Từ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, Hà Nội cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới
“Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, Thủ đô Hà Nội đã có tầm vóc, vị thế xứng đáng, tiềm lực đủ mạnh; ngày càng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong cả nước, sự hợp tác quốc tế hiệu quả” - GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định.
Nội dung trên được GS.TS Phùng Hữu Phú nêu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu” nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của Thủ đô
“70 năm, kể từ ngày Thủ đô Hà Nội cùng miền Bắc được giải phóng, Thành phố đã phát triển toàn diện, vượt bậc. Đó là quá trình Đảng bộ, nhân dân Hà Nội phấn đấu, lao động, sáng tạo không mệt mỏi dưới sự lãnh đạo của Đảng; là quá trình hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển Thủ đô” - GS.TS Phùng Hữu Phú, nói.
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Phùng Hữu Phú cũng khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền tảng định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội, cùng đó công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng. Chủ trương của Bộ Chính trị khóa VIII đánh dấu bước phát triển mới trong định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội.
Bước vào thế kỷ XXI, sự phát triển sâu rộng của toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, khoa học công nghệ trên thế giới; những thành tựu quan trọng của đất nước, của Thủ đô Hà Nội sau 15 năm đổi mới, đặt ra yêu cầu và tạo tiền đề để Đảng hoàn thiện chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội. Quá trình hoàn thiện này được thể hiện qua hai thời đoạn: 2000 - 2008 (trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính) và 2008 - 2024 (sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính).
Trong thời đoạn 2008 - 2024, quán triệt tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị; căn cứ vào Pháp lệnh số 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nhằm khai thác những nhân tố quốc tế thuận lợi sau khi Việt Nam tham gia WTO, ngày 29/5/2008, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về “Mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh thành liên quan”. Theo quyết định của Quốc hội, Thủ đô Hà Nội có thêm những nguồn lực phát triển với qui mô mới, tầm vóc mới. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng và quyết định của Quốc hội, ngày 26 tháng 7 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1259 phê duyệt qui hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Để định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh, bền vững, tương xứng với qui mô được mở rộng, với tầm vóc, vị thế Thủ đô của đất nước gần 100 triệu dân, không ngừng lớn mạnh sau gần 40 năm đổi mới; để nắm bắt những vận hội, thời cơ phát triển, trong thời đoạn 2008-2024, Bộ Chính trị khóa XI, XIII đã ban hành hai Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 11- NQ/TW (năm 2012) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020” và đặc biệt là Nghị quyết số 15/NQ-TW, ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tần nhìn đến năm 2045”.
GS. TS Phùng Hữu Phú khẳng định, hai Nghị quyết này đã kế thừa, phát triển tư tưởng của các văn kiện trước, hoàn thiện về cơ bản chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội với tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, vừa phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tiễn của Thủ đô, đất nước, vừa thuận theo xu hướng phát triển của thời đại. Đặc biệt gần đây, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) trao nhiều quyền tự chủ với những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển bứt phá.
Qua 70 năm xây dựng, phát triển, Thủ đô Hà Nội đã có tầm vóc, vị thế xứng đáng
“Đến thời điểm 2024, sau 70 năm Hà Nội giải phóng, Đảng, Nhà nước đã ban hành một hệ thống văn bản đồng bộ, hoàn chỉnh, thể hiện sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với Thủ đô. Hệ thống các văn bản đó đã đặt cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc và xác định rõ những định hướng ở tầm chủ trương, quan điểm, nguyên tắc, phương châm làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho công cuộc phát triển Thủ đô” - GS. TS Phùng Hữu Phú, đánh giá.
Trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước về Thủ đô Hà Nội đã nêu những quan điểm chỉ đạo phù hợp với từng giai đoạn phát triển, tổng hợp lại thành một hệ thống tư tưởng chỉ đạo, phương châm phát triển nhất quán, hoàn chỉnh, có giá trị định hướng về nhận thức, hành động.
Thứ nhất, phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, trực tiếp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội. Thứ hai, chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội phải đặt trong quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội vùng và cả nước; với chiến lược phát triển đô thị quốc gia; với chiến lược hội nhập quốc tế và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên cơ sỏ phân công, hợp tác có kế hoạch thống nhất trên phạm vi cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Thứ ba, nâng cao nhận thức; hoàn thiện thể chế phát triển toàn diện, đồng bộ; tạo sự đột phá trong huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực, sức mạnh tống hợp, trong đó, phát huy lợi thế của Thủ đô kết hợp với nguồn lực của cả nước là quyết định, tranh thủ nguồn lực từ hợp tác quốc tế là quan trọng, đặc biệt chú trọng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Nội làm nền tảng, nguồn lực, động lực phát triển. Thứ tư, phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh, bền vững, hài hòa giữa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý đô thị, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữa thiên nhiên - xã hội - con người. Thứ năm, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, gương mẫu, tiêu biểu; xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô.
GS.TS Phùng Hữu Phú nhận định, từ những phương hướng lớn, Đảng, Nhà nước đã gợi mở những định hướng phát triển trên các lĩnh vực quan trọng, những nhiệm vụ trọng tâm, những nhóm giải pháp chủ yếu, tạo điều kiện để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hà Nội có cơ sở vững chắc vận dụng, phát triển sáng tạo, phấn đấu xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa ngày càng văn minh, hiện đại.
Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, Thủ đô Hà Nội đã có tầm vóc, vị thế xứng đáng, tiềm lực đủ mạnh; có môi trường thể chế thông thoáng, môi trường quốc tế thuận lợi và ngày càng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong cả nước, sự hợp tác quốc tê hiệu quả.
“Đảng bộ, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hà Nội đã trưởng thành vượt bậc, tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm phong phú, quí báu. Đó chính là những tiền đề vững chắc để Hà Nội phát triển bứt phá, trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, cùng cả nước tiến mạnh vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ” - GS.TS Phùng Hữu Phú tự hào, chia sẻ./.