Đối với doanh nghiệp, đây là cơ hội quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm dịch vụ đến với ngành thủy sản của cả nước, đặc biệt là 13 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với người nông dân, người nuôi trồng thủy sản thì đây là cơ hội tốt để cập nhật kiến thức kỹ thuật, thông tin thị trường, tìm kiếm những sản phẩm dịch vụ, công nghệ tốt nhất để phục vụ sản xuất. UBM ước tính có khoảng hơn 6.000 khách tham dự tại triển lãm năm nay từ các trang trại nuôi trồng thủy sản đến những công ty, đại lý trong ngành. Ngoài ra, UBM đã có quá trình làm việc chặt chẽ cùng Sở Nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông từ 13 tỉnh thành tại khu vực sông Mekong cho chương trình mời khách tham theo đoàn từ các trang trại cùng sự hỗ trợ phương tiện đi lại, chúng tôi tự tin sẽ mang lại khách tham dự chất lượng cho triển lãm lần này.
Họp báo giới thiệu Triển lãm Aquaculture Vietnam 2019. |
Bà Rose Chitanuwat, Giám đốc Chuỗi dự án Tập đoàn UBM Asia: Aquaculture Vietnam 2019 sẽ mang đến một chuỗi giá trị thủy sản toàn diện từ thức ăn, dinh dưỡng, dịch bệnh, con giống chế biến, thị trường dịch vụ, an toàn thực phẩm và nuôi trồng thủy sản bền vững.
“Triển lãm Aquaculture Vietnam 2019 mong muốn góp phần giúp ngành thủy sản Việt Nam đạt được, thậm chí vượt qua những mục tiêu trên thông qua việc hợp tác với các cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, các doanh nghiệp và học viện để quảng bá các kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng. Chúng tôi nhận thấy Cần Thơ là một trong những khu vực trọng điểm về nuôi trồng và chế biến thủy sản tại Việt Nam vì vậy thành phố này rất phù hợp để tổ chức sự kiện Aquaculture Vietnam. Thay vì các đơn vị, doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản phải mất công đi xa để tìm hiểu, học hỏi thì chúng tôi mang đến đây những công nghệ, dịch vụ tốt nhất cho ngành thủy sản”, bà Rose Chitanuwat nhấn mạnh.
Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) với đường bờ biển dài hơn 700km, nhiều vùng giáp biển, hệ thống kênh rạch chằng chịt, có 3.9 triệu hecta đất ngập nước tự nhiên, là vùng đa dạng sinh học cao có vùng lợi thủy sinh. Đây là khu vực hoạt động thủy sản sôi động với các sản phẩm chủ lực: tôm, cá tra – cá basa, cá rô phi, nghêu, nhuyễn thể… trở thành khu vực nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam, đóng góp hơn 74% sản lượng nuôi trồng thủy sản trong cả nước.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm TP Cần Thơ, tỉnh Cà Mau, tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018 GDP Thủy sản đạt 190.123 tỷ đồng, chiếm 3.43% toàn nền kinh tế và 23.57% toàn ngành nông nghiệp, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 9 tỷ USD (tăng 8.43% so với năm trước). Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 7.74 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm khoảng 55% – 60%.
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, ĐBSCL luôn là điểm đến có “sức hút” lớn không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia vào thị trường thủy sản Việt Nam đang ngày càng phát triển và năng động.