Họ là những người sinh ra, lớn lên trong chiến tranh, nhiều người còn trực tiếp ra trận, kinh qua những phút giây sinh - tử ác liệt của cuộc chiến. Bằng chính trải nghiệm, bằng “cái thấy”, “cái cảm” thực tế đó, họ có thể khắc họa những câu chuyện sống động hòa trộn cả sự hào hùng lẫn bi thương trong từng con chữ, câu văn. Và, mỗi thế hệ, mỗi thời kỳ đi qua sẽ luôn tạo ra những thay đổi trong cách thức tiếp cận, sáng tạo và biểu hiện các khía cạnh khác nhau của dòng văn học cách mạng. Vậy các tác giả trẻ hôm nay có sự quan tâm, tiếp nối như thế nào với dòng văn học đặc sắc này?
Trước tiên cần hiểu rằng, văn học cách mạng không đơn thuần chỉ là dòng văn học nói về chiến tranh. Bởi ở thời điểm hiện tại, chiến tranh đã lùi xa chúng ta hơn bốn mươi năm về trước. Vì vậy, văn học cách mạng không phải là một đề tài bó hẹp mà trải rộng trên nhiều khía cạnh khác nhau với đa dạng chủ đề như: Biên giới, biển đảo, hậu chiến, đi tìm đồng đội… tạo điều kiện để người viết có thể thử sức ngòi bút, khả năng sáng tạo của mình. Nếu các tác giả trẻ có những phát hiện mới mẻ, biết cách tiếp cận, khám phá các chủ đề theo góc nhìn độc đáo thì họ hoàn toàn có thể cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị cả về mặt xúc cảm, nội dung tư tưởng lẫn yếu tố nghệ thuật. Dựa trên thực tế những gì đã và đang diễn ra trong sáng tác của nhiều tác giả trẻ hiện nay có thể phân tách thành hai nhóm với hai hướng sáng tác khác nhau: Nhóm thứ nhất là “các tác giả trẻ quan tâm” và nhóm thứ hai là “các tác giả trẻ chưa thực sự quan tâm” tới dòng văn học cách mạng.
1. Với nhóm tác giả trẻ có nhiều sự quan tâm, chú ý, đào sâu vào mảng đề tài văn học cách mạng, điểm chung ở họ là sự đau đáu, trăn trở về chiến tranh, về sự hi sinh của những người lính không chỉ trong thời chiến mà cả thời bình. Họ luôn cảm thấy có một sự thôi thúc mạnh mẽ từ bên trong khiến họ không thể không cầm bút để viết về những điều liên quan tới đề tài này. Ngoài ra, nhiều tác giả trẻ cũng chia sẻ rằng, lý do họ quan tâm nhiều tới văn học cách mạng còn bởi trong gia đình họ có những người thân đã trực tiếp tham gia chiến trận. Nhà thơ Lữ Mai, một tác giả trẻ có nhiều tác phẩm đã xuất bản về đề tài này (trường ca “Ngang qua bình minh”, trường ca “Chư Tan Kra mây trắng”…) tâm sự: “Lựa chọn đề tài này, trước hết, bởi tôi là con của một người lính, bố tôi là người lính trở về từ chiến trường Campuchia. Trong gia đình tôi, có các liệt sĩ, các ngôi mộ vì chiến tranh mà chưa tìm lại được. Tất cả những câu chuyện đó đã lưu dấu trong tôi từ khi tôi còn là một đứa trẻ. Nhưng mọi thứ đã lớn dần, rõ rệt hơn, rộng mở hơn khi tôi trưởng thành, lựa chọn nghiệp sáng tác văn chương”. Mặc dù không trực tiếp đi qua chiến tranh nhưng những câu chuyện về thời chiến được nghe qua lời kể của ông bà, cha mẹ cũng phần nào tạo nên những rung động sâu sắc đối với nhiều tác giả trẻ ngay từ thuở ấu thời. Lớn lên, theo đuổi sự nghiệp văn chương, sống lại cảm xúc được tái hiện từ những câu chuyện ngày thơ bé cũng là cách để các tác giả trẻ từng bước đi vào đề tài văn học cách mạng. Còn đối với tác giả trẻ Phùng Thị Hương Ly (tác giả của “Màu xanh trở về”, “Trên những hố bom”, “Gọi mãi câu thương”...), lý do khiến chị có nhiều quan tâm và trăn trở với đề tài này lại gắn với hai từ “trách nhiệm”. Chị quan niệm: “Trước những thực tế mà bản thân trải nghiệm, tôi thấy mình cần viết lên như một phần trách trách nhiệm của người cầm bút.”
Có thể thấy, mỗi tác giả khi quyết định theo đuổi một đề tài nào đó đều có những lý do của riêng mình. Tuy nhiên đến với văn học cách mạng, chắc hẳn, những tác giả trẻ quan tâm tới đề tài này đều ít nhiều có những trăn trở, thúc giục khởi phát từ bên trong về việc phải viết, phải tìm đến con chữ để thể hiện những khắc khoải bỏng sôi nội tại về chiến tranh, về quê hương đất nước, về sự hy sinh thầm lặng giữa con người với con người…
Ngoài sự đa dạng, hấp dẫn về chủ đề thì văn học cách mạng cũng là đề tài tiềm ẩn nhiều sự thử thách đối với các tác giả trẻ. Một trong những khó khăn thường gặp ở các tác giả trẻ khi tiếp cận, đi sâu vào đề tài văn học cách mạng là việc họ không trực tiếp trải qua chiến tranh nên rất khó để cảm nhận, thể hiện những cảm xúc, những câu chuyện một cách chân thực, sâu sắc như các thế hệ đã trực tiếp trải qua cuộc chiến. Tác giả Lữ Mai chia sẻ: “Dù nỗ lực bao nhiêu, tôi cũng không thể đau nỗi đau như của cha ông mình hoặc của những người đã trực tiếp mất đi người thân yêu nhất trong chiến tranh”. Còn trong quá trình viết về văn học cách mạng, điều khiến Nguyễn Thị Kim Nhung (tác giả của trường ca “Từ phía sương buông”, các tác phẩm thơ: “Trước những ngôi mộ dọc biên giới”, “Mùa thu Sơn Tây”...) băn khoăn nhiều nhất: “Quan trọng vẫn là cách chúng ta viết như thế nào về đề tài ấy mà thôi”.
Với văn học cách mạng, đôi khi vấn đề không chỉ nằm ở cách tiếp cận, khai thác đề tài như thế nào cho gần nhất với những gì đã xảy ra mà khó khăn nhất có chăng lại đến từ việc người viết làm thế nào để mở nút “cảm xúc” của mình. Không thể phủ nhận tầm quan trọng hàng đầu của yếu tố cảm xúc đối với sự thành bại của một tác phẩm văn học. Nếu ý tưởng đã có, cách triển khai dường như đã rõ ràng nhưng cảm xúc chưa được khởi nhen thì cũng thực khó để vận hành những con chữ một cách nhịp nhàng. Lắm khi chỉ cần một chút sự thăng hoa của cảm xúc là linh hồn và hình hài tác phẩm đã khác. Hơn nữa, một số chủ đề trong văn học cách mạng tiệm cận với sự khô khan như những cuộc chiến, hình ảnh cây súng, con thuyền, cột mốc… để biến những hình ảnh tưởng chừng rất “vật lý” ấy trở nên mềm mại hơn, lãng mạn hơn, phải chăng yếu tố cảm xúc của người viết là chất xúc tác không thể thiếu. Đây cũng là điều gợi nhiều ngẫm ngợi cho tác giả Phùng Thị Hương Ly khi viết về đề tài văn học cách mạng: “Có những khi tôi ngồi rất lâu trước trang giấy trắng mà chẳng thể viết được gì. Mặc dù ý tưởng đã xuất hiện trước đó nhưng cảm giác mình viết thế nào cũng thiếu, cũng chưa tới. Và cảm xúc luôn là thứ dẫn dắt tôi chạm đến những gì sâu thẳm nhất để tác phẩm được hoàn thành”.
Chắc hẳn mỗi tác phẩm văn học được hoàn thành đều chứa đựng trong đó rất nhiều xúc cảm, những bồi hồi, suy tư của người viết, đặc biệt với một đề tài có phân khúc rộng như văn học cách mạng. Với nhóm tác giả trẻ quan tâm đến đề tài này, ở họ luôn có những sự nhạy cảm nhất định với con người, với những câu chuyện, những hình ảnh nhỏ bé, bình dị mà cũng thực cao cả, thiêng liêng về chiến tranh, biên giới, hải đảo, về những mảng màu cuộc sống be bé mà phải rất tinh ý mới có thể phát hiện ra. Là một cây bút chuyên viết về Trường Sa, về những người lính biển, tác giả trẻ Viễn Hải đã chia sẻ một kỷ niệm gắn liền với sự ra đời bài thơ “Quê em ở Trường Sa”, đây cũng là tác phẩm chị tâm đắc nhất trong tập thơ “Ngược sóng” xuất bản năm 2015. Chị kể: “Cảm hứng đến khi tôi xem một bức ảnh lớp học ở Trường Sa trên báo. Đã có nhiều nhà văn, nhà thơ viết về Trường Sa nhưng viết cho những đứa trẻ được sinh ra ở Trường Sa thì khá ít. Tôi nghĩ tới những đứa trẻ sinh ra, học tập và lớn lên ở đây. Có lẽ sau này khi vào đất liền, các em cũng sẽ coi nơi này như quê hương của mình, sẽ kể cho các bạn ở đất liền về cuộc sống trên đảo… từ đó tôi đã viết “Quê em ở Trường Sa”” Nguồn cảm hứng để viết nên những tác phẩm về văn học cách mạng có thể đến từ bất cứ đâu, có khi chỉ là một bức ảnh, một câu nói, một chi tiết nhỏ hoặc một thước phim nào đó vô tình lướt qua cũng có thể thức gợi ngòi bút của nhiều tác giả trẻ luôn đau đau với đề tài này.
2. Song hành với nhóm tác giả trẻ quan tâm, tìm tòi, sáng tác tác phẩm ở dòng văn học cách mạng là nhóm tác giả trẻ chưa có nhiều quan tâm tới các chủ đề thuộc dòng văn học này. Đáng chú ý là có một số tác giả trẻ có hứng thú với đề tài văn học cách mạng nhưng chưa tập trung đi sâu vào sáng tác bởi một số yếu tố thiên về khoảng cách thời đại và thế hệ. Điều này cũng là một trong những trăn trở của tác giả trẻ Vàng A Giang (chủ nhân của tập thơ “Say Tây Bắc”, “Phiên chợ xuân Cán Cấu”, “Biển mẹ”...): “Tôi quan tâm đến đề tài văn học cách mạng nhưng chưa có nhiều tác phẩm về đề tài này. Do tôi sinh ra trong thời bình khi chiến tranh đã lùi xa nên không hiểu rõ được những điều cốt lõi như các thế hệ đi trước. Để viết được tôi cần có một sự tích lũy nhất định để có thể chạm đến những khía cạnh sâu sắc của lịch sử cách mạng. Bây giờ tôi có thể viết được nhưng có thể vẫn chưa hay”.
Một số tác giả trẻ khi được hỏi về đề tài văn học cách mạng, họ cảm thấy bản thân thực sự không có hứng thú đối với đề tài này. Họ lựa chọn cho mình những con đường sáng tác theo phong cách riêng dựa trên niềm yêu thích cá nhân nhiều hơn. Hà Hương Sơn (tác giả của tập thơ “Cuộc hành hương của giấc mơ”, tiểu thuyết “15 năm”) cho rằng: “Là một tác giả tự do, không bị áp lực về đề tài nên tôi thường sáng tác tự do theo ý thích của mình. Tôi chú tâm đến “sự kiếm tìm bản thể”, những câu chuyện liên quan đến cuộc sống thường ngày về tình yêu, tuổi trẻ, tình bạn… Phần nữa là do tôi ít quan tâm đến vấn đề chính trị”.
Trước khi thực sự bước vào một đề tài cụ thể nào đó, niềm yêu thích ban đầu của người viết là điều rất quan trọng. Văn học hay bất kể lĩnh vực nào trong cuộc sống cũng vậy, một khi đã không hứng thú, không đam mê thì sẽ rất khó để chúng ta có thể hân hoan và bước những bước lâu dài trên con đường đó.
Trong số những khó khăn, rào cản đang ngăn trở nhiều tác giả trẻ tiếp cận với đề tài văn học cách mạng thì “môi trường sống”, sự tự vấn bản thân khi nhận thấy chính mình vẫn chưa đủ độ chín để có thể đi sâu vào đề tài rộng lớn này cũng là điều được một số tác giả đề cập tới. Văn học cách mạng chứa đựng trong đó những câu chuyện về lịch sử, chiến tranh, bảo vệ chủ quyền biên cương, hải đảo, những cuộc gặp gỡ, chia ly, hành trình tìm kiếm đồng đội… Đôi khi, chính sự đa dạng của dòng văn học này lại vô tình tạo thành bức rào ngăn bước các tác giả trẻ. Phải chăng đứng trước một đề tài vừa phong phú, vừa đặc sắc thiêng liêng như vậy, họ cảm thấy ngòi bút của mình chưa đủ vững vàng để có thể bước đi một cách tự tin nhất. Triệu Hoàng Giang (tác giả của tập truyện ngắn: “Nghiệp rừng”, “Chim dón dâu”) chia sẻ anh cũng rất quan tâm tới đề tài văn học cách mạng, tuy nhiên, anh nhận thấy mình “chưa đủ độ chín để sáng tác và vẫn đang trong quá trình tìm tư liệu và đọc”.
Mặc dù là nhóm tác giả chưa quan tâm nhiều và cũng chưa có nhiều sáng tác ở dòng văn học cách mạng, nhưng với họ, văn học cách mạng vẫn là dòng văn học có những giá trị riêng không thể tách rời trong tiến trình phát triển chung của văn học Việt Nam. Văn học cách mạng gắn liền với chiều dài lịch sử của dân tộc, gắn với những công lao và hy sinh của các thế hệ đi trước… vẫn luôn là đề tài gợi nhiều suy ngẫm đối với các tác giả trẻ. Dẫu vậy, điểm chung ở nhóm tác giả này là ngay từ ban đầu họ đã kiên định với một mảng đề tài cụ thể, nhất định và có ý thức theo đuổi đến tận cùng đề tài đó trước khi dịch chuyển hướng sáng tác sang đề tài văn học cách mạng. Và dĩ nhiên, lựa chọn sánh bước dài lâu với một đề tài nào đó nằm ở quyết định, lựa chọn của người viết chứ bản thân mỗi đề tài không thể tự mình gõ cửa nhà tác giả và ép buộc họ phải lựa chọn mình làm đối tượng sáng tác.
Trở lại với nhóm tác giả trẻ quan tâm đến dòng văn học cách mạng, họ ý thức một cách sâu sắc trách nhiệm của mình với đề tài này trong vai trò một công dân sống trong thời bình và rộng hơn là vai trò của một người sáng tác văn chương. Vậy còn đối với nhóm tác giả trẻ chưa quan tâm nhiều đến dòng văn học cách mạng thì sao?
Nhiều tác giả trong nhóm này cũng có cùng quan điểm với nhóm tác giả đã và đang quan tâm, sáng tác ở đề tài văn học cách mạng. Tuy nhiên, cũng có một số khác cho rằng, nếu đứng trên góc nhìn của một người sáng tác tự do thì hai từ “trách nhiệm” đôi khi hàm chứa một ý nghĩa mang tính bắt buộc. Do đó, trách nhiệm của một tác giả với văn học cách mạng có thể không chỉ nằm ở việc sáng tác mà đôi khi sự quan tâm, tìm hiểu, “sự đọc” các tác phẩm liên quan đến đề tài này cũng là cách gián tiếp để người viết thể hiện trách nhiệm của bản thân. Điều này cũng có sự tương đồng với quan niệm của tác giả trẻ Hà Hương Sơn: “Tôi là người sáng tác tự do, nên nếu có quan tâm thì tôi chỉ quan tâm với tư cách người đọc”.
Chiến tranh đã lùi xa không có nghĩa là văn học cách mạng không còn chỗ đứng trong lòng những người viết trẻ. Bằng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp nào đó, các tác giả trẻ vẫn đang từng bước khám phá, khơi mở nhiều khía cạnh độc đáo, thú vị xoay quanh văn học cách mạng - một dòng chảy văn học đặc sắc, lâu bền và giá trị.