Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận về triết lý giáo dục

Bảo Hân/HNM| 16/11/2018 12:23

Phiên thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) chỉ diễn ra trong một buổi sáng (15-11) nhưng ngay từ đầu giờ đã có tới 60 đại biểu đăng ký phát biểu. Một số đại biểu tập trung phân tích về triết lý giáo dục Việt Nam và nội dung này đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tiếp thu, giải đáp cuối phiên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận về triết lý giáo dục
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu, ở mỗi trường học , cấp học hiện có nhiều khẩu hiệu khác nhau như “trường là nhà, cô giáo là mẹ”, “Học, học nữa, học mãi”… nhưng chưa có khẩu hiệu nào được gọi là triết lý giáo dục Việt Nam.

Nếu tại Singapore có triết lý ngắn gọn “Quốc gia học tập”; ở Hà Lan là “Học tập vì tương lai”; “Mỗi cá nhân hoàn thiện đạo đức” tại Nhật Bản... thì qua dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) chưa thấy điểm nào có thể tổng kết thành triết lý giáo dục Việt Nam.

Đại biểu phân tích thêm: “Soi các mục tiêu, chương trình đề ra thì thấy không khác gì 20 năm trước trong khi bối cảnh hiện tại đang đòi hỏi sự vận hành, đổi mới của triết lý giáo dục vì nhiều vấn đề của giáo dục đang vấp phải sự phản ứng của dư luận. Cỗ máy giáo dục chưa có sự thay đổi tư duy tương xứng với gia tốc ngày càng nhanh của xã hội. Như nguyên Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói, 50-60 năm hay việc dạy, học cơ bản không có gì thay đổi, thế hệ trước dạy gì, thế hệ sau dạy đúng như vậy”.

"Không hiếm trường hợp sinh viên ra trường không viết nổi một văn bản, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo bổ sung nếu tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp. Nhà trường chưa dành nhiều thời gian đào tạo kỹ năng mềm, người học thiếu tính chủ động, nên sản phẩm giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội", đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận định.

Trên cơ sở dẫn giải trên, đại biểu Nhân khái quát: “Giáo dục thiếu triết lý cũng như thiếu hải đăng dẫn đường. Quốc hội đã quyết tâm thay đổi giáo dục lần này một cách căn cơ thì xã hội cũng đã chờ đợi đủ lâu để trông đợi một triết lý giáo dục rõ ràng, thể hiện cách nào thì cũng cần phải hướng thiện, học để thành nhân và kiến quốc”.

Cùng phát biểu về vấn đề này, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) dẫn lại lời Bác Hồ - học để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự đồng bào…, muốn vậy phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư... để cho rằng đây chính là căn cốt để tìm ra triết lý giáo dục cho Việt Nam
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận về triết lý giáo dục
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ)

Đại biểu nêu nhiều cử tri vẫn đang băn khoăn thế nào là "đổi mới căn bản, sâu sắc, toàn diện" nền giáo dục của chúng ta hiện nay. Và câu hỏi đó chưa có câu trả lời thỏa đáng. Quan điểm của đại biểu là "muốn đổi mới căn bản, sâu sắc, toàn diện trong giáo dục phải đi tìm trụ cột. Đổi mới không phải cứ đi tìm những cái mới mẻ hoàn toàn, đôi khi quay lại cái cũ đã thành thương hiệu cũng là đổi mới".

Vị đại biểu đoàn Phú Thọ cũng nêu băn khoăn về chất lượng giáo dục hiện chưa cao, chậm đổi mới, vẫn nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm mà nhẹ dạy kỹ năng sống, đào tạo làm người, hướng nghiệp.

Với nhận định chương trình sách giáo khoa quá nặng, học sinh khó tiếp thu, đại biểu cho rằng, chúng ta hình như đang phức tạp hóa các vấn đề đơn giản. Ví dụ học sinh lớp 1 chỉ cần đạt mục tiêu biết đọc, biết viết; học sinh phổ thông chỉ cần học kiến thức phổ thông, chúng ta đang hàn lâm hóa kiến thức đó. Vấn đề này có nguyên nhân từ người lớn, người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào óc trẻ, trở thành áp lực quá lớn, khiến trẻ sợ học, chán học. Đặc biệt, tâm lý phụ huynh muốn con mình thành "con người ta", giỏi toàn diện một cách quá sức dẫn đến trẻ có tâm lý hoang mang, hoảng sợ.

Theo đại biểu, đây là quan niệm rất sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực sở trường của trẻ em. Không thể bắt trẻ học để trở thành "ông nọ, bà kia" khi các cháu không thích, không đủ năng lực. Hãy dạy và định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân một cách hợp lý nhất.

Góp ý về chương trình sách giáo khoa (SGK), đại biểu cho rằng cần rà soát, điều chỉnh kỹ lưỡng. Chương trình phổ thông phải hiện đại, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học. Người viết SGK phải thực sự giỏi và am hiểu sâu sắc về nội dung, chương trình và tâm lý sư phạm. Nên chăng, phát động cuộc thi viết SGK trong giáo viên phổ thông để chương trình SGK không bị hàn lâm, giáo sư hóa, tiến sỹ hóa. Nếu quá nhiều bộ SGK thì rất khó quản lý, khó lựa chọn, khó dạy thống nhất và dễ dẫn đến... loạn SGK. "Lúc ấy, giáo dục sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Hậu quả là khôn lường" - đại biểu nêu.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận về triết lý giáo dục
ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hoá)

Là đại biểu phát biểu cuối cùng trong sáng nay, đại biểu đoàn Thanh Hoá Phạm Trí Thức cho rằng dự thảo Luật nêu nhiều ngôn từ đúng, hay, đẹp, vừa có tính dân tộc, có tính quốc tế trong mục tiêu đào tạo con người Việt Nam như có đạo đức, văn hoá, sức khoẻ, thẩm mỹ, trí tuệ... "Nhưng khi Luật đi vào cuộc sống thì từ mục tiêu này, để cụ thể hoá thành yêu cầu nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục sẽ rất khó, như "chim chích vào rừng rậm" " - Đại biểu bày tỏ sự lo lắng.

Do đó, vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu, có triết lý giáo dục vừa bảo đảm tính thời đại, hiện đại, vừa kế thừa truyền thống dân tộc. 

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến phát biểu để hoàn thiện dự thảo Luật có chất lượng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy tới. Việc hoàn thiện, chỉnh sửa sẽ theo hướng thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu, nội dung Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông cũng như cập nhật tinh thần các nghị quyết Trung ương gần đây liên quan nhiều đến giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận về triết lý giáo dục
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng cũng nêu, trong thời gian tới cần rà soát cụ thể hơn các vấn đề đang gây bức xúc dư luận xã hội, gây nút thắt trong phát triển giáo dục, từ đó lựa chọn, xác định rõ những vấn đề quy định cụ thể trong Luật để khi triển khai không cần văn bản hướng dẫn, bảo đảm tính khả thi.

Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề lớn mà theo Bộ trưởng cần nghiên cứu thấu đáo trong đánh giá tác động như chính sách nâng chuẩn giáo viên mầm mon, chính sách giáo dục miền núi, chính sách xã hội hoá... . 

Riêng về triết lý giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cũng xếp vào nhóm vấn đề lớn, cần nghiên cứu thâu đáo, tạo đồng thuận cao trong xã hội. "Bộ đã chỉ đạo nhóm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia, nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận để tạo ra một triết lý giáo dục mang tính thống nhất cao, có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây." - Bộ trưởng nêu.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nghiên cứu một cách thật sự, cẩn thận về triết lý giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO