Đã một thời, các thế hệ học sinh, sinh viên đã chép tặng nhau bài thơ “Hoa sữa” của Nguyễn Phan Hách, qua đó gửi gắm chút bâng khuâng tình yêu đầu đời: “Tuổi mười lăm, em lớn từng ngày/ Một sớm mai, em bỗng thành thiếu nữ/ Hôm ấy mùa Thu, anh vẫn nhớ/ Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ/ Tình yêu đầu mang hương sắc mùa Thu…”.
Vì vậy chả cứ gì phố Quang Trung, Nguyễn Du, Quán Thánh, giờ đây cứ đêm xuống là khắp thành phố nồng nàn mùi hoa sữa. Chỉ cần đầu phố, cuối thôn có một cây sữa, thì mùi hương đã tỏa khắp ngõ ngách, theo gió bay vào tận phòng ngủ. Với người yêu thích, đó là một sự quyến rũ; nhưng những ai bị dị ứng phấn hoa, đó là cực hình. Chả thế mà dân gian đã xuyên tạc câu hát của nhạc sĩ Hồng Đăng: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, thành: Hoa sữa vẫn nồng nặc đầu phố…”!!!
Những ngày cuối tháng 10 này, hoa sữa đang độ rộ, đêm xuống không ít người bị mất ngủ vì giống dạ hương này, trong số đó có cô em họ nhà tôi. Ở vùng chiêm trũng miền Trung quê nó, quanh nhà chỉ có bờ tre khóm chuối, mùa này về đêm có chăng chỉ mùi hương cỏ dại, mùi rơm rạ hoai mục mà thôi. Từ lúc chuyển về Thủ đô sinh sống, nó đã phải chuyển chỗ trọ mấy bận, cũng vì không chịu được mùi hoa sữa. Vậy là cứ Thu về, hương hoa sữa nồng nàn là lăn ra ốm, dù không nặng đến mức nhập viện, nhưng nhìn vào nó, người ta tưởng nó bị xoang kinh niên. Điệp khúc chuyển nhà trọ bắt đầu diễn ra. Mà mỗi bận nó chuyển chỗ ở, tôi lại trở thành “cửu vạn” bất đắc dĩ. Sau dăm bận chuyển nhà trọ, mà vẫn không “trốn” được hương hoa sữa, cực chẳng đã nó đã xin chuyển công tác vào Sài Gòn…
Đây là chuyện nghiêm túc, của người nhà, nên tôi cũng chẳng dám phịa ra. Người dân miền Trung cũng đã từng gửi đơn "kiện" hoa sữa do nó được trồng dày đặc trên các đường phố, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Không tin, xin mời chư vị thử “hỏi ông Gúc gồ”, trong 0,62 giây đã cho một mớ kết quả đấy!