Sân khấu

Chờ đón học trò đến thưởng thức và trải nghiệm

Miên Thảo 08/12/2023 14:37

Các nhà hát không thiếu kịch mục mà luôn “sẵn nong, sẵn né” chờ đón học trò đến thưởng thức, trải nghiệm cùng nghệ sĩ. Và khi có thể thì việc làm thế nào để “quyến rũ” các em có thêm hứng thú với sân khấu, nhất là với kịch hát dân tộc luôn là điều được các đơn vị nghệ thuật quan tâm, trăn trở…

Đó là chia sẻ chung của các nhà hát ở Hà Nội khi nói về sân khấu học đường – một “thị trường” ăm ắp tiềm năng mà cũng không ít thách thức, không dễ dàng chinh phục.

Phong phú kịch mục

Gần đây, rạp 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội của Nhà hát Tuổi trẻ liên tục sáng đèn vào những ngày cuối tuần với vở nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh”. Vở diễn chưa đầy 60 phút, kể câu chuyện khá đơn giản: Thế giới yêu tinh trong khu rừng nọ có lời nguyền không được nhìn vào mắt con người, nếu không sẽ bị tan biến. Nhưng rồi một cô bé bỗng dưng lạc tới. Những bối rối, mâu thuẫn giữa yêu tinh bố và yêu tinh mẹ bắt đầu nổ ra…

mien-thao-1.jpg
Vở diễn “Chuyện của Bờm” của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: Miên Thảo

Vậy mà vở nhạc kịch vẫn thu hút sự quan tâm của khán giả với những suất diễn bán vé luôn kín rạp. Và, không chỉ với trẻ dưới 10 tuổi (độ tuổi được “chỉ định”) mà cả thanh thiếu niên, phụ huynh cũng không rời mắt đến tận lúc màn nhung khép lại. Chẳng những hứng chí mách lẻo, chỉ trỏ khi được nhân vật trên sân khấu hỏi gióng xuống mà khán giả nhí còn ầm ào kể đủ thứ chuyện về gia đình mình. Như cô bé Thúy Trang năm nay học lớp 3 đi xem cùng mẹ và em gái quay sang hết “nịnh” mẹ là tuyệt vời lại ấm ức “mách tội”: “Bố của con cũng giống yêu tinh bố, chẳng yêu quý con gì cả. Có lần bố đuổi con đi…”.

Cùng với “Đứa con của yêu tinh”, Nhà hát Tuổi trẻ còn có vở “Chú mèo dạy hải âu bay” dành cho khán giả nhí cũng thú vị và vừa có thêm suất diễn hồi cuối tháng 10. Hoặc một số vở nhạc kịch dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên như “Giấc mơ của Bờm”, “Sóng”, “Trại hoa vàng”… Trong đó, vở “Giấc mơ của Bờm” của tác giả Thiên Ân cũng được Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng với tên gọi “Chuyện thằng Bờm”.

Ở phiên bản chèo của Nhà hát Chèo Hà Nội, khi công diễn bán vé tại rạp Đại Nam (72 Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội), vở diễn đem đến cho khán giả sự thích thú riêng khi được nghe câu chuyện rất đỗi quen thuộc từ ca dao bằng lối kể chuyện của nghệ thuật truyền thống. Ngoài được nghe các làn điệu khi ngọt ngào trong lời hát ru, lúc vui nhộn trong bài đồng dao, các em còn được tham gia “đóng vai”. Đó là khi các em học sinh được đứng vai ở vị trí dàn đế vốn dành cho nghệ sĩ ở phía sau sân khấu trong vở “Chuyện của Bờm”. Các em dù thuộc nằm lòng bài ca dao “Thằng Bờm có cái quạt mo/ Phú ông xin đổi ba bò chín trâu…” mà không hề thấy chán khi được cùng nhắc lại hay có lời đáp mỗi khi tên phú ông gian ác hay Bờm có lời ướm hỏi.

“Ở nhà, lúc nào em làm việc gì bị hỏng hay chậm là bà rồi mẹ lại nói: “Đúng là Bờm!”, làm em có phần buồn vì nghĩ đang bị chê là ngốc nghếch, chậm hiểu. Nhưng xem vở chèo này em thấy anh Bờm (Quang Trưởng - PV) rất đẹp trai, hát hay và không ngốc. Anh Bờm sống thật thà, biết yêu thương, chia sẻ với người xung quanh. Em rất thích thú khi phát hiện ra điều này và không còn cảm thấy buồn nếu mấy nữa được gọi là “Bờm””, bạn Nhật Minh (Đống Đa) bày tỏ ngay khi vở diễn khép lại.

Không hẹn mà gặp, Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng đang mở suất diễn tại 361 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội vào tối thứ 7 hằng tuần với vở diễn lấy người dẫn chuyện cũng là nhân vật Bờm. Khi đó, truyện cổ tích “Chiếc rìu vàng” được diễn bằng trò rối nước cổ truyền trước đó đã cùng các em thiếu nhi đón Trung thu sẽ tiếp tục trở lại và thêm dí dỏm, đáng yêu của tấm áo mới mang tên “Bờm kể bé nghe”.

Cùng với những vở diễn này, Nhà hát Chèo Hà Nội còn dàn dựng vở “Cánh diều làng Vũ Đại”, “Quan Âm Thị Kính”…; Nhà hát Múa rối Việt Nam thì có “Thế giới thần tiên”, “Thân phận nàng Kiều”, “Âm vang đồng quê”… được đầu tư dàn dựng công phu và hướng đến khán giả là các em học sinh.

Với Nhà hát Tuồng Việt Nam, rạp Hồng Hà ở 51 Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội được cải tạo khang trang hơn, nhất là khu vực sảnh được trang trí thảm đỏ cùng một số đạo cụ đồng thời khán giả có thể chụp hình kỷ niệm... Đây cũng chính là điểm “hò hẹn” khá hấp dẫn đối với các em học sinh không chỉ ở Hà Nội mà cả các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng đến tìm hiểu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng qua các trích đoạn: “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, “Ông già cõng vợ đi xem hội”, “Châu Sáng qua sông”, “Kim Lân qua đèo”, “Ngũ sắc”, “Trần Quốc Toản ra quân”…

Mới đây, học sinh khối 7 Trường THCS Ngoại ngữ có hoạt động trải nghiệm “Tìm hiểu tác phẩm văn học thông qua nghệ thuật Tuồng” tại rạp Hồng Hà. Khi đó, các em được thỏa sức tự mình khám phá những câu chuyện thú vị, độc đáo về loại hình nghệ thuật truyền thống này và tham gia hóa trang, thậm chí được nghệ sĩ hướng dẫn hóa thân vào vai diễn rộn tiếng cười và sinh động, lý thú.

mien-thao-2.jpg
Vở nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh” của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Miên Thảo

Còn Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng có nhiều chương trình hấp dẫn dành cho học sinh như: “Sắc màu cổ tích”, “Ngày hội xiếc thú”, “Đi cùng năm tháng”, “Tấm Cám”, “Thế giới kỳ thú”, “Ngày hội Tây Nguyên”… Sân khấu tròn của Liên đoàn (67 – 69 Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng) thường xuyên đón các em học sinh đến thưởng thức và trải nghiệm. Những tiếng cười thích thú đan xen với ồ, à thán phục vang khắp khán đài…

Ngoài ra, Nhà hát Múa rối Thăng Long cùng với “Mèo và chuột” cũng đang dàn dựng các chương trình mới, Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng mới phục dựng vở “Kiều” (bản dựng cách đây 30 năm)…

Không ngừng tâm huyết

“Ngoài những suất diễn tại rạp, chúng tôi đang lên kế hoạch đưa vở nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh” cũng như nhiều vở diễn khác đến với các trường học trong thời gian tới. Nhà hát có các vở diễn được phân khúc độ tuổi từ mẫu giáo đến trung học phổ thông nên có độ phủ rộng, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của các em”, đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thông tin.

NSƯT Thu Huyền - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội thì mừng vui kể, mới đây, các nghệ sĩ của nhà hát có buổi biểu diễn, giao lưu với học sinh Trường Vinschool. Các em không chỉ được nghe chia sẻ về nghệ thuật chèo, thưởng thức trích đoạn “Thị Mầu lên chùa” trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” “Thử hài” trong vở chèo “Tấm Cám” mà còn được thử giọng, tập hát, chơi nhạc cụ dân tộc. Qua đó, nghệ sĩ khéo léo đan cài để giới thiệu về các làn điệu chèo, trò diễn…

“Nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội đã có nhiều dịp đến với học trò khi từng thực hiện đề án “Giới thiệu nghệ thuật chèo tại các trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”. Và từ năm 2024, cùng với các nhà hát khác của Hà Nội chúng tôi sẽ thực hiện đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của Hà Nội giai đoạn 2022 – 2030”, NSƯT Thu Huyền nói.

Chia sẻ thêm về quá trình chuẩn bị này, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đều cho rằng, để có thể đưa vở diễn, trích đoạn đến với các em học sinh là những nỗ lực không ngừng của các nhà hát và nghệ sĩ. Cũng bởi, ở độ tuổi hiếu động, ưa mới lạ của học trò, để giữ chân các em quan tâm, hứng thú với vở diễn luôn là bài toán khó. Đầu tiên là tìm kiếm một kịch bản phù hợp. Dẫu rằng đã có định hướng là các tác phẩm văn học nổi tiếng trong chương trình giáo dục phổ thông song việc chuyển thể như thế nào sang các loại hình nghệ thuật một cách thuyết phục chưa bao giờ là dễ. Vì là những câu chuyện, hình tượng nhân vật đã trở nên quen thuộc với nhiều học sinh nên đối tượng khán giả này thường mang tâm lý so sánh khi thưởng thức vở diễn sân khấu với nguyên tác. Nếu hư cấu quá đà sẽ dễ dàng bị các em phản ứng. Cùng với đó, ngôn ngữ kịch, diễn xuất và trang phục của nghệ sĩ vừa phù hợp, chuẩn mực mà vẫn hấp dẫn trong khuôn khổ cho phép chứ không thể dễ dãi tùy tiện buông tuồng.

Là tổng đạo diễn vở “Sóng”, NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, đây là một thử thách rất lớn đối với chị và ê-kíp. Việc lấy tên vở diễn là một trong những bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh trong sách giáo khoa và khai thác dựa trên câu chuyện tình yêu giữa bà và nhà viết kịch Lưu Quang Vũ để kết nối những bài thơ của họ trở thành vở diễn theo phong cách broadway (nhạc kịch) thuần Việt là điều chưa bao giờ dễ. Để hoàn tất việc khó này, chị đã dành nhiều thời gian đọc thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Đồng thời với việc lấy cảm hứng từ những vần thơ chan chứa cảm xúc, suy tư ấy, chị và cộng sự cố gắng “sáng tạo câu chuyện qua việc phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… làm sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời”, NSƯT Cao Ngọc Ánh chia sẻ.

Là người hóa thân vào vai Tú Bà trong vở “Kiều” được Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng và có hàng chục suất diễn học sinh các trường ở Hà Nội như: Việt Đức, Trần Phú, Chu Văn An, Phúc Lợi…, NSƯT Linh Huệ kể, cảm xúc của nghệ sĩ ở những buổi diễn này rất đặc biệt, nhất là khi được ngắm nhìn những gương mặt trẻ thơ thích thú thưởng thức. Các em còn có phản biện về cách ứng xử của nhân vật Hoạn Thư theo góc nhìn của mình, cho rằng đó là theo logic tâm lý thông thường của một nạn nhân chứ không lên án.

Với vai Tú Bà xinh đẹp, thông minh mà ma lanh, ghê gớm khác với Tú Bà “Thoắt trông nhờn nhợt màu da/ Ăn chi to lớn đẫy đà làm sao” mà NSƯT Linh Huệ đảm nhận, các em lại tỏ ý hài lòng. “Đó là phần thưởng không gì quý hơn đối với nghệ sĩ, nhất là sự thử nghiệm thay đổi mẫu nhân vật của tôi được các em chào đón. Từ các vở diễn chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nhà trường, chúng tôi được góp phần tiếp lửa cho các em không chỉ thêm góc nhìn về truyện kể, bài thơ ấy mà còn khơi gợi những cảm xúc nghệ thuật huyền diệu…”, NSƯT Linh Huệ tâm huyết nói.

Đưa con đến thưởng thức vở diễn “Đứa con của yêu tinh” (dự án hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ với Nhà hát Sangsang Maru - Hàn Quốc và kịch bản được viết dựa trên truyện ngắn cùng tên của nữ nhà văn đầu tiên giành giải Nobel văn học – bà Selma Lagerlöf - Thụy Điển), chị Thái Giang (Đống Đa) cho rằng cách tiếp cận bằng nhạc kịch đối với học sinh là rất hiệu quả. Thông điệp của vở diễn cũng gần gũi – không chỉ là sự gắn kết cộng đồng bằng tình yêu thương, sự thấu hiểu mà còn là thông điệp về môi trường. “Tiếp cận và xây viên gạch đầu tiên về ý thức bảo vệ môi trường cũng như nhiều vấn đề xã hội khác qua các vở diễn cho các em học sinh rất cần thiết. Tôi có góp ý nhỏ, các vở diễn cần có thêm những chi tiết đời thường, tranh thủ sự háo hức, ấn tượng của các bé với lời thoại, hành động của nghệ sĩ sẽ trở thành kênh giáo dục hiệu quả”, chị Thái Giang nói./.

Bài liên quan
  • Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần thứ IV năm 2023
    Các đơn vị tham gia Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ IV có Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Câu lạc bộ Ảo thuật Gia Định, Câu lạc bộ Ảo thuật Tiền Giang, Câu lạc bộ Ảo thuật TP.HCM… Số lượng tiết mục đăng ký năm nay nhiều hơn so với 3 cuộc liên hoan lần trước.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chờ đón học trò đến thưởng thức và trải nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO