Bụi mía sau hè

Hoàng Khánh Duy| 31/05/2019 09:13

Tôi ra sau hè hạ cây mía to nhất rồi thong thả ngồi róc vỏ nhâm nhi trong buổi trưa hè lộng gió.

Bụi mía sau hè
Tôi ra sau hè hạ cây mía to nhất rồi thong thả ngồi róc vỏ nhâm nhi trong buổi trưa hè lộng gió.

Ông nói: “Mấy bận gió giông quật ngã trụi đám mía sau nhà vậy mà mưa gió đi qua tụi nó lại hồi sinh, mía nhà mình trồng ngon ngọt nhất không đâu sánh bằng”. Ông bưng tách trà ra cái bàn gỗ vừa uống vừa ngắm nhìn bụi mía rung rinh trong nắng chiều rực rỡ. Không nhớ rõ ông tôi trồng đám mía này tự bao giờ, chỉ nhớ rằng ngày xưa mỗi lần đi học về là tôi lại chạy ra sau hè róc mía nhai lấy nhai để, hút lấy thứ nước ngọt ngất ngây chạy dọc trong thân mía. Ký ức tuổi thơ tôi có dòng sông xanh biếc chảy ngang qua trước nhà, có hương lúa trên đồng và ngọt ngào vị thanh tao của mía. Những cây mía thân tím bầm, lá xanh mướt vươn cao khỏi đầu người phất phơ trong gió. Buổi trưa, gió đồng xao xác, gió lay lá mía va vào nhau làm thành khúc nhạc riêng biệt mà chỉ khi tôi về nằm yên trên cánh võng đong đưa bên hè mới nghe thấy được. Khoảnh khắc ấy tôi thấy lòng bình lặng vô ngần…

Tuổi thơ tôi gắn liền với bụi mía sau hè. Bụi mía mọc lên trên mảnh đất lành, hút lấy phù sa rồi vươn lên, bụi mía đã chứng kiến những niềm vui nỗi buồn của thuở thiếu thời, cả những tháng ngày nghèo khổ cơ cực của gia đình mà tôi chẳng bao giờ quên được.

Hồi tôi còn nhỏ, mỗi lần đi chợ là má tôi lại ra hè chọn những cây mía thẳng và to, nhiều nước, má đốn hạ rồi cắt khúc mang ra chợ bán. Chị tôi dành tuổi thanh xuân của mình lo chuyện áo cơm, chị thường ngồi róc sạch mía rồi tỉ mẩn cắt thành từng khoanh ướp lạnh để vào cái thùng nhỏ sau xe đạp rồi ì ạch đạp xe ra cổng trường của tôi bán cho đám nhóc lúc tan trường.

Tôi thường nấp sau gốc phượng hồng nhìn chị tôi xởi lởi bán hàng vặt trước cổng, nhìn nụ cười hiện lên trên khuôn mặt tảo tần đổ mồ hôi của chị, tự dưng tôi thấy tim mình se lại, một nỗi cảm thương xen lẫn trong tâm hồn thơ trẻ của tôi. Chị tôi, người phụ nữ giản dị như má, hiền từ như bà và mạnh mẽ như ông, người chị sẵn sàng chối từ người đàn ông có thể mang cho chị hạnh phúc cả cuộc đời chỉ để chăm lo cho tôi, đỡ đần cho má.

Tôi thương chị biết nhường nào, thương cái bóng dáng mảnh khảnh dịu dàng và nụ cười hiền lương thánh thiện. Thương chị, tôi thương cả con đường quê hương sớm hôm có dáng chị đi về, thương bờ bãi sông quê chiều chiều chị tôi xách cái rổ ra ngồi vớt lục bình về băm nhuyễn cho đàn vịt ăn no béo. Thuở cơ hàn được sống bên má, bên chị, trong mái nhà bình yên có ông bà, trong xóm làng có đám trẻ nghèo chiều nào cũng hú hí nhau ra bờ sông nhảy dây bắn đạn.

Năm tháng đổi thay, bụi mía vẫn tư lự nơi góc hè, rễ bám đất, thân vươn lên đón nắng mặt trời rồi cống hiến cho đời bao giọt mật ngọt ngào, thanh mát. Ông biết tôi thích ăn mía nên mỗi lần tôi chặt mía xong ông đều giữ lại phần ngọn để giâm vào đất, tôi không cần xách nước tưới mỗi ngày mà mía vẫn đâm chồi, mạnh khỏe tốt tươi.

Khu vườn cũ ông trồng thêm nhiều loại mía, nào mía Thanh Diệu ngọt như đường, mía Tây thân xanh, vị hơi lạt hơn nhưng vẫn nao nao trong cổ họng, mía lao thân ốm còng queo quắt nhưng cao gấp hai, gấp ba lần chiều cao của tôi, loại này má tôi thường chặt mang cho hàng xóm nấu nước mát đựng trong bi đông để dành uống. Tôi cứ nhớ hoài vị nước mát quê nhà: mía lao, rễ tranh, râu ngô, lá vối… mà thành nồi nước uống vào mát tận tâm can, lại tốt cho sức khỏe.

Bây giờ, má tôi không còn đem mía ra chợ bán lấy tiền như hồi nhà tôi còn cơ hàn, vất vả. Mía nhiều thì má chặt để trước cửa, mỗi khi thấy đứa trẻ nào chạy ngang là má gọi vào cho khúc mía “ăn lấy thảo”. Mỗi lần dọn bụi mía sau hè là má lại sai tôi mang cho hàng xóm một ít để nhấm nháp cái vị ngọt đến dễ thương của mía.

Chị tôi giờ lấy chồng xa, ông tôi cũng già nua không còn đủ sức cuốc vườn trồng mía như hồi trước. Thời gian lấy đi tuổi xuân của chị, đưa má đến cái dốc đời bóng xế lưng còng. Thời gian khiến tôi ngày một trưởng thành hơn…

Chiều nay tôi về lại mái nhà, về nghe gió hát, nghe khúc nhạc lá mía reo vang trong trưa hè vắng lặng và nghe tiếng ếch oải oạp những đêm trăng hiền từ. Tôi xách cây dao phay ra dọn lại bụi mía, cắt bỏ lá khô, đốn hạ những cây hỏng hóc do rầy bọ đục khoét, bao kỷ niệm trong tôi ùa về. 

Bụi mía sau hè, nơi hằn in những vết tích thời gian, nơi giúp tôi giữ gìn bao kỷ niệm ngọt bùi, cay đắng…
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Bụi mía sau hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO