Rác của các hộ kinh doanh khu chợ tạm vứt bừa bãi dưới gốc Cây đa di sản
Các gian hàng được bày bán ngổn ngang
Một lối đi vào Di tích đã bị phương tiện của các hộ kinh doanh trong khu chợ bịt kín
Điều đáng nói là, theo phản ánh của Ban Khánh tiết và đồng dân hai giới xã La Phù, sự việc “xâm hại” Cụm Di tích nêu trên được họ “kêu cứu” nhiều năm qua vẫn chưa được các cấp chính quyền liên quan giải quyết thỏa đáng, thì sự việc “xâm hại” mới lại đang tiếp tục diễn ra. Hiện nay trong khu vực bảo vệ di tích, hộ gia đình ông Trịnh Đắc Trí đang xây dựng nhà cao tầng, sát Tam Bảo – chùa Trung Hưng, có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích (Khoản 1, điều 36 Luật Di sản văn hóa năm 2001).
Công trình đang xây dựng đã bị UBNB xã La Phù đình chỉ thi công của gia đình ông Trịnh Đắc Trí
Trao đổi với ông Nguyễn Phan Đích, Trưởng ban Khánh tiết và ông Nguyễn Hữu Đức, Phó ban Khánh tiết, chúng tôi được biết, Ban Khánh tiết và đồng dân hai giới đã nhiều lần kiến nghị tới các cấp chính quyền địa phương có thẩm quyền kịp thời có phương án ngăn chặn những hành vi xâm lấn khu bảo vệ di tích để đảm bảo cảnh quan, môi trường sinh thái của di tích. Tuy nhiên, chính quyền cơ sở ở địa phương vẫn chưa có phương án khả thi để bảo vệ Cụm di tích này. Bên cạnh đó, liên quan đến công trình xây dựng của gia đình ông Trịnh Đắc Trí hiện nay, tại công văn ngày 5/7/2021 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội gửi UBND huyện Hoài Đức, trong đó khẳng định “Theo báo cáo của UBND xã La Phù thì khu vực đất đang xây dựng của gia đình ông Trịnh Đắc Trí đã được UBND huyện Hoài Đức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2003. Qua kiểm tra, đối chiếu cho thấy: vị trí của khu đất của gia đình ông Trịnh Đắc Trí đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ I của Di tích đình, chùa La Phù, vi phạm điều 32, Luật Di sản văn hóa cũng như các quy định Pháp luật liên quan và của Thành phố về di sản văn hóa”, ông Nguyễn Phan Đích và ông Nguyễn Hữu Đức chia sẻ với phóng viên.
Di sản văn hóa được ví như tài sản quý của dân tộc, nếu làm biến dạng hoặc mất đi thì bề sâu của văn hóa không còn nữa. Thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, theo đó, hầu hết các di tích được phân cấp cho các quận, huyện, thị xã quản lý. Kính đề nghị các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan sớm đưa ra những giải pháp thỏa đáng bởi hơn lúc nào hết, bảo vệ di sản không bị xâm hại là trách nhiệm chung của cả các cơ quan quản lý và cộng đồng. Phóng viên Người Hà Nội vẫn đang tiếp tục tìm hiểu các thông tin liên quan đến phản ánh của Ban Khánh tiết và đồng dân hai giới xã La Phù, huyện Hoài Đức về việc một số công trình: trường học, nhà văn hóa, chợ tạm, xây dựng nhà cao tầng trái phép tại Cụm Di tích đình, chùa cấp Quốc gia xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.