Phát huy những thế mạnh vốn có của vùng, những năm gần đây xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã chú trọng việc khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch qua đó gìn giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - công chúa Tiên Dung. Vùng đất văn hóa
Xã Tự Nhiên là vùng đất cổ có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Tự Nhiên có nhiều điều kiện thuận lợi về hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ. Đê sông Hồng được đầu tư xây dựng, trải thảm nhựa, cùng với tỉnh lộ 427 bắt đầu từ km số 0 nằm ngay cửa ngõ vào xã tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi. Về đường thủy, Tự Nhiên nằm sát sông Hồng, trên đường thủy Hà Nội - Nam Định, có bến đò Tự Nhiên, bến cảng Hồng Vân, nối Thường Tín với huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Đặc biệt, xã Tự Nhiên có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia: đình Hạ được công nhận năm 1988 và Đình Thượng được công nhận năm 2002.
Đình Thượng và đình Hạ là hai công trình kiến trúc có niên đại tương đồng nhau, được khởi dựng vào thời Hậu Lê; tôn tạo, tu sửa làm hậu cung vào cuối triều Nguyễn. Có điểm khác nhau là đại bái đình Thượng không có tích “Rồng mẫu tử” mà có tích “Độc long”. Đình Thượng có 69 đạo sắc phong nhiều hơn đình Hạ 3 sắc phong.
Truyền thuyết kể về thiên tình sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung kỳ lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Một nàng công chúa lá ngọc cành vàng, xinh đẹp, quyền quý con vua Hùng Vương thứ 18 đã yêu, kết duyên với người con trai mồ côi, nghèo nhưng rất mực hiếu thảo bất chấp mọi lễ giáo phong kiến, ngôi vị thứ bậc trong xã hội. Nhưng truyền thuyết này không chỉ dừng lại ở một mối tình mà còn ca ngợi sự cống hiến lớn lao của hai vợ chồng Chử Đồng Tử trong việc cứu giúp người đời khỏi bệnh tật, tai ương. Đi đến đâu họ cũng dang rộng vòng tay để cứu giúp người khó, người khổ, chỉ đường dẫn lối cho họ sống tốt hơn. Chính vì thế mà người đời tôn Chử Đồng Tử là 1 trong “Tứ bất tử” với sự thành kính, thờ phụng.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung được tổ chức vào ngày 1 tháng 4 âm lịch hàng năm và theo thông lệ thì cứ 3 năm lại tổ chức lễ hội lớn để kỉ niệm ngày Đức thánh Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung trên bãi cát của làng. Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung được tổ chức trong ba ngày từ ngày 30/3 đến ngày 2/4 âm lịch. Lễ hội gồm 2 phần đó là phần lễ và phần hội. Phần lễ với nghi thức chính là rước nước và rước kiệu.
Rước nước là một nghi lễ đi thuyền ra giữa sông Cái, múc nước vào cái chóe rồi đem về lễ thánh. Những người cao tuổi trong xã nói việc rước nước không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc mà còn thể hiện nét tín ngưỡng sâu sắc, nhằm tưởng nhớ về thánh Chử Đồng Tử với nghề đánh cá xuôi ngược trên sông. Rước kiệu được cử hành long trọng đúng với nghi lễ cổ truyền một nghi lễ trọng thể đầy đủ các tự khí với trống chiêng rộn ràng, cờ quạt tàn, tán phấp phới, tàn lọng và những bản nhạc của phường bát âm. Nhân dân trong và ngoài xã nô nức rước ngài từ đình làng ra tận bờ sông Hồng. Đám rước đến tại bến sông, sẽ lấy nước cọ kiệu và diễn lại tích huyền thoại “Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung” trên bãi tắm nàng tiên và cùng huyền thoại rồng du thuyền trên sông. Phần hội được mở rộng với các hoạt động phong phú như múa rồng, múa sinh tiền, múa bồng, diễn xướng dân gian, văn nghệ, thể thao; các trò chơi dân gian, hiện đại như hát quan họ, cờ người, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương về dự lễ hội.
Khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch
Lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà còn là một cách giữ gìn, bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa của dân tộc.
Cũng bởi thế, việc đẩy mạnh bảo tồn di sản, di tích lịch sử hướng tới phát triển du lịch bền vững là một trong những nhiệm vụ đã được Ban chấp hành Đảng bộ xã Tự Nhiên đề ra trong nhiệm kỳ 2021- 2025.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Tự Nhiên chia sẻ: “Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, xã Tự Nhiên đã xác định thế mạnh của mình là du lịch văn hóa, tâm linh. Mặc dù trong năm 2021 đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động văn hóa, du lịch nhưng xã Tự Nhiên vẫn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch”.
“Trong nhiệm kỳ tới xã Tự Nhiên tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong đó lấy phát triển du lịch là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế. Đồng thời tận dụng và khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng, đẩy mạnh tuyên truyền những giá trị di tích lịch sử văn hóa đến du khách gần xa” - ông Liêm nhấn mạnh.
Chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ văn hóa xã Tự Nhiên cho biết: “Những năm qua được sự quan tâm của lãnh đạo huyện Thường Tín, lãnh đạo xã Tự Nhiên, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền về văn hóa du lịch trên hệ thống truyền thanh của xã. Địa phương cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái bãi Tự Nhiên nhằm thu hút khách du lịch đến thăm quan. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao văn hóa ứng xử của người dân về phát triển du lịch với 3 tiêu chí: Thân thiện, mến khách, ứng xử văn minh để tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.
Với những giá trị về lịch sử văn hóa đặc trưng của vùng, sự quan tâm của chính quyền địa phương mong rằng trong thời gian tới du lịch của Tự Nhiên sẽ là điểm nhấn quan trọng trong lộ trình phát triển du lịch của huyện Thường Tín từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.