PV: Là một người nhiều năm gắn bó với nghệ thuật múa, ông nhận định như thế nào về những giá trị của múa cổ Thăng Long - Hà Nội?
NSND Nguyễn Ngọc Anh: Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội, nghệ thuật múa cổ truyền nổi lên như một biểu tượng văn hóa của đất Thăng Long xưa ngàn năm văn hiến, góp phần tạo nên bản sắc, diện mạo văn hóa cho chốn kinh kỳ. Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội là sự hội tụ nét tinh hoa trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa với các vùng miền cũng như các yếu tố văn hóa ngoại sinh nhằm làm giàu những yếu tố nội sinh. Những giá trị lịch sử và văn hóa của múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội được biểu hiện rõ nét qua các loại hình nghệ thuật múa đã và đang được lưu giữ, bảo tồn ở Thăng Long - Hà Nội.
PV: Được biết, từ hơn chục năm trước Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã khởi xướng chương trình khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm phát huy múa cổ Thăng Long - Hà Nội. Xin ông có thể chia sẻ về một số thành quả mà Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã “gặt hái” được từ hành trình ấy?
NSND Nguyễn Ngọc Anh: Ngay từ năm 2010, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã trình UBND Thành phố và các ban ngành liên quan đề án khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm di sản múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội. Sau khi được phê duyệt và cấp nguồn kinh phí, từ năm 2010 đến 2015, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các nghệ nhân tiến hành nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng được 8 điệu múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội trong tổng số gẩn 100 điệu múa được phát hiện. Đó là các điệu múa: múa Lễ hội làng Phù Đổng ở làng Phù Đổng (huyện Gia Lâm); múa lục cúng ở chùa Đào Xuyên (quận Long Biên); múa giảo long ở làng Lệ Mật, phường Việt Hưng (quận Gia Lâm); múa bài bông ở làng Phú Nhiêu (huyện Phú Xuyên); múa trống bồng ở làng Triều Khúc; múa giải oan cắt kết ở chùa Quang Minh (quận Đống Đa); múa lễ chữ (Thiên hạ thái bình) ở làng Chử Xá, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm); múa rắn lột ở làng Trường Lâm (huyện Gia Lâm)...
PV: Bên cạnh việc nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng múa cổ, chắc hẳn Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã rất chú trọng tới việc lan tỏa giá trị của múa cổ tới đông đảo công chúng?
NSND Nguyễn Ngọc Anh: Đúng vậy, Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội khóa trước chính là những người đặt nền tảng cho việc nghiên cứu, sưu tầm phục dựng và lan tỏa giá trị múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội. Từ kết quả nghiên cứu, sưu tầm Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã xuất bản cuốn sách “Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội” (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) và bộ đĩa DVD mang tên “Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội”.
Đáng chú ý, trong 5 năm (từ 2015 đến 2020), Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã được cấp nguồn kinh phí tổ chức 2 đợt trình diễn 8 điệu múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội tại sân khấu vườn hoa Lý Thái Tổ vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô và Tết cổ truyền. Riêng trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội còn tổ chức chương trình “Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa” ghi được nhiều dấu ấn trong lòng công chúng.
Việc đưa múa cổ Hà Nội trình diễn tại không gian phố đi bộ Hà Nội đã thu hút được khá đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Đây là một cách “làm mới” không gian trình diễn của nghệ thuật múa, góp phần đưa múa cổ Thăng Long - Hà Nội đến gần hơn với công chúng.
Cùng với việc sưu tập những hình thức múa cổ trong các hội làng, các lễ thức dân tộc, việc quảng bá múa cổ cũng đã được Hội chú trọng thông qua việc tổ chức các liên hoan múa cổ, triển lãm. Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã phối hợp với Hội Nhiếp ảnh Hà Nội, Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức triển lãm “Nghệ thuật múa qua ống kính nhiếp ảnh” và “Nhịp điệu múa qua con mắt họa sĩ Hà Nội”. Đặc biệt, Hội còn tích cực vận động, hỗ trợ địa phương có múa cổ xây dựng phòng truyền thống lưu giữ hình ảnh, đạo cụ, phục trang của các điệu múa cổ.
PV: Được biết, cuối năm 2023, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã trình thành phố 5 đề án của 5 hội chuyên ngành, trong đó có đề án “Sưu tầm, bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội”. Phải chăng đề án này là sự tiếp nối hành trình mà Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã khởi xướng và triển khai thực hiện từ trước đó?
NSND Nguyễn Ngọc Anh: Trải qua thăng trầm của thời gian, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội, trong đó có nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội đã và đang bị mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, cùng với quá trình đô thị hóa, quá trình giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, đặc biệt là giữa các nhóm cư dân trong quá trình mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội đã tạo nên những áp lực mới cho công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Bên cạnh đó là những tác động không nhỏ từ mặt trái của nền kinh tế thị trường như hiện tượng thương mại hóa lễ hội, sân khấu hóa các loại hình văn hóa phi vật thể nói chung và nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội nói riêng đã làm mất đi môi trường diễn xướng truyền thống. Không ít các điệu múa bị mất đi giá trị lịch sử và văn hóa được biểu hiện qua tính nguyên sơ, mộc mạc và chất phác vốn có. Đây là một thực trạng đáng báo động khi không gian văn hóa, nơi sinh thành, nuôi dưỡng, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống bị thu hẹp, pha loãng, không đủ sức bảo vệ sự tồn tại và phát huy các giá trị cốt lõi nếu không được quan tâm đúng mức.
Thêm nữa, các nghệ nhân - những người được tôn vinh là "Báu vật nhân văn sống" còn lại quá ít và phần lớn trong số họ tuổi đã cao, sức khỏe yếu. Một số nghệ nhân đã ra đi mà chưa tìm được người tâm huyết để truyền dạy. Còn lớp trẻ ngày nay cũng không mấy “mặn mà” với các hoạt động văn hóa truyền thống ngay tại chính quê hương mình.
Thực tế này cho thấy sự cần thiết phải thực hiện đề án “Sưu tầm, bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội”. Đây cũng chính là cơ sở để Hội VHNT Hà Nội nói chung, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội nói riêng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội.
Việc sưu tầm, nghiên cứu, lan tỏa giá trị của múa cổ là một hành trình “dài hơi”, đòi hỏi sự tiếp nối liên tục. Những nỗ lực trong việc “hồi sinh” múa cổ mà Ban chấp hành cùng hội viên các nhiệm kỳ trước của Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã triển khai thực hiện thời gian qua chính là cơ sở nền tảng, là động lực để BCH nhiệm kỳ sau tiếp nối. Đây cũng chính là sự “nối dài” những tâm huyết, say mê, trách nhiệm với xã hội của các văn nghệ sĩ Thủ đô nói chung, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội nói riêng để múa cổ tiếp tục được gìn giữ và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.
PV: Vậy mục tiêu mà đề án hướng tới là gì, thưa ông?
NSND Nguyễn Ngọc Anh: Mục tiêu tổng quát mà đề án hướng tới đó là đề cao và phát huy vai trò quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành nhằm đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, giữa văn hóa và phát triển. Đồng thời xây dựng chiến lược dài hạn, phát huy vai trò của cộng đồng, các tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội; góp phần giáo dục nghệ thuật truyền thống, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, niềm tự hào về di sản Thăng Long - Hà Nội cho mọi tầng lớp nhân dân.
Mục tiêu cụ thể là xây dựng kế hoạch lưu giữ, truyền dạy và trình diễn 8 điệu múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa của nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội cho nhân dân Hà Nội, du khách trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội và các hoạt động văn hóa xã hội của Thủ đô trong công cuộc đổi mới và hội nhập.
PV: Nếu đề án được thông qua, lộ trình thực hiện sẽ được Hội triển khai như thế nào, thưa ông?
NSND Nguyễn Ngọc Anh: Trong đề án trình thành phố, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp thực hiện cụ thể. Theo đó, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu sưu tầm, lập kế hoạch, bản đồ thống kê toàn bộ di sản múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội; tổ chức nghiên cứu chuyên sâu các thư tịch, điển tích, văn bia cùng các nguồn sử liệu lịch sử có liên quan làm cơ sở khoa học cho quá trình nghiên cứu, sưu tầm; đầu tư có trọng điểm theo kế hoạch từng năm nhằm đảm bảo tính liên tục cho công tác nghiên cứu, sưu tầm mở rộng và phục dựng di sản múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội.
Cùng với việc tổ chức đi sưu tầm các điệu múa cổ, đề án cũng sẽ tập trung cho công tác tổ chức truyền dạy các điệu múa cổ, tập luyện và biểu diễn các điệu múa cổ đã sưu tầm qua đó góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội.
Ngoài ra, Hội sẽ liên kết với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng đề án “Giáo dục nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội trong học đường”; liên kết với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện đề án “Tuyên truyền, quảng bá múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội trên truyền hình”; liên kết với Tổng cục Du lịch thực hiện đề án “Di sản múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội - Một sản phẩm độc đáo của du lịch văn hóa”.
Về giải pháp trước mắt, Hội sẽ xây dựng phương án liên kết với địa phương nơi các nghệ nhân và cộng đồng dân cư đang lưu giữ di sản múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội; Tạo sự thống nhất cao giữa các cơ quan quản lý văn hóa với chủ thể của văn hóa về phương pháp bảo tồn và phát huy di sản múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội; Thực hiện phương pháp bảo tồn “sống”, tức là bảo tồn di sản trong không gian văn hóa tại chính nơi sinh thành của di sản. Đồng thời đầu tư nguồn kinh phí thường xuyên, ổn định, đúng định kỳ cho công tác truyền dạy, luyện tập và trình diễn hằng năm. Đề án nếu được thông qua sẽ có lộ trình thực hiện là 5 năm (dự kiến từ năm 2024 - 2028), sau mỗi năm sẽ có tổng kết, rút kinh nghiệm các hoạt động đã triển khai.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về những mong muốn, kỳ vọng của mình nếu như đề án được triển khai?
NSND Nguyễn Ngọc Anh: Nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội nhằm giới thiệu tới các nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý văn hóa và công chúng Thủ đô những nét tinh hoa trong văn hóa phi vật thể được biểu hiện thông qua nghệ thuật múa cổ truyền của đất kinh kỳ. Việc quảng bá, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội sẽ góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện.
Về phương diện kinh tế, đề án góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của Thủ đô, thúc đẩy ngành du lịch phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của Thủ đô, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế của Thành phố./.
Nội dung: Đặng Thủy/ Thiết kế: Bùi Hải
05/08/2024 10:09