Tác giả - tác phẩm

Văn Cao - Phía sau bóng người mảnh mai

Mạc Anh Vân 06:17 08/09/2023

Văn Cao (1923 - 1995) là một nhạc sĩ, một nhà thơ, một họa sĩ, và trên hết, ông là tượng đài nghệ thuật của thế kỷ XX. Để diễn các tác phẩm của Văn Cao không thể gói gọn trong một chương trình, bởi sức sáng tạo của ông là đồ sộ vô cùng. Nhưng ít ai biết rằng, phía sau sức sáng tạo “vạm vỡ” đó, không chỉ là thân hình gầy gò, mảnh mai, trải đầy sương gió…

anh-van-cao.jpg
Nhạc sĩ Văn Cao

Dấu ấn thơ và họa

Từ nhỏ, nhạc sĩ Văn Cao đã sớm bộc lộ tài năng nghệ thuật. Theo nhạc sĩ Văn Thao, con trai lớn của ông thì: “Văn Cao đã làm thơ khi chỉ mới 12, 13 tuổi. Văn Cao đến với thơ trước khi đến với nhạc và họa”. Thơ ông là cõi riêng thổ lộ những suy tư thăng trầm về cuộc đời mình, những chiêm nghiệm trước hiện thực ngặt nghèo mấy mươi năm của một thế kỷ bão táp. “Hồi còn học ở trường Bonal Hải Phòng, Văn Cao tham gia làm một tờ báo cùng các bạn trong lớp. Lúc ấy, ông đã tự tay trình bày báo và biên tập thơ của bạn hữu đăng lên”, nhạc sĩ Văn Thao cho biết thêm.

Nhìn lại sự nghiệp thơ Văn Cao, ta không khỏi ngạc nhiên, khi chỉ trong hơn 10 năm kể từ khi có tác phẩm đầu tiên, từ một nhà lãng mạn cuối mùa, ông đã làm một hành trình dài lao thẳng vào hiện đại như một cánh chim xuyên qua bão táp của những thành kiến trong thời đại mình để trở thành một nhà tiên phong, mở ra một cánh cửa mới cho thơ hiện đại Việt Nam, mà cho đến nay, chúng ta chưa đi hết cung đường mà ông đã vạch ra. Thơ Văn Cao không phải một văn bản chết, cứng đờ trên giấy, mà nó lung linh, sống động và biến hóa tùy theo sức cảm và nghĩ của độc giả.

Sẽ thật thiếu sót nếu viết về Văn Cao mà không nhắc đến những cống hiến của ông trong lĩnh vực hội họa! Khoảng cuối năm 1943, đầu năm 1944, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội học thêm lớp dự thính tại trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông tham gia trưng bày triển lãm “Duy nhất” (Salon Unique - 1944) với ba bức tranh sơn dầu “Cô gái dậy thì”, “Thái Hà ấp đêm mưa”“Cuộc khiêu vũ của những người tự tử”. Các bức tranh đều đạt giải thưởng và ngay lập tức gây chấn động dư luận. Văn Cao tiếp tục thành công với các bức vẽ “Suối tóc”, “Phố Lu”, “Lớn lên trong kháng chiến”,… trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ sau năm 1956, Văn Cao đi vào hướng thẩm mỹ mới, ông làm bìa sách, vẽ tranh minh họa, chân dung. Theo nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân: “Cái nhìn hội họa ở Văn Cao có địa vị dẫn đường và chi phối”, còn nhà văn Đỗ Chu thì nhận định: “Văn Cao vẽ tới đâu, người ta đến rước đến đấy. Có bức bày trong bảo tàng Mỹ thuật, có bức trong nhà ai đó quanh Hà Nội và có bức đã bay ra nước ngoài,…”

Cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam

Dù có rất nhiều những đóng góp cho chặng đường thơ ca và hội họa nước nhà nhưng âm nhạc lại khiến công chúng biết đến Văn Cao nhiều nhất và khẳng định được vị trí cũng như tên tuổi của ông trong thế kỷ XX. Văn Cao bắt đầu sự nghiệp sáng tác âm nhạc nhạc khi mới 17 tuổi và ông xuất hiện khi nền âm nhạc nước nhà vẫn đang trong giai đoạn hình thành. Âm nhạc của ông tinh tế về giai điệu, phong phú về tiết tấu, thể hiện được sự sang trọng nhưng lại hết sức trong sáng về nội dung ca từ. Các sáng tác của Văn Cao trải dài đa thể loại, dần đi vào tiềm thức cộng đồng và trở thành hồn cốt dân tộc.

Có thể ví von Văn Cao như một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Điều đặc biệt ở Văn Cao mà có lẽ không một nhạc sĩ đương thời nào có được là ở chỗ từ thiên hướng lãng mạn, chỉ trong một thời gian ngắn, ông chuyển sang và thành công ở cả thể loại trường ca và hành khúc. Xu hướng lãng mạn ở Văn Cao thể hiện sinh động qua việc tạo nên một không gian tinh khiết, một cõi vắng xa hoặc sa vào kỷ niệm với những lưu luyến, nhớ tiếc về tình yêu dang dở và sự chia ly. Âm điệu lúc dịu êm, tha thiết, ngân vọng, lúc lại lắng sâu vào những nỗi niềm u uẩn. Có thể kể đến ca khúc “Buồn tàn thu” được ông sáng tác đầu tay năm 17 tuổi, hay “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Thu cô liêu”, “Trương chi”, “Bến xuân”,… Khi điệu tâm hồn đã khác, ông xa dần với những bản tình ca và bắt đầu viết về lịch sử, về dân tộc, về cái khí thế hào hùng của thời đại. Những tác phẩm gây ấn tượng như “Gò Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca” đã đưa Văn Cao đến với Việt Minh.

Trong những năm sau Cách mạng, Văn Cao tiếp tục mạch hùng ca và sáng tạo nên những nhạc phẩm được xếp vào hàng kiệt tác như “Trường ca sông Lô” - bản trường ca đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc. Nói như vậy bởi bản trường ca bao quát được cảm xúc từ đau thương, tự hào đến hạnh phúc; thể hiện được vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của thiên nhiên đồng thời nói lên sức sống bất diệt của con người Việt Nam. Bản trường ca có cấu trúc vô cùng lớn và đa dạng trong giai điệu, thể hiện thông qua việc 6 lần chuyển điệu. Hơn nữa, sự chuyển giọng và chuyển giọng tạm (ly điệu) trong bài còn diễn ra hết sức đột ngột, từ trưởng sang thứ, và từ chủ âm sang hạ át. Theo nhận định của cố nhạc sĩ Phạm Duy: “Về hình thức, bài hát chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây phương. Bài hát này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc.” Hơn thế nữa, “Trường ca sông Lô” là bài hát đầu tiên của chúng ta, là một tuyệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao (như tôi) đã học hỏi được rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giàu cho âm nhạc Việt Nam”, nhạc sĩ Phạm Duy nhấn mạnh thêm.

Chứng kiến cả một hành trình dài chìm trong bom đạn của dân tộc, các tác phẩm của Văn Cao luôn hướng đến sự chân thực và sâu sắc. Mặc dù tả thực ở thời điểm chiến tranh toàn quốc nhưng âm nhạc của ông luôn dấy lên tinh thần lạc quan, niềm hi vọng về một tương lai tươi đẹp. Có thể kể đến ca khúc “Làng tôi”, sáng tác năm 1947. Bài hát hiện lên hình ảnh giặc Pháp tràn tới làng quê đốt phá, tàn sát dân lành, nhưng bằng việc sử dụng nhịp valse 6/8, giọng đô trưởng (C-dur), giai điệu của toàn bài lại toát lên sự vui vẻ, lạc quan, thể hiện niềm tin mãnh liệt vào ngày mai chiến thắng, gieo vào lòng người nghe lòng tin vào tương lai: “Ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn/ Đường ngập bao xương máu tơi bời/ Đồng không nhà trồng tan hoang/ […]Giặc chưa tan chiến đấu không thôi/ Đồng quê chào đón ngày mai”.

Thông thường, điệu thức thứ diễn tả màu sắc trầm, buồn, u tối trong âm nhạc; trong khi điệu thức trưởng tập trung mô tả nét giai điệu vui vẻ, tươi sáng. Ấy vậy mà Văn Cao “dựng” lên hình ảnh ngôi làng hoang tàn bom đạn trên nền nhạc đô trưởng vui tươi, khoẻ khoắn. Dường như, việc không dựa theo những quy tắc giới hạn trong âm nhạc đã khiến Văn Cao tạo ra được hiệu ứng vô cùng tích cực và sự thành công trong lòng khán giả là vô biên.

anh-van-cao-2.jpeg
Bìa tạp chí Văn nghệ (tiền thân của báo Văn Nghệ) do Văn Cao minh họa.

Các ca khúc được viết trong thời kỳ bom đạn tan tác, đau thương thể hiện thông qua điệu thức trưởng của nhạc sĩ Văn Cao không phải hiếm. Tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng mãnh liệt đó của ông còn được thể hiện sâu sắc hơn thông qua bài hát “Tiến về Hà Nội”. Điều đặc biệt là bài hát được sáng tác trước ngày giải phóng 5 năm, nhưng từng chi tiết, bối cảnh lại chính xác đến lạ kỳ. Cái tinh tế đáng quý trong tinh thần sáng tác của Văn Cao là cảm nhận sự hy vọng mãnh liệt vào niềm vui chiến thắng của toàn dân tộc để biến điều đó thành sự “tiên tri”, đồng thời cho thấy tinh thần và quan điểm sáng tác của Văn Cao vượt trước thời đại.

Vĩ thanh

Trải qua mấy mươi năm nhưng âm nhạc của Văn Cao không chỉ đặt nền móng cho nền âm nhạc Việt Nam mà đó vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, kết nốt tinh hoa thời đại cho đến tận bây giờ. Thật vậy, các tác phẩm của Văn Cao không chỉ đồ sộ về mặt số lượng, đa dạng về thể loại mà còn có tầm ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều thế hệ, thời đại. Bất cứ một công dân Việt Nam nào đều có thể thuộc và hát lên một cách giàu cảm xúc một vài tác phẩm của Văn Cao, ở thể loại hành khúc là “Tiến quân ca” - tác phẩm được chọn làm quốc ca Việt Nam; thể loại trường ca với “Trường ca sông Lô” vang bóng thời đại; hay thể loại tình ca “Mùa xuân đầu tiên” - dù là lãng mạn nhưng không bi, không luỵ.

Theo nhà văn Tạ Duy Anh: “Lịch sử Việt Nam đã dành cho nhạc sĩ, nghệ sĩ Văn Cao một vị trí vô cùng đặc việt và độc đáo. Đặc biệt vì ông không chỉ là nhân vật có sức ảnh hưởng lâu dài về mặt văn hóa, mà còn là một nhân vật luôn có khả năng làm sống lại ký ức hàng triệu người một thời đại bi hùng, đầy biến động của đất nước. Độc đáo, vì cả khi không còn trên cõi đời, ông vẫn đồng hành với chúng ta trong mọi niềm vui, nỗi buồn. Nhưng trên hết, ông là một người yêu nước, yêu con người, yêu quê hương, yêu tiếng Việt, yêu tâm hồn Việt và yêu cái đẹp”.

Với những đóng góp của mình, ông vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I.

Đó không chỉ là Văn Cao vang bóng một thời, đó là tượng đài văn hóa thời đại./.

Bài liên quan
  • Thêm hai tập thơ ngộ nghĩnh, đáng yêu viết cho trẻ nhỏ
    Hai tập thơ thiếu nhi mang tên “Khu vườn màu xanh” và “Bé tập làm người lớn” vừa được Nxb Phụ nữ Việt Nam giới thiệu tới bạn đọc. Tác giả của hai tập sách này là Châu An Khôi – một kiến trúc sư và cũng là bố của 3 bạn nhỏ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật các câu lạc bộ nhiếp ảnh Hà Nội năm 2024
    Sáng 15/5, tại Phố Sách 19/12, Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội phối hợp cùng các câu lạc bộ (CLB) nhiếp ảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc “Liên hoan ảnh nghệ thuật các câu lạc bộ nhiếp ảnh Hà Nội” với chủ đề “Việt Nam - Đất nước - Con người”.
  • Tổ chức Giải Báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố Hà Nội lần thứ VII năm 2024
    “Giải Báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội thứ VII - năm 2024”  khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội nói riêng; Đồng thời thiết thực hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp tổ chức hằng năm.
  • Ngân vang niềm tự hào dân tộc
    Dàn dựng công phu, các tiết mục múa hát của những cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Hà Nội trình diễn tại Trung tâm Văn hóa Thành phố (số 7 Phùng Hưng, quận Hà Đông) tối 13/5, đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, vừa là sự tri ân thế hệ cha anh ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh để Việt Nam có được như hôm nay.
  • Hà Nội hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua VNeID
    Sáng nay 15/5, tại Kỳ họp thứ 16, HĐND TP Hà Nội khóa XVI thông qua Nghị quyết ban hành Quy định hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn TP Hà Nội.
  • Khai mạc Hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024
    Lễ hội Gióng đền Phù Đổng là hội trận, được vua Lý Công Uẩn cho khởi tạo và tổ chức từ thời Lý. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 9 tháng Tư âm lịch hằng năm, nhằm tái hiện lại các trận đánh oai hùng của Thánh Gióng - người con của làng Phù Đổng đánh giặc ngoại xâm phương Bắc.
Đừng bỏ lỡ
Văn Cao - Phía sau bóng người mảnh mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO