Xứng danh Thủ đô anh hùng
Trong chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, do vị trí và vai trò của Thăng Long - Hà Nội rất quan trọng nên kẻ xâm lược đã nhiều lần tấn công nhằm đánh chiếm mảnh đất này. Cũng đã bấy nhiêu lần quân dân Thủ đô anh dũng vươn lên, phát huy truyền thống cha ông, cùng nhân dân cả nước viết nên những trang sử hào hùng trong chiến đấu, bảo vệ sự sống còn của Thăng Long - Hà Nội, trái tim của Tổ quốc.

Kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên
Dưới sự lãnh đạo tài tình của vua, tướng lĩnh nhà Trần đã ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Trong đó, mảnh đất Thăng Long đã ghi dấu những chiến thắng quyết định số phận của giặc ngoại xâm.
Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân xâm lược Nguyên Mông (1258), dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Trần Thái Tông, quân dân Đại Việt đã đoàn kết chiến đấu chống quân xâm lược. Buổi đầu, trước thế địch đang mạnh, để bảo toàn lực lượng, triều đình quyết định tạm thời rút khỏi kinh thành, thực thi kế “vườn không nhà trống” (thanh dã) khi có chiến tranh. Quân Nguyên tràn vào thành Thăng Long, chúng đốt phá cung điện và nhiều công trình kiến trúc khác. Sau một thời gian ngắn đóng quân giữa một kinh thành trống rỗng, quân địch đã gặp nhiều khó khăn về lương thực, tinh thần trở nên rệu rã.
Thời cơ phản công đã đến, chỉ 10 ngày sau khi rút khỏi Thăng Long, vua Trần Thái Tông dẫn quân phản công, đánh thắng quân Nguyên trong trận đánh lịch sử ở Đông Bộ Đầu (quận Ba Đình, Hà Nội). Quân địch lập tức bỏ thành Thăng Long, rút lui về nước. Thăng Long được giải phóng, đất nước sạch bóng quân xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287 - 1288) chống quân xâm lược Nguyên, buổi đầu trước sự tấn công ồ ạt, nhân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo tài tình của tướng quân Trần Quốc Tuấn đã từng bước thực hiện kế sách quân sự, vừa đánh cản địch, vừa lui quân bảo toàn lực lượng, tạm thời rút khỏi kinh thành Thăng Long. Toàn dân thực hiện “vườn không nhà trống” triệt nguồn cướp lương thực, chiến tranh du kích phát triển, tiêu hao lực lượng địch. Quân ta tạo thời cơ thuận lợi phản công.
Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, tháng 5 năm 1285, từ Thanh Hóa, Trần Quốc Tuấn tiến quân ra Bắc đánh tan quân địch ở Tây Kết, Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên), Chương Dương (Thường Tín, Hà Nội) và giải phóng thành Thăng Long, giải phóng đất nước.
Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, khi quân Nguyên ngày càng lâm vào thế bị động, đoàn thuyền vận lương của Trương Văn Hổ bị tiêu diệt ở Vân Đồn (đầu năm 1288), quá hoảng sợ trước sức mạnh của quân dân Đại Việt, Thoát Hoan quyết định rút quân về nước. Cả hai đường rút quân thủy và bộ của giặc đều bị quân ta chặn đánh tơi bời. Trận thủy chiến Bạch Đằng (9/4/1288) là trận quyết chiến, chiến lược, đập tan ý đồ xâm lược của quân Nguyên. Ngày 28/4/1288, vua Trần Nhân Tông và triều đình trở về Thăng Long, lãnh thổ Đại Việt hoàn toàn sạch bóng ngoại xâm.
Kháng chiến chống quân xâm lược Minh
Cuối năm 1406, phong kiến Đại Minh ở phương Bắc kéo quân xâm lược nước ta. Tháng 1/1407, quân Minh chiếm kinh thành Thăng Long và cuối năm đó đã đánh bại nhà Hồ. Dưới ách thống trị của quân Minh, Thăng Long - Đông Đô bị đổi gọi là Đông Quan. Cũng giống như các địa phương trong cả nước, Đông Quan bị chìm ngập trong đau thương bởi các hành động tội ác của quân giặc. Không cam chịu sự thống trị của giặc Minh, nhân dân ta không ngừng vùng lên khởi nghĩa. Nổi bật là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kéo dài 10 năm (1418 - 1427) do Lê Lợi đứng đầu. Đây là cuộc khởi nghĩa bền bỉ và lâu dài với nhiều gian nan, thử thách cùng những chiến công vang dội.

Tháng 9/1426, sau khi giành thắng lợi ở Nghệ An, Thanh Hóa, nghĩa quân Lam Sơn cùng nhân dân Thăng Long - Đông Quan chặn đánh cuộc phản công của tướng giặc Vương Thông. Sau chiến thắng Tốt Động - Chúc Động (tháng 11/1426), nghĩa quân Lam Sơn tiến hành bao vây, dụ hàng quân Minh ở Đông Quan. Cuối năm 1427, với chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, quân ta đã phá tan các đạo quân tiếp viện của giặc. Kế hoạch vây thành diệt viện của nghĩa quân Lam Sơn đã thành công. Ngày 10/12/1427, với “hội thề Đông Quan” lịch sử đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân ta trong suốt hai mươi năm chống quân xâm lược nhà Minh. Độc lập dân tộc được khôi phục, kinh thành Thăng Long vẫn là kinh đô nước Đại Việt .
Kháng chiến chống quân xâm lược Thanh
Cuối thế kỷ XVIII, phong trào Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo đã giành thắng lợi to lớn trong công cuộc chống bè phái phong kiến phản động và tiêu diệt quân xâm lược Xiêm. Vào tháng 6/1786, với sự ủng hộ từ nhân dân, Nguyễn Huệ đã đánh tan toàn bộ 3 vạn quân nhà Trịnh. Sau hơn hai thế kỷ bị phân chia bởi các bè phái phong kiến, nền thống nhất đất nước được khôi phục.
Cuối năm 1788, nhà Thanh lợi dụng sự câu kết, ươn hèn của bè phái phong kiến phản động do Lê Chiêu Thống cầm đầu đã đưa quân sang xâm lược nước ta. Trước sức tấn công đại quy mô của quân Thanh, ngày 17/12/1788, kinh thành Thăng Long và một phần đất Bắc Hà bị quân giặc chiếm đóng.
Trước tình thế này, ngày 21/12/1788, tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu Quang Trung, rồi lập tức thống lĩnh đại quân, thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc trong vòng vài ngày.
Xuân Kỷ Dậu (1789) là một mùa xuân rực rỡ chiến công. Với loạt chiến công hiển hách ở Ngọc Hồi - Đầm Mực - Đống Đa, vua Quang Trung đã đánh bại hoàn toàn quân Thanh, giải phóng Thăng Long. Chỉ trong vòng 5 ngày đêm đầu mùa xuân, dưới sự lãnh đạo thiên tài của vua Quang Trung, nhân dân ta đã vùng lên quét sạch 20 vạn quân xâm lược Thanh.
Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của Cách mạng Việt Nam. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan ách thống trị hơn 80 năm của thực dân Pháp, đồng thời lật đổ ngai vàng phong kiến ngự trị hàng nghìn năm ở nước ta. Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thủ đô dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẩn trương xây dựng chế độ mới, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt sẵn sàng bảo vệ những thành quả Cách mạng vừa giành được. Thế nhưng, trong lúc nhân dân ta rất cần một môi trường hòa bình để xây dựng đất nước, thực dân Pháp lại quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Pháp đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, điên cuồng phá hoại nền hòa bình trên đất nước ta.

Trong thời khắc Tổ quốc lâm nguy, vận mệnh dân tộc đứng trước sự mất còn, đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, kêu gọi toàn dân tộc nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Thủ đô và đồng bào cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp.
Ngày 19/12/1946, bằng loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của quân Pháp trong thành phố, quân và dân Thủ đô Hà Nội chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Hà Nội ngày ấy, mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ. Hình ảnh những chiến sĩ ôm bom ba càng diệt xe tăng, hay phá đồn bốt địch đã trở thành biểu tượng anh hùng, dũng cảm của quân dân Hà Nội với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong suốt 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đánh gần 200 trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, hoàn thành xuất sắc việc bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận, đoàn thể di chuyển về hậu phương.
Chống chiến tranh phá hoại của Mỹ - chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”
Từ năm 1971- 1972, để cứu vãn tình thế thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ âm mưu “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh ở miền Nam, đồng thời ném bom trở lại miền Bắc. Cuối năm 1972, Mỹ quyết định mở cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng các “siêu pháo đài bay B.52” đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc.
Trong 12 ngày đêm, từ 18/12 đến 30/12/1972, Mỹ sử dụng hàng trăm lần máy bay B.52, hàng nghìn lần chiếc máy bay chiến thuật ồ ạt ném bom đánh phá Hà Nội và Hải Phòng. Trong khói lửa ác liệt, quân dân Thủ đô càng dũng cảm, kiên cường. Trong 12 ngày đêm đó, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 25 pháo đài bay B.52 và nhiều máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, thương vong tổn thất do không quân Mỹ gây ra đối với nhân dân Hà Nội rất nặng nề. Hàng nghìn người bị giết hại, nhiều công trình dân sinh, văn hóa, lịch sử bị phá hủy. Nhưng quân dân Hà Nội quyết không chịu khuất phục, đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường cùng với quân dân miền Bắc lập nên một “Điện Biên Phủ trên không” vô cùng oanh liệt, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không quy mô lớn nhất của đế quốc Mỹ.
Với chiến thắng này, Hà Nội đã góp phần vào thắng lợi chung, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân đội Mỹ về nước. Thắng lợi to lớn từ cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở Hà Nội đã tô đậm thêm truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đoàn kết chiến đấu vì chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” của quân dân Hà Nội và toàn dân tộc Việt Nam.
Năm 2025, đánh dấu nhiều ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước như: Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025); 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ Thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2025); 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025); 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)…Nhìn lại chặng đường lịch sử đấu tranh đầy gian nan, thử thách của dân tộc Việt Nam để phát triển và trường tồn, chúng ta có quyền tự hào về những trang sử vẻ vang, những chiến công hiển hách đánh giặc giữ nước của nhân dân Thăng Long - Hà Nội. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập tự do của quân dân Thăng Long - Hà Nội là nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong chống giặc ngoại xâm. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Thăng Long - Hà Nội mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, xứng danh Thủ đô anh hùng của một dân tộc anh hùng./.