Văn hóa đọc là nét đẹp mang tính truyền thống của nhiều gia đình
Cuộc thi “Gia đình đọc sách - Phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương” năm 2024 đã thành công tốt đẹp. Cuộc thi đã đạt được mục đích lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong mỗi gia đình, cộng đồng, hướng tới xây dựng và hình thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thủ đô.
Nhiều thông điệp ý nghĩa về đọc sách và xây dựng tủ sách gia đình
Sáng ngày 12/10, Thư Viện Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đã tổ chức Lễ trao thưởng Cuộc thi “Gia đình đọc sách - Phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương” năm 2024 chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
Tham dự chương trình có các đồng chí: Đoàn Quỳnh Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch; Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia; Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; Đào Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Trần Tuấn Anh, Giám đốc Thư viện Hà Nội; Bành Thị Mai Phương, Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội.
Phát biểu tổng kết Cuộc thi, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Cuộc thi “Gia đình đọc sách – Phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương” năm 2024 đã tạo được hiệu ứng xã hội rộng lớn và để lại dấu ấn tốt đẹp trong các gia đình. Cuộc thi không chỉ là một sự kiện văn hóa đơn thuần, mà còn là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Cuộc thi hướng tới xây dựng và hình thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; giới thiệu mô hình tủ sách gia đình; khuyến khích tham gia xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, nhằm duy trì bền vững thói quen đọc sách, khơi dậy tinh thần ham đọc sách, coi trọng tri thức, kích thích tinh thần tự đọc, tự học trong mỗi gia đình. Bên cạnh đó, vận động và phát động phong trào tạo lập tủ sách gia đình; biểu dương, tôn vinh, ghi nhận các gia đình, dòng họ và cá nhân điển hình, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Thư viên Hà Nội
Nhận xét đánh giá chung về các tiết mục dự thi, bà Bành Thị Mai Phương, Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội, Trưởng Ban Giám khảo cho biết, Ban Giám khảo đánh giá rất cao video clip của các gia đình tham gia Cuộc thi cấp Thành phố năm nay. Ban Giám khảo khá ấn tượng với những tác phẩm được giới thiệu như: Bộ sách “Con hiểu Luật”, “Sống như những đóa hoa”; “Maxi quiz - Trắc nghiệm toàn diện về Bách khoa tri thức”; “Thăng Long - Hà Nội những điều tôi muốn biết”.
“Đa phần các gia đình đã bám sát vào các yêu cầu của Ban Tổ chức để xây dựng một chương trình có sự đầu tư công phu, có nội dung hấp dẫn và chuyển tải được những thông điệp về đọc sách, về lợi ích trong việc xây dựng tủ sách gia đình, đồng thời kết hợp với các hiệu ứng về hình ảnh để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền cho mỗi phần thi của mình”, bà Bành Thị Mai Phương nhấn mạnh.
Cụ thể, trong màn chào hỏi, các gia đình đã đem đến những tiết mục giới thiệu bằng các hình thức nghệ thuật độc đáo như dàn dựng tiểu phẩm, sáng tác nhạc rap, nhịp phách, thơ ca… Những màn giới thiệu sinh động này đã tạo được ấn tượng tốt và cuốn hút người xem.
Ở phần thi giới thiệu sách, với yêu cầu giới thiệu 01 tác phẩm trong tủ sách, nhiều gia đình đã giới thiệu những cuốn sách hay, phù hợp mọi lứa tuổi với phần thuyết trình rõ ràng, mạch lạc, truyền cảm, kết hợp với việc minh họa bằng những hình ảnh tương tác giữa các thành viên nhiều thế hệ cùng đọc sách, trao đổi về cuốn sách đang giới thiệu đã tạo được không khí gia đình đọc sách rất có ý nghĩa. Điều đó cho thấy văn hoá đọc là nét đẹp có tính truyền thống của gia đình.
Gia đình em Nguyễn Nhã Linh lớp 5K, trường Tiểu học Dịch Vọng A, Cầu Giấy cho rằng, việc đọc sách giúp con người mở rộng hiểu biết, nuôi dưỡng tâm hồn và hoàn thiện bản thân bởi sách là nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại. Để có tri thức thì mỗi người cần rèn luyện thói quen đọc sách thường xuyên. Vì thế, văn hóa đọc cần được xây dựng và bồi đắp từ khi còn nhỏ. Trẻ em cần được tiếp xúc với sách, biết đọc, trân trọng những gì sách mang lại và để ứng dụng những điều bổ ích vào cuộc sống.
Cơ hội để cho các gia đình yêu sách lan toả văn hóa đọc
Cuộc thi được triển khai từ tháng 7/2024 đã nhận được sự đón nhận, hưởng ứng tích cực của các gia đình trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Chỉ sau 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được video clip dự thi từ 74 gia đình tiêu biểu của 22 quận, huyện, thị xã tham gia cuộc thi cấp Thành phố.
Kết quả của Cuộc thi đã chứng minh đây là sân chơi thực sự bổ ích, lý thú đối với các gia đình góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng, giúp văn hóa đọc ngày càng lan tỏa rộng khắp.
Theo nhận xét của Ban Giám khảo, đa số các gia đình đã giới thiệu được những tủ sách có số lượng phong phú, cách sắp xếp hợp lý, khoa học, phù hợp với sở thích của từng thành viên trong gia đình. Qua đó cho thấy, việc xây dựng một không gian đọc sách gần gũi đã góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình cùng đọc, cùng chia sẻ với nhau những điều hay mà nguồn tri thức từ sách mang lại.
Bên cạnh đó, một số gia đình còn chia sẻ cách thức bổ sung lượng sách vào tủ sách gia đình bằng hình thức lập quỹ tiết kiệm tiền hàng ngày, hàng tuần… để mua sách hoặc đến thư viện gần nhà để mượn sách về đọc… Từ đó, khích lệ các gia đình nên có kế hoạch và dành thời gian thích hợp cho việc xây dựng tủ sách gia đình để phục vụ có hiệu quả cho cuộc sống của mỗi người.
Đặc biệt, có những gia đình đã chia sẻ việc định hướng cho con về phương pháp đọc sách, lựa chọn sách phù hợp và hiệu quả, cũng như biết ứng dụng việc đọc sách vào cuộc sống. Sự định hướng của ông bà, cha mẹ đóng vai trò hết sức quan trọng bởi gia đình chính là nơi nuôi dưỡng những mầm non yêu sách, hình thành thói quen ham đọc sách ngay từ khi còn nhỏ cho đến tuổi trưởng thành.
Chia sẻ sau khi tham dự Cuộc thi, ông Nguyễn Bảo Tuấn, đại diện gia đình em Nguyễn Nhã Linh lớp 5K – trường Tiểu học Dịch Vọng A cho biết, từ nhỏ, ông đã được hình thành thói quen đọc sách từ cha mẹ và bây giờ, chúng tôi trao lại tình yêu sách cho con cái. Hiện tại, gia đình tôi đã duy trì được ba thế hệ cùng nhau đọc sách, điều này không chỉ mang lại niềm vui mà còn là một phần quan trọng trong việc phát triển tư duy, trí tuệ cho con cái. Mỗi tuần, tôi luôn dành thời gian để các con được ra hiệu sách gần nhà để thỏa mãn thói quen đọc sách của mình, đồng thời cũng làm phong phú thêm tủ sách cho gia đình. Gia đình chính là tấm gương phản chiếu của con cái, và những gì chúng ta gieo trồng hôm nay sẽ quyết định tương lai của các con.
“Với tôi, Cuộc thi “Gia đình đọc sách - Phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương" năm 2024 không chỉ dừng lại ở một cuộc thi, mà hơn thế, các gia đình yêu sách đã cùng nhau tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ để thúc đẩy văn hóa đọc sách trong toàn xã hội. Tôi mong rằng, sau cuộc thi này mô hình tủ sách gia đình sẽ được nhân rộng để mỗi gia đình đều có kế hoạch xây dựng một tủ sách gia đình góp phần lan tỏa thói quen đọc sách trên mọi nẻo đường và trong mỗi gia đình. Chỉ có như vậy, đất nước mới có thể phát triển thịnh vượng hơn, văn minh hơn và con người Việt Nam sẽ ngày càng ưu tú hơn”, ông Nguyễn Bảo Tuấn bày tỏ.
Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 30 giải, gồm: 01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 06 giải Ba, 20 giải Khuyến khích. Trong đó, giải Nhất được trao cho gia đình em Nguyễn Nhã Linh lớp 5K – trường Tiểu học Dịch Vọng A, Cầu Giấy.
Cuộc thi “Gia đình đọc sách – Phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương” là Cuộc thi lần đầu tiên do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức và triển khai trên địa bàn Thành phố. Cuộc thi nhằm lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong mỗi gia đình, cộng đồng hướng tới xây dựng và hình thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập. Qua đó tôn vinh những giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam, khơi dậy tình yêu đối với sách, khẳng định tầm quan trọng và giá trị của sách trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc./.