Sự tích về bánh dày thì chắc chắn người con Việt Nam nào cũng biết. Thứ bánh tượng trưng cho trời này ra đời từ hàng ngàn năm trước cùng với bánh chưng tượng trưng cho đất.
Có một địa danh gắn liền với bánh dày, đó là bánh dày Quán Gánh (Thường Tín, Hà Nội). Khi đi qua địa danh giáp Hà Nội này, người ta thường gặp nhiều sạp bán bánh dày Quán Gánh. Loại bánh này thường bán thành một cọc gồm năm bánh, nhân mặn hoặc nhân ngọt, gói trong lá chuối tươi.
Tiền thân của phố Quán Gánh thuộc làng Thượng Đình, là một trong 4 làng của xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội – Quê hương của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Dân làng Thượng Đình với bản chất cần cù, thông minh và khéo léo, đã chế biến những nông sản quê hương trở thành món ngon nổi tiếng là bánh dày, được bày bán trên phố Quán Gánh và đã trở thành đặc sản nổi tiếng bánh dày Quán Gánh.
Để làm nên được những chiếc bánh dày Quán Gánh thơm ngon, đầy hấp dẫn, người làm bánh phải tuân theo một quy trình làm bánh nghiêm ngặt, tỉ mỉ. Mỗi chiếc bánh dày Quán Gánh phải trải qua nhiều công đoạn chế biến khá cầu kì, từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến nguyên liệu cho đến khâu hoàn thành bánh.
Công đoạn vo tròn và bóp bẹp phải được hoàn thành cùng lúc với công đoạn chuẩn bị nhân bánh. Ở một số vùng miền khác, bánh dày thường không có nhân và được ăn kẹp với chả lụa hoặc chả quế nhưng bánh dày Quán Gánh lại không như thế. Trong mỗi chiếc bánh dày Quán Gánh đều có 1 trong 3 loại nhân: nhân ngọt, nhân mặn, nhân chay. Nhân nào cũng ngon cả. Trong các đặc sản du lịch Hà Nội thì bánh dày Quán Gánh chú trọng hương vị của nhân bánh nhất.
Bánh dày Quán Gánh có nhân ngọt được làm từ đậu xanh, đường, dừa bào, nhân mặn có đậu xanh, một ít mỡ phần, tiêu xay, còn nhân chay chỉ có bột nếp xoa mỡ bên ngoài. Nguyên liệu làm nhân bánh được cho vào 1 chiếc nồi thật lớn, khấy đều tay cho đến khi các thành phần nhân trộn đều vào nhau.
Công đoạn cuối cùng để hoàn thành chiếc bánh dày Quán Gánh là nhồi nhân và gói lá. Nhân bánh và bột nếp được nhồi trong những tấm nilong sạch, xoa mỡ, rồi gói lại vào lá. Lá dùng để gói bánh là lá dong. So với lá chuối, lá dong có màu xanh rất đẹp, lại giúp bánh có thể lưu giữ hương vị trọn vẹn nhất.
Thông thường, bánh dày được gói thành hình vuông giống bánh chưng nhưng bên trong có 6 cái nhỏ, mỗi gói như thế được bán với giá từ 20.000-25.000 đồng. Hiện nay, người dân Quán Gánh thường sản xuất 3 loại là bánh dày chay, bánh dày ngọt và bánh dày mặn. Bánh của người dân Quán Gánh được bán cho khách qua đường, phục vụ đám cưới, đám hỏi từ khắp nội thành Hà Nội, Sơn Tây, Đông Anh và bán ra các tỉnh thành lân cận như Hải Dương, Thanh Hóa...
Bánh dày Quán Gánh một món ăn rất thanh tao, dân dã mang ý nghĩa lịch sử lâu đời, sâu sắc được nhắc đến trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam.