Yến Lan: “Mình suốt đời đi chửa tới nhà”

Vũ Quần Phương| 27/12/2019 11:04

Tên thật là Lâm Thanh Lang. Quê gốc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, Yến Lan làm thơ từ chặng đầu của phong trào Thơ Mới, 1937. Khi ấy ở Bình Định có nhóm bạn trẻ làm thơ khá nổi. Họ kết thân với nhau, gọi là Bàn Thành tứ hữu. Quách Tấn cao tuổi nhất trong nhóm, sinh năm 1910. Hàn Mặc Tử sinh 1912, Yến Lan sinh 1916, ít tuổi nhất là Chế Lan Viên sinh 1920. Đất Bình Định không lớn, nhưng ảnh hưởng của nhóm thơ này, đặc biệt là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, vào nền thơ Việt hiện đại lại không nhỏ.

Yến Lan: “Mình suốt đời đi chửa tới nhà”

Tên thật là Lâm Thanh Lang. Quê gốc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, Yến Lan làm thơ từ chặng đầu của phong trào Thơ Mới, 1937. Khi ấy ở Bình Định có nhóm bạn trẻ làm thơ khá nổi. Họ kết thân với nhau, gọi là Bàn Thành tứ hữu. Quách Tấn cao tuổi nhất trong nhóm, sinh năm 1910. Hàn Mặc Tử sinh 1912, Yến Lan sinh 1916, ít tuổi nhất là Chế Lan Viên sinh 1920. Đất Bình Định không lớn, nhưng ảnh hưởng của nhóm thơ này, đặc biệt là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, vào nền thơ Việt hiện đại lại không nhỏ. 

Với Yến Lan, đóng góp vào giai đoạn thơ trước 1945, thường được nhắc đến ở đơn vị bài, bài Bến My Lăng. Bài thơ được Hoài Thanh tuyển in vào tập Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942 và có mặt trong tập thơ đầu của ông, tập Những ngọn đèn xuất bản năm 1957. My Lăng là một bến đò trong tưởng tượng. Ông lái đò, hẳn là đò ngang, lại có phong thái một ông đạo sĩ, lúc câu cá, lúc đọc sách, uống rượu, ngắm trăng, thổi tiêu và say ngủ giữa trời trăng trong tiếng gọi đò của khách quá giang. Ông khách gọi đò trong cái đêm trăng mung lung ấy, cũng đặc biệt: một chàng kỵ mã, nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly. Tiếng gọi đò hối hả, khẩn thiết làm run rẩy cả ngàn trăng cũng chỉ vì chàng sợ trăng vàng rơi khuất lối. Tình huống ấy, nhân vật ấy đúng là một cơn mơ trong cổ tích. Nó lãng mạn, nó huyền ảo, và giàu sức gợi thẩm mỹ vào cõi mộng của người đọc. Không nên tìm ý nghĩa hiện thực hay tư tưởng tác động xã hội của bài thơ này. Không tìm, vì nó không có. Không có vì nó không thực, nhưng nó đủ lý do để tồn tại. Đó là thơ, là chức năng mộng ảo vốn có của đời thực con người.

Nhiều nhà phê bình nhận xét: thơ Yến Lan không có câu non lép. Tôi nghĩ đó là một nhận xét đúng. Đúng từ những bài viết ở chặng đầu, trước Cách mạng, đến suốt cả đời thơ ông. Bài, thì khi hay, khi xoàng nhưng câu, bao giờ cũng kỹ càng, cẩn trọng. Yến Lan đầu tư công sức vào đơn vị câu. Ông chọn chữ, đổi sắc thái các chất liệu thơ bằng các động từ, ông tác động chất liệu này lên chất liệu kia một cách khác biệt, tạo nên bối cảnh thơ kỳ lạ từ các chi tiết quen. Xin lấy một ví dụ ngẫu nhiên, từ bài Bình Định 1935:

Cây lặng lẽ gượng làm bầy hải đảo
Thuyền bồ câu nghiêng buồm trắng trôi ven
Tăm chiêu mộ nổi trên dòng nước Đạo
Rượu ân tình - Bình Định - xứ lên men

Thơ tả gì? Tả cây, tả thuyền, tả dòng sông. Ờ mà dòng sông hay dòng rượu? Bình Định có rượu Bầu Đá nổi tiếng. Sông mà sớm chiều nổi tăm (tăm chiêu mộ) thì là sông rượu rồi. Mà nếu chưa phải rượu thì ở câu thứ tư nó cũng thành rượu vì cả Bình Định này là xứ lên men. Cây như đảo, thuyền như chim, sông như rượu. Nhưng ông không dùng chữ dễ dãi như tôi vừa dùng. Ông miêu tả bằng cách cho cây gượng làm bầy hải đảo. Chữ bầy cũng là một dấu vết lao động. Ghép thuyền với bồ câu và cho nghiêng cánh. Đấy là phép đan cài tung trên hứng dưới khá tỉ mỉ của Yến Lan. Ông làm mới câu vì ông vốn ham chi tiết. Mỗi câu miêu tả một chi tiết, ngang cấp về ý tưởng ngang cấp về tình cảm. Bài thơ thường bị kéo dài và rất dễ bằng phẳng. Bằng phẳng vì nội lực các câu thơ vốn bằng nhau. Để tránh đơn điệu, ông kỳ hóa chất liệu, sáng tạo chữ, đôi khi cao hơn, sáng tạo cảm giác, tạo nên câu thơ lạ mang cái hay đột xuất giữa mạch thơ đang thường thường bậc trung của toàn bài, trong bài Bình Định 1935 nói trên, bỗng vụt lên:

Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc
Em nằm thương xanh biếc của trời buồn

Nhưng sao phải ham chi tiết, ham kể, ham tả. Trước hết là do tạng cảm xúc của từng nhà thơ. Riêng với Yến Lan, tạng mê chi tiết ấy ngay trong thơ trước Cách mạng đã có. Sau này ở chặng thơ viết từ các cuộc đi thực tế sau cuộc đấu tranh tư tưởng Nhân văn giai phẩm, lại càng đậm, tính ghi chép đời sống khá rõ, chắc ông cũng thấy thế nên có bài ông ghi là bút ký thơ. Bài thơ khi ấy, như một báo cáo thu hoạch thực tế. Kể nhiều để thấy thu hoạch nhiều, để thấy cuộc sống mới đã tràn vào tâm hồn nhà thơ đầy chật và phong phú như thế nào. Đây cũng là một kiểu đánh giá thơ hồi ấy. Yến Lan, thương điểu kinh cung, ông hạn chế bộc lộ riêng tư để chuyển tải đời sống mới:

Những hồi kẻng vang lừng thôn hợp tác
Những mái nhà ngói đỏ cả lùm tre
(...) Bè gỗ thuyền câu kín giàn mặt nước
(...) Chở nụ cười quê lên giàn giáo công trường

Là một nhà thơ tài năng, ông biết sở đoản của lối thơ kể việc nên dựa vào sở trường của mình, ông nâng cấp nó. Ông đầu tư công sức vào câu để lạ hóa, để kỳ hóa nó. Đó là một sáng kiến, một ưu điểm nữa, khi nền thơ chúng ta đang dễ dãi về câu (Lục cục lào cào/ Anh cuốc em cuốc/ Đá lở đất nhào/ Nào anh bên trai/ Nào em bên nữ/ Ta thi nhau thử/ Ai tài hơn ai). Nhưng sa vào câu mà quên mất bài thì lại là nhược điểm. Yến Lan đây đó cũng vấp nhược điểm ấy. Tôi coi đấy như sự trả giá để có những thành tựu mà ông đạt được: những Mùa xuân lên cao, Theo gió xuân lên biên giới, Bài ca hợp tác thôn tôi... Ở những bài thơ này, câu thơ không chỉ tinh xảo trong miêu tả thực tế mà ông đã ảo hóa chúng ngay trong khâu thu nhận nghĩa là cảm xúc ông đã nhập chúng vào thế giới thẩm mỹ mơ mộng của tâm hồn. Chi tiết là hiện thực (chỗ xuất phát) nhưng tác động vào bạn đọc (chỗ đến) lại do yếu tố phi thực. Trong bài Mùa xuân lên cao, đoạn đầu ông tạo ấn tượng, rất thực mà cũng rất gợi:

Mới nghe đã sợ
Những tên chẳng hiền
Trái Hút, Mậu A, Ngòi Hóp
Tên như tên của hang beo hốc cọp
Bóng ma theo gót thày then
Sâu quảng sùi lên
Biệt kích còn moi sào huyệt
Lưỡi lê chọc tiết 
Chặn đường thổ phỉ cướp xe
Đoạn giữa, một cơn say trùng điệp:

Ta qua những làng/ Máng rủ suối sang/ Chàm ngâm tím vại/ Trâu kéo gỗ về sông Yên Bái/ Bến Âu Lâu thóc trẩy sáng đò/ Ta đứng trên những nương ngô/ Phấn bay giếng nước/ Giàn su quả dày/  Vườn cam quả sây/ Cam hay chim nở/ Cam hay em nhỏ/ Trên cành múa lay/ Cam hay má đỏ/ Tay sờ mát tay.

Đoạn cuối, thực ảo biến hóa tài tình, dào dạt:

Tay ai dắt ngựa ra phiên tết/ Năm cũ người Mèo mai trẩy hết/ Năm mới về theo điệu khèn (...) Ta mang miền ngược về thành phố/ Miền ngược nằm trong những búp đào.

Bài thơ viết tháng Giêng năm 1958, ngay sau cuộc đấu tranh tư tưởng mà đối với Yến Lan không phải không nặng nề. Có được mạch cảm xúc thênh thênh thơ mộng ấy là một bản lĩnh thi sĩ, một biểu hiện tài năng đáng khâm phục. Bài thơ hay trong ý, trong tình, trong nhịp điệu. Câu thơ dài ngắn xuống lên như tiếng reo, tiếng hát hòa quyện ngoại cảnh với hồn người, tung tẩy xa rộng, thênh thang, đầy chủ động.

Bài ca Hợp tác thôn tôi  là một nhập cuộc tiêu biểu của nhà thơ, rộng hơn của người trí thức với bà con cày cuốc chân lấm tay bùn. Chúng ta từng khâm phục cụ Tam Nguyên Nguyễn Khuyến đã bấm ngón trên bàn tay tiến sĩ tính liệu với bà con lam lũ thôn Bùi:

Quanh năm làm ruộng vẫn chân thua
Chiêm mất đằng chiêm mùa mất mùa
Phần thuế quan thu, phần trả nợ
Nửa công đứa ở, nửa thuê bò

Nay thấy Yến Lan lấn nước chân chiêm, ngã mềm chân hóa ông sử dụng lời ăn tiếng nói nông dân, ông nhìn làng xóm ruộng đồng bằng cái nhìn của người cùng hai sương một nắng:

Tre khép chuồng bèo - trâu nhai bóng mát
Ta đi nhổ cói dệt chiếu ta ngồi
Rót ấm chè tươi mời đón thêm người
Ta bàn chuyện đan nia, phất quạt.

Bút pháp mạch thơ này, tôi có cảm giác nó không dính dáng với Bến My lăng mộng ảo mà có lẽ nó là bước phát triển của khuynh hướng hiện thực từ Lại về tỉnh nhỏ. Lại về tỉnh nhỏ viết năm 1956, nó là một nhịp lạ tài hoa giữa giàn thơ ca khi ấy. Lạ, trong cách cảm nhận thực tại: cảm vào lõi của hiện thực, nắm bắt được cả phần hồn hư ảo của hiện thực. Lạ, trong thể hiện: một ngôn ngữ sáng rõ, rành mạch, mà lại giàu sức gợi, dẫn tưởng tượng người đọc đi rất xa. Âm điệu cũng tạo nên nội dung, cái cuộc sống cũ kỹ, ngưng đọng, chỏng chơ, rơi rụng của tỉnh lẻ thời Pháp thuộc hiện rõ chỉ trong tám chữ rơi trên bốn bậc thơ này:

Tỉnh nhỏ 
             Cô em
                        Nằm xem 
                                       kiếm hiệp

Cuộc sống mới sau ngày giải phóng miền Bắc, ở đoạn sau bài thơ, được tác giả đặc tả với khá nhiều chi tiết, tuy tỷ trọng ấn tượng của cái mới chưa đậm đặc bằng khi tả cuộc sống cũ. Nhưng trong toàn thể: cảm xúc bài thơ tươi mới lắm và câu thơ kết bài trí tuệ như một biểu tượng:

Mặt trời không muốn lặn
Mặt trời len vào mắt con người

Sau ngày thống nhất đất nước, Yến Lan về sống với quê nhà Bình Định. Thơ ông có một bước chuyển. Một bước chuyển có tính tổng kết, ngẫm nghĩ lại đời người. Ông không làm thơ dài. Không kể và tả chuyện ngoài đời nữa mà nói lòng mình. Thơ như viết cho mình. Nói thật, nói hết những nông nỗi dâu bể đời người mình đã trải. Ông tìm về cách nói cổ điển, hàm súc, đôi khi ước lệ trong thi pháp thơ Đường tứ tuyệt. Cảm xúc phóng khoáng, ung dung, thoáng chút ngậm ngùi năm tháng và nỗi cô đơn của tuổi già:

Tàu ngang quê cũ

Khói quyện đầu ô, nửa xóm nhòa
Tàu dừng đổ khách, sắp rời ga 
Đồng hương kẻ xuống, người ra đón
Mình suốt đời đi chửa tới nhà

Sinh nhật 1989

Năm nay sinh nhật chẳng ra thơ
Xót bạn, mong con, ốm dật dờ
Đón khách những toan ra mở cổng
Giật mình con nhện đã giăng tơ

Chèo

Vò rối tơ rồi, gỡ rối tơ
Gỡ không ra mối lại đem vò
Nàng Vân giả dại, nàng Vân dại
Vân dại nên đời cũng ngẩn ngơ

Trong thời đất nước cắt chia, nhà thơ Yến Lan xa quê Bình Định, ra sống ở Hà Nội, nhiều năm là cán bộ biên tập thơ của nhà xuất bản Văn học, khi ấy là nhà xuất bản chủ lực trong việc giới thiệu thơ. Lứa chúng tôi đều được ông biên tập cho những tập thơ đầu. Ông sửa chữa góp ý tận tình, tỉ mỉ. Ông ít nói, ngay cả khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm hồi Thơ Mới, ông trả lời rất tóm tắt như muốn khép lại những chuyện đã qua.
(0) Bình luận
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Âm vang Việt Nam” hào hùng qua từng khúc hát
    Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tối 16/5 tại Không gian biểu diễn Nghệ thuật - Ẩm thực đường phố quận Tây Hồ tiếp tục diễn ra Chung khảo “Liên hoan Tiếng hát cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Hà Nội 2024” (cụm 2), với những phần trình diễn đặc sắc, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô.
  • Góp thêm tiếng nói xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch
    6 đội tham gia “Liên hoan tiểu phẩm tuyên truyền, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” của Thị xã Sơn Tây đã có những màn trình diễn ý nghĩa góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm,…
  • Chuỗi tiện ích phong cách hoàng gia nâng tầm chuẩn sống thượng lưu tại Đảo Vua
    Tọa lạc tại vị trí đắc địa nơi cửa ngõ Thành phố Đảo Hoàng Gia Vinhomes Royal Island, phân khu Đảo Vua mang đến cho gia chủ trải nghiệm sống phong cách hoàng gia sang quý nhờ những tiện ích đặc quyền như Ngự Hoa Viên và trường học ngay nội khu hay Vincom Mega Mall cách vài bước chân.
Đừng bỏ lỡ
Yến Lan: “Mình suốt đời đi chửa tới nhà”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO