Yêu để sống, sống để yêu thương

Vũ Nho| 27/05/2019 07:53

Là người yêu thơ, có thơ đăng trên các báo Trung ương và địa phương khá sớm, nhưng mãi đến cuối năm 2018, Trần Khánh Toàn mới tập hợp các bài thơ để in cuốn thơ đầu tiên (khi học lớp viết văn Nguyễn Du khóa 12 của Hội Nhà văn Việt Nam).

 Theo những câu thơ bộc bạch của tác giả thì thơ là một trong 4 ngăn quan trọng của trái tim người lính trên các mặt trận: an ninh, Tổ quốc, em, gia đình và thơ ca. Và, có lẽ “giời bắt làm thi sĩ”, giời đày phải làm  kiếp nhà thơ bắt đầu từ Nguyễn Bính, được một số người làm thơ sau này tán thưởng ảnh hưởng đến tác giả. Cả cái việc dại khờ, lơ ngơ, chỉ yêu thơ này của tác giả nữa, cũng là một cái  đặc điểm có ở không ít thi sĩ bậc đàn anh:

Anh vẫn là anh vẫn dại khờ
Không ham tiền bạc, chỉ yêu thơ
Anh vẫn là anh, vẫn dại khờ
Chỉ yêu đất nước và yêu thơ
 (Dại khờ)

Có thể coi tập thơ đầu tay này là một tập thơ tình với hai phần: Tình yêu đất nước quê hương và Tình yêu đôi lứa. Tất nhiên sự phân chia này cũng chỉ có tính chất tương đối. Và tên tập thơ, tác giả cũng muốn bày tỏ một quan niệm của mình về cuộc đời của cá nhân và của mọi người “Sống để yêu thương”. Điều này không mới, vì nhà thơ Nga A. Puskin nổi tiếng đã từng viết “Trái tim không thể một ngày không yêu”; còn nhà văn Nga V. Raxputin đã có một cuốn sách “Còn sống, còn yêu”. Ở Việt Nam, nhà thơ Tố Hữu cũng từng mơ ước: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người với người sống để yêu nhau”. Nhưng không sao, đó là một quan niệm sống của riêng thi nhân Trần Khánh Toàn, nhưng cũng là quan niệm  chung của rất nhiều người, tuy họ không bộc lộ.

Với quan niệm như thế nên không ngạc nhiên, khi chúng ta bắt gặp trong tập  thơ chỉ đôi ba bài có nhan đề yêu “Tôi yêu Hà Nội”, “Tôi yêu phụ nữ Việt Nam”, nhưng tình yêu đất nước, yêu quê hương, yêu những ngày thường đang sống, yêu giọt mưa, hạt nắng, yêu những bông hoa, yêu những khúc dân ca, yêu món quà quê giản dị mà đậm đà tình nghĩa là tình cảm thấm đượm và đậm nét trong mỗi bài.

Tâm hồn người viết là tâm hồn của một người yêu đời, yêu cuộc sống dù cho cuộc đời này còn nhiều vất vả, còn lắm gian nan. Yêu đời nên cảm thấy sống để yêu, yêu để sống thêm hạnh phúc. Sống hòa thuận nhịn nhường (Nhường), sống phóng khoáng, thanh thản, không bon chen, ganh tị, không đua danh lợi: “Chớ quá coi trọng đồng tiền/ Công danh lợi lộc dính liền khổ đau” (Lời cụ Nguyễn Du). Sống vui và tặng người khác niềm vui cho cuộc đời thêm đẹp: “Hãy cho nhau những nụ cười/ Cho nhau tha thứ để đời đẹp hơn” (Sống để yêu thương). Quan niệm thế nên tác giả cảm thấy cuộc sống thật đáng yêu:

Bốn mùa cầm ở trên tay
Sao tha thiết thế, từng ngày yêu thương
     (Quà quê)
Ngắm những bông hoa tháng ba, tác giả không giấu được lòng yêu hoa, yêu cuộc đời nhiều màu sắc, ngọt ngào:
Sao yêu thế? Hoa tháng ba
Tháng tràn mật ngọt cho ta yêu đời
(Hoa tháng ba)
Vui trong lòng nên tác giả nhìn cuộc sống thành phố thấy vẫn còn những lo toan, những ùn tắc giao thông, những tất bật mưu sinh, nhưng gương mặt người thì niềm vui rạng rỡ:

Trên phố vắng ai đạp xe lặng lẽ
Gánh hàng hoa tươi màu phố trẻ
Khuôn mặt người rạng rỡ những niềm vui
(Hà Nội cuối mùa thu)


Yêu để sống, sống để yêu thương

Tác giả coi những tháng năm đất nước “Vất vả và gian lao/ Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước” (Thanh Hải) như một bài ca thời gian, bài ca bốn mùa Việt Nam tươi đẹp:

Tháng ngày đất nước quê hương
Cánh cò bay lả thân thương tuyệt vời
Trải qua lịch sử ngàn đời
Bốn mùa đẹp mãi đất trời Việt Nam
(Bài ca năm tháng)

Trong phần thơ Tình yêu đất nước quê hương, người viết đề cập đến nhiều mặt của đời sống. Anh ca ngợi Bác Hồ khi người về tát nước gầu giai chống hạn với những câu thơ giàu hình ảnh cụ thể:

Đi khắp năm châu vẫn dép này
Ka ki mũ cát chẳng đổi thay
Thương dân lội ruộng quần xắn ống
Gầu giai tát nước vẫn dẻo tay
 (Bác về chống hạn)

Anh rưng rưng biết ơn cha mẹ với bao lo toan vất vả (Vu lan nhớ cha, Bông hồng cài áo, Cảm xúc khóc cười, Cánh võng ngày xưa, Mùa hoa bưởi, Những điều nhỏ nhặt). Những bài thơ ấy thể hiện lòng hiếu thảo với các bậc sinh thành:

Những gì làm được hôm nay
Là do mẹ chắp cánh bay thuở nào
Những điều nhỏ nhặt năm nao
Từ đôi tay mẹ đi vào đời con
Muốn dâng mẹ tấm lòng son
Tỏ lòng hiếu thảo 
BIẾT ƠN MẸ HIỀN
(Những điều nhỏ nhặt)

Tác giả ca ngợi những người mẹ anh hùng (Tấm lòng của mẹ), ca ngợi những người thầy giáo trên  núi cao hay ở đồng bằng đem cái chữ và dâng hiến cả tuổi xuân cho đàn em nhỏ (Cô giáo vùng cao, Người lái đò). Tác giả suy ngẫm về tục giỗ Quốc tổ Hùng Vương (Lời thề), về việc chào cờ và hát quốc ca (Chào cờ Tổ quốc). Lại còn thác lời Nguyễn Du, thác lời chồng nàng Bân (Lời cụ Nguyễn Du, Dặn nàng Bân),… Điều đó cho thấy sự đa dạng trong chủ đề thơ của người viết.

Suốt cả hai phần của tập thơ, người viết đều nhất quán trong tư tưởng yêu đất nước quê hương, yêu thương lứa đôi đằm thắm. Phần thứ hai nghiêng về những tình cảm riêng tư, những kỉ niệm “Phượng hồng”, “Phượng tím”, những câu hỏi “Vì sao”, những nỗi nhớ  dạt  dào  mạnh  mẽ  “Ùn ùn”, “Nhớ ai”, những kỉ niệm “Hoa sưa”, “Hoa gạo tháng ba”, “Hoa sữa Hà Nội”,…  Nhân vật được nói đến nhiều, trực tiếp và gián tiếp là  EM (trong các bài Nói với em, Chùm thơ không đề 1,2;  Cho em 1; Cho em 2; Đố em; Em là…; Cải ngồng; Hoa sữa Hà Nội; Hoa gạo tháng ba; Khi em cười…). Người viết là người nâng niu, trân trọng những kỉ niệm đẹp của tình yêu:

Mỗi năm chỉ nở một lần
Hoa sưa trắng muốt, trong ngần mưa xuân
Cánh hoa rải thảm dưới sân
Rơi rơi như tuyết, bước chân ngại ngùng
Hoa sưa ơi! Đẹp vô cùng
Bên nhau e ấp, xin đừng quên nhau
(Hoa sưa)

Có thể thấy, tác giả làm nhiều thể thơ khác nhau, nhưng Trần Khánh Toàn nghiêng về thơ lục bát. Nhìn chung thơ lục bát của tác giả viết chắc tay, vần luật chỉn chu, mềm mại. Một đôi bài, tác giả cố gắng đưa những nghĩ suy có tính chất triết lí. Chẳng hạn: Bay cao mới biết nhìn xa/ Mở mang tầm mắt nhìn ra ngoài đời (Đi máy bay). Hoặc: Ngẫm trong nênh nổi phù sinh/ Nhấp ly đắng mới thấu tình thế gian (Pha cà phê). Tiếc là số bài như vậy không nhiều. Một số bài nhuần nhuyễn có thể xếp vào những bài thơ, câu thơ hay. Ví dụ:

Em đi sông vắng nụ cười
Cánh đồng ven bãi đã lười sang xuân
Tàn đông đốt đuốc bới sao
Bóng em, ai có cất vào trời đêm…?
(Cải ngồng)

Ai đem thả xuống trần gian
Bao khuông nhạc ruộng bậc thang 
yêu kiều
Mù Cang Chải sóng sánh chiều
Mâm Xôi gợi nhớ bao điều khát khao
(Mù Cang Chải)

 Tuy vậy, khi làm các bài thơ dài, lục bát dễ bị biến thành diễn ca, vừa phần trùng lặp vần, vừa phần giảm sút chất thơ. Các bài ở thể thơ khác cũng vậy. Nhìn chung, thơ kị viết quá dài.

Có một số từ ngữ chưa thật chắt lọc hoặc được quá nhiều người dùng đến không còn nhung tuyết như: chênh chao, quyết không ngơi, ngất ngây tình nồng,  tiến xa vẹn toàn, bước chân xao xuyến ngập tràn,... có thể sẽ làm giảm sút phần nào  ấn tượng đẹp của bạn đọc. Với  tập thơ đầu tay của một người yêu thơ, có thể nói là tác giả đã ghi được dấu ấn đáng kể của mình.
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Yêu để sống, sống để yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO