Từ đình làng xưa đến nhà văn hóa hôm nay

HNM| 03/07/2021 16:27

Từ xa xưa, đình làng là hình ảnh thân quen ở các làng quê Đồng bằng Bắc Bộ, nơi hội họp, diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lưu giữ phong tục, tập quán tốt đẹp. Thời gian qua đi, nơi hội họp, sinh hoạt, vui chơi của người dân chuyển dần sang các thiết chế mới như nhà văn hóa..., nhưng cho dù là thiết chế văn hóa nào thì quan điểm đặt người dân ở vị trí trung tâm vẫn luôn được duy trì, không gian sinh hoạt văn hóa công cộng vẫn là nơi góp phần gắn kết cộng đồng.

Từ đình làng xưa đến nhà văn hóa hôm nay
Đình Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) là một trong số những ngôi đình lớn của xứ Kinh Bắc xưa.

Qua sử liệu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đình làng xuất hiện từ thế kỷ XV, nhưng dấu vết vật chất hiện còn của đình làng chỉ phát hiện được từ thế kỷ XVI. Sang thế kỷ XVII là giai đoạn phát triển rực rỡ và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc đình làng.

Không gian đình làng được ví von là không gian làng quê thu nhỏ với nhiều chức năng: Hành chính, tín ngưỡng, sinh hoạt, vui chơi. Trong cuốn “Điêu khắc dân gian Việt Nam”, cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung có viết: “Làng Việt Nam nào cũng có một cái đình, nhà công cộng của xã, nơi thờ thành hoàng địa phương đồng thời là nơi hội họp đình đám, hội hè, nơi các kỳ hào tụ tập chè chén, nơi mà dân chúng thỉnh thoảng đến dự một cuộc tế lễ hoặc xem một cuộc biểu diễn (chèo, tuồng). Dân làng rất quý và tự hào về cái đình của mình”.

Hà Nội xưa là “kẻ chợ” của những “kẻ quê” nên đình làng ở khu vực nội, ngoại thành Hà Nội cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ so với số lượng di tích lịch sử văn hóa nơi đây. Trong cuốn “Chuyện cũ Hà Nội”, nhà văn Tô Hoài cũng nhắc tới đình làng: “Cái đình là trung tâm của làng. Làng nào cũng có đình thờ ông thần hoàng. Đình được cất cao ráo khang trang... Mọi công chuyện làng xóm đều được đem ra đình: Kiện tụng, thề bồi, cưới xin, ma chay, thuế má, quan nha bắt lính, xử tội kẻ trộm và các giấy tờ, mọi sai trái, mọi thủ đoạn phe cánh, cuộc chè chén và các cuộc ẩu đả đánh chém nhau của các quan làng đều xảy ra ở chốn đình trung...”.

Sách sử về xã Đông Ngạc (một làng cổ ngoại vi kinh thành Thăng Long xưa) đã lưu nhiều phong tục cổ truyền nơi đây, trong đó cũng nhắc tới chuyện ở đình làng: “Xưa kia, đình của 3 làng (Đông Ngạc, Liên Ngạc và Nhật Tảo) là nơi hội họp của các cụ bô lão và dân làng để bàn việc làng, việc nước. Đây là một phong tục đẹp được hình thành từ nhiều thế kỷ. Đình làng còn đôi câu đối: “Thị phi thiên tải hạ/ Nghị luận nhất hương trung” (Nghĩa là: "Khen chê dưới ngàn thuở/ Bàn bạc trong một làng"). Những ngày hội làng, có tục hát thờ, múa bài bông, múa sênh tiền, múa trống cơm tại đình làng. Cũng tại đây còn có các trò vui như đánh cờ người, đố chữ, đánh đu, đánh vật, múa rối nước, ban đêm có hát chèo, đốt pháo bông...”.

Nhắc lại chuyện xưa để thấy rõ đình làng từng giữ một vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên qua thời gian, cùng với những biến thiên của lịch sử, nhiều di tích đình làng ở Hà Nội không còn tồn tại. Một số ngôi đình vẫn hiện diện nhưng giờ chỉ là nơi thực hiện các sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng, duy trì các nghi lễ, tập quán; vai trò hành chính, sinh hoạt vui chơi cộng đồng của đình làng đã dần nhường chỗ cho các thiết chế mới đó là trụ sở ủy ban, nhà văn hóa...

Việc từng bước “phủ sóng” hệ thống nhà văn hóa tại các phường xã, thôn làng cho thấy nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần ngày một cao của người dân, đó là điều phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Nhiều nhà văn hóa trên địa bàn Thủ đô đã trở thành “điểm hẹn” của người dân ở các tổ dân phố hay những thôn làng. Hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh, hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên chọn nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt, các em nhỏ chọn nhà văn hóa là nơi vui chơi - nhất là trong những ngày hè. Rồi nhà văn hóa còn là nơi bầu cử, tiếp xúc cử tri... Tuy nhiên ở một số nơi, một số nhà văn hóa do xây dựng từ lâu đã bị xuống cấp; ở không ít nơi, việc khai thác nhà văn hóa cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao còn hạn chế, lúng túng; nhiều nhà văn hóa chưa thực sự là nơi gắn kết cộng đồng...

Thực tế này cho thấy, việc đầu tư xây dựng, mở rộng chức năng, đa dạng hóa các hoạt động tại các nhà văn hóa là hết sức cần thiết để có thể phát huy hiệu quả của thiết chế văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà chúng ta lãng quên không gian văn hóa đình làng vốn từng hiện diện đậm nét trong đời sống cộng đồng qua suốt chiều dài lịch sử. Để làm được điều đó, bên cạnh nỗ lực sao cho mái đình xưa không còn phải kêu cứu vì xuống cấp, cũng rất cần những giải pháp để tìm lại “phần hồn” cho đình làng xưa để nơi đây không còn phải “cửa đóng, then cài”.

Phát huy giá trị của đình làng trong đời sống đương đại bên cạnh các thiết chế văn hóa cơ sở chính là mạch nguồn kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để cùng hướng tới chủ thể: Con người.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Từ đình làng xưa đến nhà văn hóa hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO