CHẬU MAI TẾT
Tác giả: Nguyễn Duy Đồng
Sáng tiễn ông Táo về trời, chiều anh Hoàng mang về một chậu mai mới bắt đầu nẩy nụ nhưng tuyệt đẹp. Chị Thảo và cu Cún ngỡ ngàng. Anh tự tin rạng rỡ:
-Ở Hà Nội mai mới giá trị chứ đào là chuyện thường
-Mai mốt cũng chẳng ý nghĩa gì khi mẹ con thui thủi đón giao thừa. Tốt nhất là bố mang sang cơ quan hoặc biếu tặng “người ta”
-Năm nay bố ở nhà đón năm mới
-Thật không bố?
-Bố chưa biết nói dối con ạ!
-Bố đâu biết nói dối, các năm trước chỉ hứa rồi không về thôi – mẹ Cún móc máy
-Mẹ nâng lên “hứa” thì oan cho bố đâý. Bố chỉ nói là có thể chứ “hứa” lúc nào?
-Thủ tướng cũng không như bố. Ăn cơm nhà mà bảy Tết thì năm nay là lần thứ hai giao thừa có mặt chủ nhà.
-Thì năm nay bố bù lại. Ta sẽ cúng giao thừa sớm một chút rồi cả nhà ra Hồ Gương xem bắn pháo hoa, ngắm trời Xuân
Nói vậy, chứ trong lòng chị Thảo vui lắm. Vui cũng phải, gia đình người ta đầy đủ ấm cúng, còn mình cứ mẹ con côi cút. Còn thằng bé thì hí hửng ra mặt. Vậy mà...
*
Buổi học cuối cùng trước lúc nghỉ Tết, “Lớp Đại học chữ to” còn mỗi Cún đứng trước cổng trường mắt rơm rớm. Thảo vừa cô giáo, vừa phụ huynh. Cô giáo của học sinh lớn, nhưng phụ huynh lại của học sinh nhỏ nhất. Một mình đóng quá nhiều vai nên đón con mười lần, trễ tám. Thấy mẹ, tưởng Cún dỗi hờn, nhưng nó lại mừng và vội leo lên yên xe ôm lấy lưng mẹ. Tóc mũ xộc xệch như gái chân quê, hai mẹ con về tới nhà thì phố đã lên đèn. Tất bật bếp núc, rồi hai mươi giờ, cơm nóng, canh ngọt...cũng được bày ra bàn. Nhưng chưa thể hai mẹ con vào bữa, mà còn phải tắm con, tắm mẹ. Cứ để nó tự tắm như mèo rửa mặt nên cái đầu mới khăm khắm thế này. Và mình cũng phải dội qua, chứ không, cũng chẳng thua nó.
Thường thì, vừa làm việc, chị vừa nghe chương trình thời sự ti-vi. Nghỉ ngơi sau bữa ăn một lúc là mang sách vở con ra kiểm tra rồi hướng dẫn nó học. Giáo án chấm bài là công việc trong thời gian dậy sớm. Nhưng những ngày giáp Tết, “chuyện thường như ở huyện” không lặp lại, chị bảo con cùng ngủ sớm. Chị tủi thân quanh năm chí tháng đầu tắt mặt tối. Vừa mới tắt đèn đã nghe nghe tiếng gáy. Cả ngày mệt nhọc thì đặt lưng là như chết cũng phải. Tiếng còi hú ngay bên tai cũng mặc, nói gì nó văng vẳng đâu đó ngoài đại lộ. Nhưng nhầm! Nhầm lớn! Chẳng những khi rú réo mà chị còn nghe được cả dư âm. Tiếng còi hú như một thành phần gắn chặt vào nỗi niềm của chị. Chị sợ hãi âm thanh ấy! Sau đó là những tang thương mất mát đau đớn ập xuống người bị nạn. Sau đó là sự lả sức, có khi còn tai nạn của anh, của lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Chị rất thương và thông cảm chia sẻ với chồng ở âm thanh ấy! Nhưng gần đây chị lại suy nghĩ khác: Có chồng khỏe mạnh, sống cùng nhà mà như kẻ góa phụ! Lớn, bé, nặng, nhẹ, con cái,...tất tần tật mọi công việc gia đình như là bổn phận của riêng chị. Phải chăng mang tiếng cô giáo PTTH mà mụ mẫm mù quáng không nhận ranhững điều đơn giản nhất của thói đời? Dấu hỏi và hối hận trong chị cứ nảy nở và lớn dần và mạch suy tư lật lại quá khứ: Sau vụ cháy ngôi nhà năm tầng, trên trang Facebook của nạn nhân được cứu sống Lệ Hoaviết: "Tôi đã được đầu thai lại từ người ấy, một điều lạ đến khó tin. Xin được gửi tới anh và toàn đội PCCC, những người đã lao vào khói lửa hôm đó ngàn lần tri ân!!!" và kèm dưới đó là bức ảnh về người lính chữa cháy đen nhẻm, không nhận ra mặt mũi do ám khói, đang cõng nạn nhân từ đám cháy bước ra. Hẳn Lệ Hoa đã đọc và lấy bức ảnh từ trên mặt báo: “...Chia sẻ về chạy đua thời gian, để cứu một nữ nạn nhân bị mắc kẹt ra khỏi đám cháy, Trung úy Hoàng nhớ lại: “Khoảng 10 giờ, đơn vị nhận được lệnh chi viện chữa cháy. Ngay lập tức, các cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng mang theo phương tiện cứu hộ, lên xe tới hiện trường. Khi đến địa điểm, phần lớn ngôi nhà năm tầng chìm trong khói lửa. Sau khi nắm bắt tình hình, tôi cùng đồng đội bắt đầu triển khai leo thang lên các tầng, phá cửa và đưa lăng vào chữa cháy. Lúc đó, tôi chỉ đội một chiếc mũ bảo hộ, còn hai cộng sự có đeo bình thở cầm lăng đi lên phía trên theo lối cầu thang. Khi nghe thấy có tiếng hô vẫn còn người mắc kẹt, theo quán tính, tôi chạy lên và phát hiện một thanh nữ đang bị ngất tại sàn nhà tầng bốn với tư thế nằm sấp. Trong phòng, nhiệt tỏa ra rất nóng, khói nồng nặc. Thấy tim nạn nhân vẫn còn đập, nhưng nhịp thở chỉ còn thoi thóp, một đồng đội, ngay lập tức nhường bình oxy cho nạn nhân. Sơ cứu vội, tôi cõng nạn nhân muốn làm sao thoát ra được nhanh chóng nhất. Nhưng nếu đội mũ, lại cho nạn nhân thở bình ô - xi sẽ không thể cõng được vì lối đi cầu thang quá nhỏ. Do đó, cách duy nhất, tôi phải bỏ lại tất cả trang bị bảo hộ cá nhân. Xuống tới tầng hai, tôi chững lại, như muốn xỉu vì thiếu khí thở, chân tê cứng, không thể bước tiếp. Tuy nhiên, như có điều gì đó thôi thúc tôi cần phải trấn tĩnh, phải lấy hết bình sinh sức lực để cõng nạn nhân nhanh được lên xe chỉ huy, chạy thẳng vào bệnh viện cấp cứu. Khi đặt được nạn nhân lên xe, tôi sung sướng muốn vở òa, nhưng lảo đảo gục xuống, chỉ kịp nghe tiếng đồng đội: “Xỉu kìa, đỡ lấy đồng chí Hoàng nhanh lên”, rồi không biết gì nữa”. Lệ Hoa là sinh viên khoa dược, gia đình công chức khá giả. Lạ thay, trong hỏa lò như thế mà nàng chẳng có thương tích, vẫn xinh đẹp, vẫn quyến rũ. Nàng bảo nếu không có chàng thì đời nàng đâu tồn tại nên sẵn sàng dâng hiến cho người đầu thai ra mình, bất cần biết đến sự đời ra sao. Ân nhân nàng là một chàng cao ráo, sáng sủa, khỏe mạnh, có cặp mắt sáng, cởi mở hòa đồng, lại nghĩa hiệp cao cả. Trai anh hùng, gái thuyền quyên có cớ để đến với nhau như sự sắp đặt của ông Trời, thật hợp lẽ! So với người ta, cái gì mình cũng thua kém và kết cục như vậy là thỏa đáng. Còn lời hẹn ước ấy ư ? Có thể coi đó như một lời tán tỉnh gió bay. Ngay cả nụ hôn cũng chưa trọn vẹn thì có cớ gì để trách cứ người ta. Chàng và nàng gần gũi đến mức có thể nói là vợ chồng cũng chẳng ngoa, nhưng bảo đó là anh em ruột thì rõ đúng, bởi xử sự của chàng người lớn lắm. Vậy mà, thứ bảy nào chàng cũng đến tỏ vẻ chân tình như chia sẻ sự thương hại với người bị tráo tình. Không, tôi hoàn toànkhông trách cứ gì anh. Thậm chí tôi ủng hộ anh đến với người ta mà. Thời gian như thế kéo dài đến hai năm, cho đến khi mình có việc làm ổn định. Đêm đó, tôi cương quyết nói thẳng “Mời anh về để tránh mang tiếng cho cả hai”. Anh đứng lên, thái độ cũng rất khác lạ. Lần đầu tiên tôi chứng kiến anh hùng rơi nước mắt “Tôi không bao giờ đùa giỡn với tình yêu. Tôi bị nhầm, nhưng không trách gì cô cả, lỗi do tôi. Tôi sẽ không làm phiền cô thêm. Chúc cô hạnh phúc! Tạm biệt cô”. Quá bất ngờ, tôi òa khóc mà chẳng biết níu kéo anh lại nói cho hết nhẽ. Hôm sau, tôi chủ động tìm đến anh, cũng chỉ để tạo một cuộc chia tay nhân văn có hậu. “Nếu cứ thấy hơn là chọn, thì con người đó không có điểm dừng. Đau khổ cho người bị phụ tình đã đành, kẻ bạc tình cũng chẳng bao giờ chạm được vào hạnh phúc. Tôi lại khác, chỉ ước mỗi hạnh phúc nên xem lời hứa của mình là thiêng liêng, không thể lật lọng được”. Lại lần đầu tiên ngạc nhiên với lời lí giải lạ. Không kìm nổi xúc động tôi ôm lấy anh nghẹn ngào xin lỗi. Thực lòng thì tôi vẫn rất yêu anh. Và rồi, sau tình huống đó đã cho tôi thành người vợ của người chồng mà tôi ngưỡng mộ tin tưởng đến tuyệt đối. Cũng vì thế mà khi chăn chung gối ấp, anh đi trăng về trầm, nhiều đêm không ngủ nhà, dù đi với phụ nữ nào tôi vẫn không hề suy xét... Sao lại tin tưởng đến mức thế nhỉ? Bao giờ anh chẳng bảo thế: “Tai biến không có lịch sẵn. Nó ập tới khi nào thì mình phải theo nó lúc ấy. Cứ nghĩ “Trời đánh tránh bữa ăn, tránh giấc ngủ” thì cơm no, đẫy giấc, hậu quả đã rồi, còn gì để cứu nạn, cứu hộ”. Ừ, có lí do để biện minh, nhưng biết ma ăn cỗ nào? Đã thế nàng lại không lấy chồng. Không lấy được chồng vì mang tiếng với chàng? Hay không lấy chồng vì đã có anh? Đàn ông mà, ai chẳng thích của lạ. Ngay cả các vị quyền cao chức trọng cũng chết vì gái, cô thư ký đã đành, người giúp việc, vô địa vị, tuổi bằng con cháu mình ô nhục lắm mà vẫn đâm đầu...
*
Chiều ba mươi Tết, anh Hoàng cùng vợ dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ. Gói bánh chương không nhiều, chỉ bốn cái, bảo tự nấu cho có không khí cổ truyền. 21 giờ, anh bảo sang cơ quan chút rồi về sớm. Ai ngờ, 23 giờ..., 23 giờ 30... không thấy. Thằng bé bắt đầu ngân ngấn nước mắt. “Ba đang trên đường về, chắc đông người kẹt xe nên muộn. Con yên tâm”. “Cúng cụ xong ra Hồ Gươm liền hả mẹ?”. “Ừ, sắp năm mới rồi, con phải vui để lấy hên chứ, sao mặt rầu rầu vậy”. Miệng nói vậy, chứ lòng như lửa đốt, chị dỏng tai, chẳng có tiếng còi hú nào mà sao không về? Lại cái đêm ba mươi anh chị dung dăng dung dẻ hay đắm đuối góc nào...? 23 giờ 45..., 50... 55... vẫn chẳng thấy tiếng xe trước cổng. Rồi, pháo hoa giao thừa đì đẹt sáng trời. Thằng bé òa khóc, chị cũng nước mắt theo nó. Cầm nén nhang mà tay run châm mãi mới vào được ngọn nến. Nhưng vẫn cúng đơm lễ vật đầy đủ các bàn thờ. Cố vui để dỗ dành thằng bé, mắt để vào TV mà hồn chị vảng vất đâu đâu. Chị ôm thằng bé ngủ, tự cứng rắn, coi đó như một số phận lẽ thường, tủi thân chỉ tự làm khổ mình, thế mà chiếc gối nhớp nháp như ai đổ nước vào...
Tiếng chuông điện thoại đổ dài. Mở mắt, đồng hồ chỉ 6 giờ. Cầm điện thoại biết cuộc gọi lạ nhỡ nhiều lần. “A lô” – chị gọi lại, đầu kia lên tiếng liền: “Xin lỗi chị là vợ anh Hoàng phải không?”. “Vâng, tôi vợ anh Hoàng đây, xin lỗi anh là ai, có gì vậy hả anh?”. “Chị bình tĩnh nghe tôi nói hết đã. Lúc này, bình tĩnh là bản lĩnh hết sức cần thiết chị ạ”- Giọng người đầu kia có vẻ quan trọng. “Vâng, tôi sẵn sàng nghe anh nói. Tôi đã chuẩn bị tinh thần này từ lâu rồi”. Tin báo không như chị nghĩ. Dữ lắm! Chị hốt hoảng! Thằng bé thức khuya vẫn ngủ li. Thôi, cứ để nó ngủ. Chị mang phòng theo mấy bộ quân áo anh, rồi một mạch phóng xe, vì mới sáng mồng một Tết đường đang vắng. Hiện trường là một đống đổ nát bê tông gạch vữa hổ lốn do một ngôi nhà bốn tầng ập xuống. Lực lượng cứu nạn đào bới và khiêng ra những thi thể bị dập nát thật thảm thương. Chị run lên hốt hoảng như trong những thi thể ấy có chồng mình
-Yêu cầu người không phận sự không được vào
-Em là vợ anh Hoàng PCCC
-Chị là vợ anh Hoàng ? – Người đối diện hỏi lại
Chị bật khóc và gọi tên chồng rống lên
-Chị bình tĩnh, anh chỉ bị vào chân thôi và đã kịp thời đưa anh vào cấp cứu ở Bệnh viện công an.
Vào “Cấp cứu Ngoại khoa”, chị sững sốt không nhận ra chồng mình. Mặt mũi, mình mẩy nhiều vết băng, một cái chân bó bột, nhưng vẫn mừng vì biết chồng mình còn sống. Anh Hoàng bị gãy chân phải và xây xước nhiều chỗ. Anh thều thào:
- Lại lần nữa anh lỡ hẹn với vợ con. Mai nở đẹp không em?...”
- Bố đau lắm không? Bố cứ an tâm điều trị cho chóng lành. Mai đẹp lắm nở rực đúng giao thừa bố ạ - chị cố cho câu nói được nhẹ nhàng tròn tiếng để làm anh vui mà vành môi cứ rung lên, hai khóe mắt đỏ ngầu.
Vài ngày sau tươi tỉnh, nhưng lí do tai nạn anh kể rất ngắn. Chỉ khi chị đọc báo mới biết rằng: “...Chạy đua với tử thần trong ngôi nhà sập: 22giờ 40 phút, ngày...(tức đêm ba mươi Tết), nhận được báo tin ngôi nhà bốn tầng phường bất ngờ đổ sập hoàn toàn do ảnh hưởng của việc đào móng xây nhà bên cạnh, ngay lập tức, Lực lượng cứu nạn, cứu nạn Công an Hà Nội được huy động. Các máy móc, thiết bị chuyên dụng, từ thô sơ đến hiện đại được trang bị đầy đủ. Hiện trường tiếp cận là một đống đổ sập ngổn ngang: tường gạch, sàn bê tông, mái tôn chồng lên nhau thành nhiều tầng lớp. Theo những người thoát nạn trong ngôi nhà ấy thì còn bốn nạn nhân có thể bị vùi dưới đống đổ nát. Ngôi nhà vẫn chưa đổ hết hoàn toàn, còn những tấm đan và bờ tường nứt toác nghiêng ngả, có nguy cơ ập xuống bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân nếu còn sống dưới đó và người tham gia cứu nạn. Bởi vậy, sử dụng máy móc hiện đại trong tình huống này không phù hợp. Phương án tối ưu là dùng tay bới móc tìm nạn nhân. Khi nghe có tiếng phụ nữ kêu cứu yếu ớt. Mọi người nhìn nhau mừng rỡ rồi nhanh chóng xác định vị trí nhạn nhân. Ở góc tường có một khoảng trống nhỏ, nhờ đó mà nạn nhân sống sót. Thượng úy Hoàng là người chạm tay đầu tiên vào nạn nhân. Đó là một phụ nữ trẻ, thân bị phủ một lớp vôi vữa trắng xóa. Mái tóc dài bị kẹt, phải cắt bỏ một đoạn. Cô gái bị ngạt khí không còn sức để gượng dậy. Khi anh bế được nạn nhân lên chiếc cáng để đưa đi cấp cứu thì tảng bê tông từ từ buông. Anh vẫn tỉnh và có thể thoát nạn cho mình nếu như bỏ lại nạn nhân nhảy sang vị trí khác. Nhưng anh đã không làm thế mà ráng sức bước dài vì dưới chân lổn ngổn gạch đá không thể chạy được. Thật may, chỉ vượt qua một bước chân mà cứu được cả hai mạng người. Tuy nhiên cạnh tảng bê tông đã va vào chân sau làm gãy xương và anh ngã xuống xây xước nhiều vết thương, còn nạn nhân anh ôm chỉ xây xước nhỏ. Đó là Bùi Thị T (18 tuổi), sau thời gian cấp cứu dưỡng sức ở bệnh viện đã trở lại sức khỏe bình thường. Một nạn nhân nữa cũng được cứu sống. Hai nạn nhân còn lại đã tử vong”
*
Những ngày Tết chẳng còn tâm trạng nào ngắm chậu mai mà không hiểu sao nó vẫn đầy nụ, tươi rói. Chị Thảo tưới nước, vuốt ve nâng niu, ngắm nghía những cánh mai. Chưa bao giờ thấy chị có nụ cười rạng rỡ như thế.