1. Trong cuộc đời mỗi người ai cũng có một miền quê để sinh ra, một miền quê để lớn lên và một miền quê để thương nhớ. Vũ Bằng cũng vậy! Là nhà văn, lại là một chiến sĩ hoạt động tình báo. Do đặc thù của công việc ông phải đi và sống ở nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc. Nhưng có lẽ mảnh đất Hà Nội, nơi ông sinh ra, lớn lên cũng là nơi để lại trong ông một tâm thức văn hóa sâu đậm nhất. Chính vì vậy, dẫu bao nhiêu năm sống giữa Sài Gòn hoa lệ, khi đất nước còn chia cắt, ông vẫn không thể nào quên cảnh vật, cuộc sống và con người Hà Nội, mảnh đất đã kết tinh những giá trị văn hóa trong sáng tác của ông.
Đọc tác phẩm Vũ Bằng, ta có thể bắt gặp trong đó nhiều mảng hiện thực của đời sống xã hội. Nhưng sinh hoạt văn hóa của Hà Nội là mảng hiện thực đậm nét trong sáng tác của ông. Lý giải điều này, ta không cần tìm đâu xa, ngoài phần Tự ngôn của nhà văn ở “Thương nhớ mười hai”: “Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại, nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông Đào, nhớ sen Linh Đường thơm ngào ngạt của bầu trời nhớ lên, nhớ nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cá Anh Vũ, Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn Phúc, cam Bố Hạ, đào Sa Pa mà nhớ xuống… Càng nhớ như vậy thì càng yêu Hà Nội biết bao nhiêu, lại càng say đắm Bắc Việt biết bao nhiêu!”. Rõ ràng, không có nỗi nhớ cháy lòng như thế, liệu Hà Nội có trở thành một tâm thức văn hóa trong sáng tác của ông?
2. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hơn ai hết, Vũ Bằng luôn lưu giữ những giá trị văn hóa của Hà Nội như lưu giữ những khoảnh khắc hiện hữu của đời mình. Văn hóa Hà Nội đã trở thành tâm thức hiện sinh, thể hiện trong sáng tác của ông thật sinh động và phong phú; đẹp đẽ và quyến rũ, hiện thực và lãng mạn. Đó là thiên nhiên Hà Nội trong thời khắc chuyển mùa với hương thơm của hoa trái gắn với phong cảnh, phố phường, những di tích văn hóa đã làm nên linh hồn của Hà Nội ngàn năm văn hiến mà Vũ Bằng đã ghi lại thật tinh tế và sinh động: “Phải rồi, vào mùa này đây, hoa gạo bắt đầu nở đỏ chói ở ven hồ Hoàn Kiếm, rơi xuống nước xanh, rụng xuống cỏ xanh, ve sầu lột cánh đã kêu rền rền vào buổi trưa; và cứ chiều chiều dân Hà Nội kéo nhau đi dạo quanh hồ, trải chiếu lên cỏ hay dắt nhau đứng giữa cầu Thê Húc nhìn ra những phố Bôn Be, Tràng Tiền hay Hàng Đào, Ngõ Hồ, Cầu Gỗ lập lòe nghìn vạn con mắt điện màu sáng chói”.
Đó còn là vẻ huyền bí và thâm nghiêm của những ngôi đền, ngôi chùa, ngôi đình gắn với bao huyền thoại về lịch sử - văn hóa được Vũ Bằng nhắc đến với một lòng sùng kính thiêng liêng như: đền Ngọc Sơn, Quán Thánh, đền Hàng Trống, đền Quan Phước; là những ngôi chùa như chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, chùa Bà Đá, chùa Liên, chùa Trầm, chùa Hương, chùa Vua… Và những ngôi đình như đình Thiên Hương, đình Ưng… Có thể nói những đền, chùa, đình được Vũ Bằng nói đến trong sáng tác của ông là những giá trị văn hóa gắn liền với lịch sử ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long. Đây cũng chính là những biểu tượng văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống tâm linh không chỉ riêng người dân Hà Nội mà còn là của cả dân tộc Việt Nam. Đó là tâm thức hướng về nguồn cội với những giá trị văn hóa tâm linh, hiếm có nơi nào thiêng liêng như Hà Nội.
Cùng với những ngôi đền, ngôi chùa, ngôi đình, những giá trị văn hóa vật thể được Vũ Bằng thể hiện một cách tinh tế, văn hóa Hà Nội trong sáng tác của ông còn biểu hiện qua các giá trị văn hóa phi vật thể với những sinh hoạt văn hóa trong các lễ hội cổ truyền, những trò chơi văn hóa dân gian như: hội giao duyên, hội thi tài, hội văn chương, hội thượng võ, hội chọi trâu, hội Lim, hội đấu vật… những điệu hát như hát xoan Phú Thọ, hát ghẹo Vĩnh Phúc, quan họ Bắc Ninh…
Mặt khác, đi tìm sắc màu văn hóa Hà Nội trong sáng tác Vũ Bằng, không thể nào, không tìm về những phong tục, tập quán của cư dân Thăng Long. Đây là những nếp sống văn hóa gắn bó tự ngàn xưa, lưu truyền qua nhiều thế hệ và đã trở thành bản sắc văn hóa của người Hà Nội. Đó là tục thờ cúng tổ tiên mà ông hết lòng ca ngợi. Với ông về quê ăn Tết không chỉ là ăn Tết, mà người ta trở về là để thăm mộ gia tiên, thắp hương bàn thờ, khấn vái ông bà, thăm họ hàng làng nước. Vì thế, ông cho rằng đối với tất cả người Việt Nam về quê ăn Tết là “trở về nguồn cội để cảm thông với ông bà tổ tiên, với anh em họ hàng, với đồng bào thôn xóm”. Đó là tục thờ cúng ông Táo được ông tường giải thật có lý có tình không chỉ từ góc nhìn của văn hóa phong tục mà còn từ góc nhìn văn hóa gia đình và xã hội…
Với khát vọng về một cuộc sống an lành, Vũ Bằng còn đề cập đến những tập tục gắn với đời sống tâm linh của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung trong ngày Tết như: tục đi hái lộc, xin xăm, xin quẻ đầu năm để biết “kiết hung”. Theo Vũ Bằng “cái Tết đẹp nhất, mê ly nhất chính là ở vào giây phút thần tiên đó. Lát nữa, cúng kiến trời đất tổ tiên xong rồi, người vợ thoa tí phấn, điểm một giọt hồng lên má rồi bận cái áo nhung màu hoa sim cùng chồng và con mở cửa đi ra đền Ngọc Sơn, rẽ sang đình Hàng Trống, đi lên Hồ Tây, vào đền Quan Thánh, lễ giao thừa, rồi người thì cầm cành lộc, người cầm hương lộc, đi thong thả về nhà, sự mê ly còn gấp trăm gấp ngàn lần nữa”. Và để được sống hạnh phúc, người Hà Nội không chỉ cầu mong điều phúc mà còn biết kiêng những điều dữ. Việc không gọi tên con khỉ, con chó, con lợn vì sợ nói đến tên chúng thì không may mắn, kiêng nói đến tên “cầy” trước khi cúng bái cày, kiêng không viết lách trước khi làm lễ khai bút, kiêng buôn bán hàng trước khi làm lễ tiên sư ở quầy hàng, hay tết hàn thực kiêng dùng bữa, chỉ ăn ròng đồ lạnh… Hay việc “không được quét nhà vì sợ đuổi thần tài ra khỏi cửa, không được đánh vỡ chén bát để tránh đổ vỡ suốt năm, không được khâu vá vì kim chỉ tượng trưng cho công việc làm ăn vất vả”.
Cùng với những phong tục trên có những tập quán đã trở thành sinh hoạt văn hóa trong ngày Tết của người dân Hà thành được Vũ Bằng ghi lại thật tinh tế. Đó là tập quán chơi hoa kiểng trong ngày Tết hay thú chơi tranh. Sau này, dẫu đi học trường Tây hoặc đi phiêu bạc khắp mọi miền đất nước, văn hóa Hà Nội luôn là nỗi ám ảnh trong ông. Vì theo Vũ Bằng, đây cũng chính là một phần của tâm thức văn hóa dân tộc: “Thì ra những bức tranh gà lợn đó không phải chỉ hòa đồng với tôi, mà hòa đồng với vợ, với con tôi như thế, có lẽ vì chúng tượng trưng cho tinh thần dân tộc Việt Nam mà chúng tôi không biết. Tưởng Tết mà vắng những bức tranh ấy mình cảm thấy nhớ nhung. Tết mà không mua tranh ấy dán lên tường, mình thấy chưa phải hoàn toàn Tết”.
Song, ngoài những giá trị văn hóa nêu trên, văn hóa Hà Nội trong sáng tác của Vũ Bằng còn được kết tinh và thể hiện một cách sinh động qua những trang viết về ẩm thực. Với ông, ẩm thực là một trong những giá trị làm nên bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền. Đó cũng là một trong những thành tố góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, là một giá trị khẳng định sự tồn sinh của đất nước quê hương. Mỗi hương vị trong món ăn lại đánh thức một vùng tâm thức với những hoài niệm, những nhớ thương nhiều khi làm xáo động cả tâm hồn. Ta hãy nghe Vũ Bằng chia sẻ: “Quái lạ là cái miếng ngon! Mỗi thứ nhắc lại cho ta những kỷ niệm vui hay buồn, mỗi thứ nhắc lại cho ta một thời kỳ đã qua đi không trở lại. Miếng ngon Hà Nội nhiều biết bao nhiêu! Yêu miếng ngon Hà Nội biết chừng nào! (…) Miếng ngon Hà Nội… tiết ra hương thơm… Hương thơm đó ngào ngạt, quyến luyến như một lời tâm sự của người xưa để lại cho người sau, như một lời ân ái của tình nhân để lại cho tình nhân, như một lời tâm sự của một người anh yêu mến gửi cho cô em gái”.
Vì vậy, văn hóa Hà Nội trong sáng tác Vũ Bằng còn sống dậy từ trong nỗi nhớ cồn cào về hình ảnh “Một bát phở bốc khói lên nghi ngút, một mẹt bún chả thơm ngào thơm ngạt, hay một đĩa bánh cuốn Thanh Trì, để bên cạnh một đĩa đậu rán phồng nóng rẫy lên, tự nhiên cho ta nhớ ra rằng những cái đó đã tạo nên một phần nào linh hồn của Hà Nội”. Để rồi từ những giá trị văn hóa này, Hà Nội đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm thức suốt những năm tháng li hương như ông đã khẳng định: “sở dĩ ta không thể quên được Hà Nội cũng vì những thức ăn đặc biệt Hà Nội đó. (…) Miếng ngon Hà Nội, vì thế, nhiều khi làm cho ta yêu Hà Nội thấm thía, nhớ Hà Nội ê chề, và làm cho ta cảm giác ta là người Hà Nội hơn…” . Chính điều này đã cho thấy rõ quan niệm của Vũ Bằng về giá trị văn hóa ẩm thực của mỗi vùng miền.
Có thể nói đất nước, con người của một vùng quê, không chỉ được thể hiện qua những biểu tượng văn hóa hoành tráng, mà nhiều khi còn được hóa thân vào những món ăn rất đỗi bình thường. Và qua những giá trị văn hóa ẩm thực, ta lại nhận ra hình ảnh đất nước, con người ở vùng miền đó. Điều ấy, có lẽ đã trở thành một hằng số văn hóa, là cội rễ của lòng yêu quê hương đất nước như Vũ Bằng đã xác quyết: “Tôi yêu đất nước tôi vì mỗi vùng có con cá lá rau, những hoa thơm trái ngọt nổi tiếng, và tôi yêu người nước tôi đã khéo biết đem các thức ngon lành nổi tiếng đó làm thành tục ngữ ca dao, muôn đời nghìn kiếp không sao quên được”. Vì vậy, có nhiều món ăn trên đất nước, luôn gắn với địa danh của mỗi vùng miền mà du khách khi đến đó đều ước mong được một lần thưởng thức như: cốm vòng Hà Nội, bún bò Huế, đường phèn Quảng Ngãi, xoài Bình Định, bưởi Đoan Hùng, nhãn Hưng Yên, giò Văn Điển, vịt Bầu Bến, tương Nam Đàn…
Vì thế, văn hóa Hà Nội trong sáng tác của Vũ Bằng không chỉ gợi thức trong chúng ta những giá trị văn hóa của một Hà Nội cổ xưa mà còn gợi thức những giá trị văn hóa của nhiều miền quê khác trên đất nước từ Bắc bộ, Trung bộ đến Nam bộ. Và, ở Vũ Bằng văn hóa Hà Nội cũng chính là hiện thân của tình yêu nước: “… Nhớ đến những quà ấy, không phải là nhớ đến Hà Nội mà thôi, nhưng là nhớ tất cả một dải đồng bằng phì nhiêu Bắc Việt, có sáo sậu nhảy trên lưng bò, với những người nhà quê vạm vỡ cày ruộng, với những cô gái vừa hát vừa quay tơ, với những đứa trẻ chăn trâu, mặt mày lem luốc nhưng trông duyên dáng biết bao! Chao ôi, những sự nhớ nhung đó, sao mà đằm thắm, sâu xa thế! Lòng người ta buồn nhè nhẹ, có phải một phần cũng vì thấy nhớ nước, yêu nước và thương nước hơn không?”. Tìm về văn hóa Hà Nội trong sáng tác của Vũ Bằng là đi tìm một thực thể văn hóa phong phú, sinh động được ông thể hiện hết sức tinh tế và sâu sắc. Đó là một giá trị góp phần khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc.
3. Là một nhà văn có tình yêu thiết tha với Hà Nội, việc Vũ Bằng lựa chọn vấn đề văn hóa Hà Nội phản ảnh trong tác phẩm của mình, không là sự chọn lựa ngẫu nhiên mà là sự chọn lựa có chủ ý. Đó là sự chọn lựa của một tâm thức hiện sinh khi vì “hoàn cảnh”, vì “nhiệm vụ” hoạt động bí mật, ông phải sống xa Hà Nội. Vì vậy, văn hóa Hà Nội trong sáng tác Vũ Bằng là một sự hoài niệm, nhớ thương quê hương Hà Nội, nhớ thướng xứ Bắc dấu yêu, là sự thể hiện ý thức trách nhiệm của một nghệ sĩ - chiến sĩ trong việc đề cao tinh thần tự hào và tình tự dân tộc qua việc ngưỡng vọng, tôn vinh tinh hoa văn hóa nước nhà mà văn hóa Hà Nội là sự kết tinh của nền văn hóa ấy. Bởi lẽ, trong tâm thức người Việt Nam, Hà Nội là cái nôi của văn hóa dân tộc, là nơi tìm về với cội nguồn dân tộc trong hành trình dựng nước và giữ nước.
Nhìn từ bối cảnh toàn cầu hóa xã hội hiện nay, khi văn hóa dân tộc có dấu hiệu của nguy cơ “suy thoái”, đang cần một cuộc “chấn hưng” mạnh mẽ thì vấn đề bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc về một phương diện nào đó cũng là một cuộc đấu tranh cách mạng cần được thức nhận nơi mỗi người con dân nước Việt. Vì thế, việc tìm về những giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa Hà Nội thể hiện qua sáng tác Vũ Bằng là một vấn đề không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn, góp phần thức nhận tình yêu đối với văn hóa dân tộc và ý thức bảo tồn những giá trị trong “dòng sinh mệnh văn hóa” nước nhà mà văn hóa Hà Nội là một hệ giá trị đặc biệt./.
Nội dung: PGS.TS Trần Hoài Anh/ Thiết kế: Bùi Hải
19/08/2024 10:23