Chính sách & Quản lý

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số luôn được quan tâm

Quỳnh Chi 09:27 13/02/2025

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng về việc cử tri kiến nghị cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu có quy định, định mức các chính sách hỗ trợ kinh phí để địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; các chính sách đối với nghệ nhân ở các địa phương vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

Cử tri tỉnh Hòa Bình vừa qua đã gửi kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. Nội dung cử tri kiến nghị khẳng định Đảng, Nhà nước đã xác định bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và xuyên suốt, đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách lớn ban hành để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

le-hoi-muong-2.jpg
Lễ hội truyền thống Khai hạ Xuân Ất Tỵ (còn được biết đến là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng) của người Mường tỉnh Hòa Bình. Đây là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường tỉnh Hòa Bình. Lễ hội đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, văn hóa truyền thống của các dân tộc trên cả nước nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng đang có những biến đổi sâu sắc, có dấu hiệu bị mai một làm mất dần bản sắc đặc trưng của mỗi dân tộc; một bộ phận lớp trẻ có biểu hiện xa rời văn hóa của dân tộc mình; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn nên chưa quan tâm nhiều đến bảo tồn văn hóa. Đội ngũ làm công tác văn hóa cơ sở còn mỏng, hệ thống các thiết chế văn hóa chưa đồng bộ, người dân tộc thiểu số nắm giữ các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng ít, tuổi cao, chính sách ghi nhận, hỗ trợ, động viên chưa nhiều.

Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ quan tâm, nghiên cứu có quy định, định mức các chính sách hỗ trợ kinh phí, để địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đặc biệt, quan tâm đến những cá nhân đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú ở các địa phương vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời nghiên cứu quan tâm có chính sách đối với những cá nhân chưa được công nhận là Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, vì thực tế họ vẫn đang thực hiện việc lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trả lời nội dung trên, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng VH-TT&DL cho biết, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2024 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025), các chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được đặc biệt quan tâm như các quy định tại “Điều 7. Chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa”: việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, đặc biệt ưu tiên bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một giá trị văn hóa tộc người.

nghe-nhan-2(1).jpg
Các nghệ nhân tập hát dân ca thường rang, bộ mẹng của một CLB tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Đồng thời, tư lệnh ngành văn hóa nhấn mạnh, tính đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” cho 131 cá nhân và danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 1.619 cá nhân, trong đó các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số đang nắm giữ di sản lần lượt là 43/131 Nghệ nhân nhân dân, 748/1.619 Nghệ nhân ưu tú; đã có 279 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số (trên tổng số 589 di sản văn hóa phi vật thể của cả nước) đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể được xác định là những đối tượng quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Chính vì vậy, thời gian qua đã có những chính sách riêng cho đối tượng này như Nghị định số 93/2023/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Nghị định số 43/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ; Nghị định số 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, tại Điều 14 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã có quy định cụ thể về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Nhà nước xét tặng, trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các hình thức khen thưởng, tôn vinh khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Được hỗ trợ cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan cho hoạt động duy trì thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

ca-tru-2.jpg
Nghệ nhân ca trù làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) diễn tại đình thờ Ca Công.

Ngoài ra, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng quy định chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể là hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan cho việc thành lập, tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm thực hành di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt với các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền. Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời và có chế độ, chính sách đặc biệt ưu tiên nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài các chính sách trên, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp quyết định chế độ đãi ngộ nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

“Như vậy, có thể thấy các chính sách nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách đối với nghệ nhân (bao gồm cả nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu và cả nghệ nhân chưa được phong tặng danh hiệu) đều đã được quan tâm và quy định tại Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ trình Chính phủ các Nghị định, Thông tư hướng dẫn luật để cụ thể hóa các nội dung, chính sách này” – ông Nguyễn Văn Hùng, nhấn mạnh./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số luôn được quan tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO