng im lặng trên nền mỗi trang giấy trắng. Tên nào cũng đẹp, sang và giàu ý nghĩa, đúng đắn như những lời anh nói trước kia. Tên nào cũng đánh ngày tháng năm nhỏ nhắn, xinh gọn ở góc và tôi chợt trở nên hoảng sợ khi cái tên gần nhất anh viết cách đây đã hơn một năm và cái tên lâu nhất cũng đã mười năm rồi. Giấy trắng thế nhưng để lâu cũng giòn cả ra, sờ vào rất kêu. Tôi không dám bới tiếp đống bản thảo - thời gian của anh nữa. Tôi lặng lẽ nhìn bức chân dung anh nhô cao bên cạnh chân dung các nhà văn nổi tiếng đạt giải Nobel mà anh hay trích dẫn rồi nhìn sang anh có ý chờ đợi. Tôi chờ đợi cái gì chính tôi cũng không biết nữa. Anh đốt thuốc liên tục, tôi cũng đốt thuốc. Căn phòng sang trọng ngày một ngột ngạt. Anh dần dần trở nên mờ mờ ảo ảo trong làn khói của chính mình.

Bỗng có tiếng chị gọi ra ăn cơm. Tôi và anh sực tỉnh trở về thực tại. Hai người từ đám khói bước ra lặng lẽ. Trong bữa cơm tôi ít nói chuyện với anh, đặc biệt là chuyện sáng tác. Tôi nói chuyện với chị. Chị tôn trọng anh lắm. Chị bảo thời gian gần đây sức khỏe của anh không được tốt. Anh hay thức khuya, làm việc quá sức, chắc là sáng tác cái gì lớn. Anh ho. Tôi im lặng nhìn anh. Sau bữa cơm tôi xin phép anh chị. May vẫn còn chuyến xe vét cho tôi trở về với vùng rừng núi. Lần này không bị mưa, không bị ốm như lần trước. Tôi lại trở về với cuộc sống của tôi. Với tôi, anh luôn là người bạn tốt, cho dù suy nghĩ của tôi về anh bây giờ đã khác đi. 
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Chuyện bây giờ mới kể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO