"Ký ức Nam Xuân" - Phim về đề tài chiến tranh tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử
"Ký ức Nam Xuân" là bộ phim điện ảnh về đề tài chiến tranh Cách mạng do Nhà nước đặt hàng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những thước phim lấy cột mốc thời gian bắt đầu tự trận Tổng tiên công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 tại miền Nam và sẽ được lồng ghép với yếu tố nghệ thuật đờn ca tài tử - loại hình văn hóa nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

"Ký ức Nam Xuân" (biên kịch: Kim Ửng, đạo diễn: Hồ Ngọc Xum), chuyện phim xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Năm Đờn vốn là một nhạc sĩ tài danh của cổ nhạc miền Nam, sống ở vùng ven bờ sông Sài Gòn và cô con gái xinh đẹp, hát hay tên Mỹ Lệ. Tại nhà riêng, nhân vật Năm Đờn thu dạy một số người theo học đàn, trong số này có Sơn, một sinh viên âm thầm hoạt động Cách mạng, ráo riết móc nối các cơ sở. Qua quá trình tiếp cận và tìm hiểu, Sơn cũng hiểu ông Năm Đờn là cơ sở Cách mạng và cũng dùng ưu thế hoạt động đờn ca tài tử để lôi cuốn, giác ngộ quần chúng tham gia nổi dậy.
Trong thời gian dưỡng thương ở nhà ông Năm Đờn (NSƯT Đức Sơn đóng) sau lần bị địch truy sát, Hùng Thiện và Mỹ Lệ (Thiên Thư đóng) - con gái ông Năm - nảy sinh tình cảm vì cùng chí hướng cách mạng và cùng niềm yêu thích bộ môn đờn ca tài tử, nhất là bản Nam Xuân.

Bi kịch xảy ra quá lớn: ông Năm Đờn hy sinh, cán bộ, chiến sĩ Cách mạng bị bắt, một số người bị lộ phải trốn vào chiến khu, riêng nhân vật Hùng Thiện bị đầy ra Côn Đảo. Không còn nhận được tin tức về người yêu, Mỹ Lệ nghĩ anh đã chết nên theo mẹ sang nước ngoài sinh sống.
Hòa bình lập lại Hùng Thiện trở về tìm Mỹ Lệ nhưng không gặp. Nỗi mất mát và oan nghi là "kẻ chiêu hồi" phản bội lại lý tưởng và con đường Cách mạng, đã làm rạn vỡ tinh thần của ông. Ông ở ẩn cho đến khi bất ngờ viên sĩ quan tham gia việc bắt giữ, tra tấn ông đã kể lại toàn bộ sự thật. Gần 40 năm danh dự của người chiến sĩ Cách mạng kiên trung của Hùng Thiện được phục hồi. Từ đây ông cũng tìm lại Mỹ Lệ và con trai Alex bởi sự kết nối kỳ diệu của bản Nam Xuân.
Dù chuyện phim nhắc đến sự kiện Mậu Thân 1968 nhưng "Ký ức Nam Xuân” không chủ đích khắc họa chiến tranh mà đó chỉ là cái cớ để nói lên nỗi đau hậu chiến. Phim tập trung khắc họa tâm tư, tình cảm, các mối quan hệ như tình cha con, vợ chồng, đồng chí đồng đội. Nỗi đau hậu chiến không chỉ do chiến tranh gây nên mà còn xuất phát từ những nghi kị, khinh khi về sự phản bội, đầu hàng.
Trong phim, đờn ca tài tử, cụ thể là bản nhạc Nam Xuân, giữ vai trò quan trọng, mang tính kết nối các nhân vật và từng tuyến truyện nhỏ. Xem phim, khán giả thấy thú vị khi biết mỗi tiếng đàn, điệu nhạc cất lên mang một ý nghĩa, là một ám hiệu truyền tin khác nhau. Trong đó, bản Nam Xuân báo hiệu sự bình an. Khi câu chuyện diễn tiến đến thời bình, cũng nhờ tình yêu đờn ca tài tử mà các nhân vật được gặp lại nhau, hóa giải hiểu lầm. Sự lồng ghép âm nhạc dân tộc truyền thống giúp phim không hề khô khan dù nói về đề tài chiến tranh cách mạng.
"Ký ức Nam Xuân", trước mắt đơn vị sản xuất phim sẽ phối hợp với Cục Điện ảnh, Bộ VHTT&DL chiếu tại tỉnh Đắk Lắk vào ngày 10-8 tới với ý nghĩa hướng đến chào mừng 80 năm Quốc khánh của đất nước. Song song đó, Công ty CP Phim Giải Phóng cũng đề xuất cơ quan quản lý văn hóa sớm có quy định được phép phổ biến tất cả các bộ phim do Nhà nước đặt hàng.
Dự kiến, "Ký ức Nam Xuân" và nhiều phim đặt hàng khác sẽ được chiếu phục vụ rộng rãi tới khán giả cả nước vào đầu năm 2026./.