Ông Điểm được xem là người duy nhất ở Cần Thơ hiện còn làm nghề khắc trên vỏ dừa khô. Ảnh: Diệp Phan.
Nghề tay trái này mang lại thu nhập thường xuyên cho ông Đặng Hồng Điểm, 58 tuổi, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, Cần Thơ, bên cạnh việc đi làm tại trụ sở khu phố. Giá mỗi vỏ bình khoảng 600 nghìn - 1,2 triệu đồng, tùy vào họa tiết trên vỏ.
Quả dừa được cưa làm hai phần - một phần để khoét lỗ, tạo nắp; một để làm thân bình.Dừa khô được chọn để làm vỏ bình phải là trái dừa to, không bị nứt hay sâu mọt và phải chờ lên mầm. "Trái dừa lúc này đạt tới độ già, cứng và khô như gỗ. Vỏ dừa rút hết nước tự nhiên nên thành phẩm sẽ láng, không bị nhăn nheo", ông Điểm nói.
Tỉ mỉ nhất là công đoạn làm thân bình. Bên trong quả dừa được khoét bớt xơ và căn chỉnh để đựng vừa ấm trà. Bên ngoài được khắc đủ hình hoa lá hoặc đầu rồng, thiên nga...
Dùng con dao nhỏ bằng nửa ngón tay út, mũi nhọn dài và rất sắc, ông Điểm khắc từng cái vảy rồng nhỏ xíu, từng cái gân lá sen mềm mại. "Đã ngồi vào làm thì phải thật bình tĩnh, chắc tay", ông nói.
Cũng theo ông Điểm, vỏ dừa là chất liệu đặc biệt, không cứng cũng không mềm, lại hơi xốp, nên không thể dùng máy để khắc. "Máy đưa vào cuốn xơ dừa rối tung lên ngay. Cái nghề này 100% làm bằng tay", ông nói.
Bình hoàn thiện sẽ được sơn 3 lớp để giữ màu nâu tự nhiên, thay cho lớp vỏ bóng tự nhiên đã bị mất đi, tăng độ bền chắc và chống thấm.
Ông Điểm từng thử nghiệm đắp xà cừ, vỏ trứng vịt lên hình khắc, nhưng thời gian và vốn quá nhiều, giá lại quá cao bán rất chậm, nên ông quay về với kiểu khắc nổi truyền thống.
Ở địa phương hiện ít người sử dụng loại vỏ bình này, giá thành cũng khá cao nên mỗi tháng ông chỉ làm 4 - 5 cái khi có khách đặt. Sản phẩm chủ yếu bán ở Sài Gòn và đi nước ngoài.
Cách đây vài tháng, có một vị khách ở Bến Tre yêu thích sản phẩm của ông, ngỏ ý muốn ông làm một vỏ bình đựng được bình trà một lít. Tuy nhiên ông từ chối bởi không kiếm được trái dừa nào to như thế. Vỏ bình ông làm thường chỉ đựng được bình 0,5 lít.
Vỏ dừa sau khi chế tác sẽ được đựng ấm tích như với các loại bình ủ truyền thống. Nếu giữ vỏ bình khô ráo không bị ẩm thì có thể "xài hoài không hư", ông Điểm nói. Ảnh: Diệp Phan. |
"Hết đời tui rồi chắc cũng không ai làm nghề này nữa đâu, trước đây cũng nhận vài người để truyền nghề nhưng họ đều bỏ, thị trường tiêu thụ nhỏ quá, ai đặt mới làm thì sao nuôi vợ con", ông Điểm cười chia sẻ.