Nhiều công trình sai phạm, chính quyền địa phương có đang "nhắm mắt làm ngơ"?
Hàng loạt công trình trong khu đất dịch vụ 6,9ha, huyện Hoài Đức đã được chủ đầu tư (CĐT) cố tình xây dựng sai so với giấy phép được cơ quan chức năng cấp. Tuy nhiên, thay vì cương quyết xử phạt, tháo dỡ phần sai phép, thì cơ quan chức năng địa phương lại "ngó lơ", mặc dù người dân địa phương đã kiến nghị nhiều lần.
Trước đó, theo một số người dân tại khu 6,9 ha, huyện Hoài Đức, phản ánh, có không ít công trình xây dựng sai phạm, phá vỡ quy hoạch. Theo ghi nhận của PV, tại đây một loạt công trình có dấu hiệu xây dựng sai phép, sai mật độ, sai quy hoạch... làm mất mỹ quan, phá vỡ quy hoạch ảnh hưởng trật tự xây dựng và văn minh đô thị.
Một số công trình xây dựng sai phép vượt tầng, vượt chiều cao tại khu 6,9ha
Để làm rõ việc xây dựng sai phép theo phản ánh của người dân, PV đã liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND xã Vân Canh. Ông Nguyễn Hải Ninh – cán bộ địa chính,chia sẻ: “hiện nay tại khu đất dịch vụ 6,9 ha đang có một số công trình xây dựng sai phép, vượt tầng và có 01 công trình không phép, chúng tôi đã cho kiểm tra, lập biên bản và xử phạt hành chính. Đến nay vẫn đang trong quá trình xử lý, làm thủ tục điều chỉnh giấy phép”.
Văn bản xử lý vi phạm nhưng không được thực thi
Mặc dù chính quyền địa phương đã ban hành Quyết định xử phạt, nhưng theo ghi nhận của phóng viên các công trình sai phạm này vẫn tiếp tục được thi công xây dựng. Phải chăng chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự cương quyết trong việc xử phạt, lơ là công tác quản lý?
Trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý?
Trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý trật tự xây dựng được quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, có hiệu lực thi hành từ 03/3/2021.
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã “Chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra “Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đua vào sử dụng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng phải yêu cầu dừng thi công, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định”.
Trước đó, tại TP. Hà Nội, ngày 18/3/2019, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND về quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo đó, UBND cấp huyện sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND thành phố về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. UBND cấp xã sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND cấp huyện về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm chính.
Tại Thông báo số 2354-TB/TU ngày 29/11/2019, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND Thành phố, trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai. Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở đối với việc phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai…
Việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng được lãnh đạo UBND TP Hà Nội chỉ đạo rất quyết liệt bằng nhiều văn bản và trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về người đứng đầu địa phương. Theo đó, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.
Phải chăng, đã đến lúc các cấp chính quyền cần phải cương quyết hơn nữa đối với những trường hợp cố tình vi phạm; xử lý nghiêm minh với cán bộ, công chức tại các địa bàn “nóng” về vi phạm trật tự xây dựng để đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý đô thị, đảm bảo trật tự xây dựng và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô.