Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị. Ảnh: Viết Thành |
Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, các tổng công ty trực thuộc thành phố; chủ tịch, phó chủ tịch UBND, trưởng ban, ngành thuộc các quận, huyện, thị xã; chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phụ trách công tác đô thị và trưởng công an phường, xã, thị trấn.
Hội nghị đã thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ và kết quả thực hiện 188 nhiệm vụ tại Chương trình hành động số 34/CTr-UBND ngày 28-1-2018 của UBND thành phố về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo báo cáo của UBND thành phố, 6 tháng đầu năm 2018, kinh tế vĩ mô của Hà Nội tiếp tục ổn định; thu hút đầu tư đạt khá; các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động tốt, bảo đảm cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh. Giá cả hàng hóa và dịch vụ ổn định; công nghiệp, thương mại và du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ; nông nghiệp phát triển khá; các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tính theo phương pháp tính mới tăng 7,07% (theo phương pháp cũ là tăng 7,78%), mức cùng kỳ là 6,64%. Trong đó, dịch vụ tăng 7,04% (cùng kỳ là 6,47%); công nghiệp - xây dựng tăng 7,72% (cùng kỳ là 7,14%); nông - lâm - thủy sản tăng 2,99% (cùng kỳ là 2,92%).
Về công tác cải cách hành chính và kiểm tra công vụ của thành phố 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục có sự chuyển biến tích cực và rõ nét, được trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 xếp thứ 13/26 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2016. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 3 bậc so với năm 2016. Để triển khai hiệu quả chủ đề công tác “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”, nhằm tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, Sở Nội vụ đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 16-4-2018 về tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội và Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 26-2-2018 về triển khai thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”.
Tính đến ngày 20-6-2018, Đoàn kiểm tra công vụ thành lập theo Quyết định số 767/QĐ-UBND ngày 12-2-2018 của UBND thành phố đã tiến hành kiểm tra công vụ công vụ đột xuất đối với 25 cơ quan, đơn vị. Các đoàn kiểm tra công vụ tại các cơ quan, đơn vị kiểm tra 527 lượt đơn vị trực thuộc. Công tác kiểm tra công vụ được tổ chức thường xuyên, có chiều sâu, tập trung vào những vấn đề bức xúc của công dân, tổ chức và doanh nghiệp hoặc những vấn đề được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo; góp phần nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, tác phong, nền nếp làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh của người dân và doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng không có trường hợp công dân, tổ chức, cá nhân phản ánh về việc gặp khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thay mặt UBND thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng đã công bố Quyết định số 3492/QĐ-UBND ngày 3-7-2018 của UBND thành phố phê duyệt và công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các sở, cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã.
Đối với 30 quận, huyện, thị xã; quận Nam Từ Liêm đạt điểm số cao nhất với 90,35 điểm; quận Bắc Từ Liêm xếp thứ hai với 89,61 điểm; quận Long Biên xếp thứ ba với 89,25 điểm. Tiếp theo là quận Hoàn Kiếm (87,40 điểm); quận Thanh Xuân (86,43 điểm); quận Hà Đông (86,34 điểm); quận Hai Bà Trưng (84,65 điểm); quận Ba Đình (84,48 điểm); quận Cầu Giấy (83,31 điểm); huyện Gia Lâm (83,16 điểm); huyện Mỹ Đức (82,90 điểm); quận Tây Hồ (82,01 điểm); quận Hoàng Mai (81,83 điểm); huyện Thanh Trì (81,82 điểm); thị xã Sơn Tây (81,50 điểm); huyện Thạch Thất (80,41 điểm); huyện Chương Mỹ (80,02 điểm); huyện Thường Tín (79,67 điểm); quận Đống Đa (79,53 điểm); huyện Thanh Oai (79,56 điểm); huyện Đan Phượng (79,17 điểm); huyện Phúc Thọ (79,13 điểm); huyện Đông Anh (79,07 điểm); huyện Phú Xuyên (79,05 điểm); huyện Ba Vì (78,58 điểm); huyện Quốc Oai (77,84 điểm); huyện Hoài Đức (77,78 điểm); huyện Ứng Hòa (77,34 điểm); huyện Mê Linh (75,62 điểm); huyện Sóc Sơn (72,55 điểm).
Khoảng 500 công nhân ứng trực để tổ chức vớt cá chết ở Hồ Tây
Báo cáo về hiện tượng cá chết hàng loạt tại hồ Tây, đại diện Ban Quản lý hồ Tây cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, chiều 8-7, các đơn vị chức năng TP Hà Nội đã chỉ đạo Công ty Khai thác cá hồ Tây kiểm tra, thu vớt cá chết và dọn dẹp vệ sinh môi trường. Đến nay các lực lượng chức năng đã vớt, vận chuyển được hơn 20 tấn cá chết về khu xử lý rác Nam Sơn.
Nguyên nhân ban đầu dẫn đến hiện tượng cá chết được các cơ quan chức năng xác định là do thời tiết thay đổi bất thường, sau đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, chiều 7-7 có mưa dông. Ngoài ra, kết quả khảo sát gần bờ cũng cho thấy hàm lượng oxy trong nước hồ thấp, hàm lượng oxy khu vực giữa hồ vẫn bảo đảm.
Báo cáo Chủ tịch UBND thành phố về việc này, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, ngay khi vụ việc xảy ra, Sở đã tiến hành kiểm tra, qua đó thấy lượng nước thải vào hồ ít, mương Thụy Khuê cơ bản đã hoàn thành, nên dẫn dòng tốt. Hiện, khối lượng cá chết khoảng 25 tấn. Sở Xây dựng cùng quận Tây Hồ sẽ có biên bản thống nhất đề xuất với thành phố phân công một đầu mối quản lý, vệ sinh môi trường hồ Tây.
Sở Xây dựng cũng đề nghị, các quận, huyện khác rà soát môi trường các hồ trên địa bàn được phân cấp về cải tạo hệ thống hạ tầng xung quanh, cải tạo hệ thống thu gom nước thải để có phương án cải thiện môi trường nước bền vững...
Từ 21h ngày 8-7, khoảng 500 công nhân đã ứng trực để tổ chức vớt cá chết. Hiện, các cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi, khảo sát các thông số khác về nước tại hồ Tây. Chủ tịch UBND thành phố cũng đã giao quận Tây Hồ chủ động vớt hết cá chết. Các quận, sở, ngành cần hỗ trợ để sớm hoàn thành việc vớt, vận chuyển cá chết, không ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận hội nghị. |
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại: Thu ngân sách chưa bền vững; tăng trưởng trong nông nghiệp chưa cao; công tác đấu giá quyền sử dụng đất và đất xen kẹt ở các quận, huyện còn chậm; nợ đọng còn nhiều; giải ngân xây dựng cơ bản chậm; thái độ của một số cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục cho người dân còn để xảy ra sự cố; việc cắt giảm thủ tục hành chính của các đơn vị còn chậm; thu gom, xử lý rác chưa tốt; vỉa hè còn bị lấn chiếm; chất lượng xây dựng công trình cơ bản, trong đó có công trình từ nguồn vốn đầu tư công, ở một vài nơi chưa bảo đảm, chưa quyết toán được... Đáng lo ngại là đã có những phản ánh, đơn thư về công tác chỉ đạo, điều hành của một số đơn vị, cho thấy dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ. Ngoài ra, việc xử lý khiếu nại, tố cáo; số hóa dữ liệu... còn chậm.
Về yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tháng 7 và những tháng tiếp theo, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các đơn vị, quận, huyện, thị xã rà soát các chỉ tiêu về thu ngân sách để đôn đốc thu, nhất là các khoản đấu giá quyền sử dụng đất, giá đất dịch vụ...; đôn đốc công tác giải ngân xây dựng cơ bản; tháo gỡ khó khăn về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ, nhất là với các công trình trọng điểm.
Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: "Sẽ thống kê để xử lý một số cán bộ, chuyên viên có sai phạm, thiếu tinh thần trách nhiệm và dứt khoát điều chuyển một số cán bộ không bảo đảm chất lượng công việc". Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã phải báo cáo các vướng mắc trong đầu tư, xây dựng cơ bản; cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tiến độ, chất lượng các công trình xây dựng cơ bản.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, Sở Nội vụ đôn đốc kiểm tra công tác thi hành công vụ; tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ xã, lãnh đạo cấp phòng; rà soát vị trí việc làm của các đơn vị đã sắp xếp; cắt giảm thủ tục hành chính; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, phấn đấu đạt 60% vào cuối năm 2018; nghiên cứu, sáp nhập các ban chỉ đạo. Các đơn vị, địa phương cần chủ động trực tiếp kiểm tra các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài, không để hình thành điểm nóng, không để bị lợi dụng gây dư luận xấu. Sở Nội vụ cũng phải chủ trì cùng các sở, ngành tham mưu thành lập lực lượng chuyên trách quản lý công tác an toàn thực phẩm theo chủ trương đưa vào một đầu mối.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, Công an thành phố chủ trì tấn công mạnh mẽ các loại tội phạm với giải pháp cụ thể, nhất là tội phạm trộm cắp, móc túi, xâm hại trẻ em, khai thác cát trái phép; cùng Sở Giao thông – Vận tải kiểm tra xử lý các điểm trông giữ xe trái phép. Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường phải thường xuyên kiểm tra công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; kiểm tra, xử lý lấn chiếm lòng đường vỉa hè; đôn đốc việc sửa chữa nhà cho người nghèo; triển khai hoạt động các đội thanh tra xây dựng.
Sở Xây dựng cần chủ trì bảo đảm cung cấp nước sạch cho nhân dân, nhất là trong những ngày nắng nóng. Tổng Công ty Vận tải phải tăng tuyến xe buýt kết nối các khu đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp; nghiên cứu các chính sách để thu hút khách đi xe buýt 2 tầng. Giao Sở Giao thông – Vận tải khẩn trương đấu thầu dịch vụ I-parking, đấu thầu trang trí, quảng cáo hơn 500 điểm dừng xe buýt, hoàn thiện và quản lý nhà vệ sinh công cộng... Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải chấn chỉnh, kiểm điểm Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông về kỷ luật phát ngôn. Bên cạnh đó, Sở cần đôn đốc kiểm tra xe quá khổ, quá tải, xe chạy xuyên tâm; phối hợp với đối tác để lắp đặt hệ thống đèn giao thông thông minh; xem xét chính sách cho xe chở vật liệu xây dựng.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, các đơn vị đôn đốc việc thực hiện các kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, nhất là xử lý cá nhân sai phạm, thu hồi tài sản. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính cần phối hợp khẩn trương hoàn thành các thủ tục để thanh toán phí đường truyền trong tháng 7 cho các nhà cung cấp dịch vụ. Sở Du lịch chủ trì khẩn trương triển khai Đề án du lịch thông minh. Các đơn vị triển khai rà soát sắp xếp lại các ban chỉ đạo công nghệ thông tin. Chủ tịch UBND thành phố đồng ý cho triển khai dịch vụ giám sát phòng cháy, chữa cháy và việc vận hành hệ thống thang máy tại các tòa nhà cao tầng.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các đơn vị, sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã kiểm tra cơ sở vật chất, vật tư dự trữ, rà soát phương án, bố trí ứng trực cho công tác phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ. Sở Y tế phải chủ trì, khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống dịch sởi và dịch sốt xuất huyết; tổ chức tuyên truyền phòng chống đuối nước...
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung lưu ý, các đơn vị, địa phương cử cán bộ, đoàn đi nước ngoài phải có chương trình, nội dung cụ thể, phối hợp với Sở Ngoại vụ. Sở Văn hóa và Thể thao phải chủ động xây dựng lịch hoạt động văn hóa – nghệ thuật cụ thể tại không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đến năm 2019; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch cần chuẩn bị cho việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư với đối tác nước ngoài trong đầu năm 2019. Các quận, huyện chủ động phối hợp sắp xếp lại quầy hàng bán hoa quả. Sở Công Thương nghiên cứu, xây dựng để trình quy định về tiết kiệm năng lượng. Sở Xây dựng xây dựng để trình quy định về quản lý rác thải. Về nhu cầu xây dựng các bãi đỗ xe, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội sẽ mời các đơn vị nước ngoài tham vấn, hợp tác, xây dựng mô hình bãi đỗ xe tại một số nơi cấp bách. Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý, các đơn vị triển khai chấm điểm đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ 1-7 theo chỉ đạo của Thành ủy.