Sân khấu

Truyền thống và hiện đại – hướng phát triển của sân khấu Hà Nội

TS. Trần Thị Minh Thu 16:17 20/09/2023

Trong văn học nghệ thuật Hà Nội nói chung và mảng sân khấu nói riêng, việc vận dụng/ kết hợp tính truyền thống và hiện đại là vô cùng quan trọng và cần thiết. Để phát huy tính truyền thống và hiện đại ấy trong hướng phát triển của sân khấu Thủ đô, trước tiên phải xét về mặt khái niệm.

1. "Truyền thống", theo gốc từ Latinh được viết là "tradio", gồm động từ "tradere” (traditus), nghĩa là "truyền lại", "nhường lại", "giao lại" và "phân phát". Do vậy, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất của từ này, truyền thống là sự kế thừa di sản xã hội có giá trị được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

vo-cheo.jpg
Một cảnh trong vở chèo thiếu nhi "Nắm xôi kỳ diệu", Nhà hát chèo Hà Nội

Theo GS. Trần Văn Giàu, "truyền thống là những đức tính hay những thói tục kéo dài nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ lịch sử và hiện có nhiều tác dụng"(1). Với quan điểm này, truyền thống chứa đựng các giá trị thuộc về tập quán xã hội như đức tính, tư tưởng, lối sống, thói quen, cách ứng xử được hình thành trong đời sống, trong điều kiện lịch sử nhất định; được xã hội công nhận và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có vai trò quan trọng với mỗi cá nhân, toàn xã hội, đồng thời, cũng là tài sản tinh hoa của thế hệ đi trước chuyển giao cho các thế hệ sau. Thế hệ sau có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp do cha ông để lại.

Truyền thống có thể có tác dụng tích cực, cũng có thể có tác dụng tiêu cực. Cái lạc hậu lỗi thời cần khắc phục; cái tạo nên các giá trị và bản sắc cần kế thừa, phát huy và phát triển. Thêm nữa, cũng cần phân biệt truyền thống và giá trị truyền thống. Bởi lẽ khi nói đến giá trị truyền thống là nói đến những truyền thống đã được thừa nhận, đánh giá, thẩm định nghiêm ngặt của thời gian, nó được lựa chọn, thừa nhận của cộng đồng qua những giai đoạn lịch sử và là những cái tốt đẹp mang ý nghĩa tích cực. Chính những giá trị này tạo nên bản sắc của từng dân tộc, nó được truyền lại cho thế hệ sau và sẽ được bảo vệ, duy trì, bổ sung và phát triển.

2. Trong khi đó, khái niệm tính hiện đại xuất hiện gắn liền với phong trào Khai sáng ở châu Âu vào thế kỷ XVIII với sự chuyển đổi tư duy của loài người sang giai đoạn đề cao lý trí. Ở Việt Nam, tính hiện đại được sử dụng gắn liền với sự ảnh hưởng văn hóa Pháp vào đầu thế kỉ XX. Văn hóa dân tộc từng bước thoát khỏi sự ảnh hưởng duy nhất của văn hóa Trung Hoa và dần hội nhập với văn hóa phương Tây, mà cụ thể là văn hóa Pháp. Chữ quốc ngữ ra đời thay cho chữ Hán và chữ Nôm. Nghề báo in xuất bản ra đời và phát triển khiến cho đời sống văn hóa trở nên sôi nổi. Xuất hiện của các thể loại văn học hiện đại và hiện đại hóa các thể loại truyền thống như tiểu thuyết, thơ, bút kí, tùy bút, sân khấu kịch nói, cải lương, tuồng xuân nữ, chèo văn minh, chèo cải lương… Xu hướng nghệ thuật có lãng mạn, hiện thực và cách mạng, mở ra thời kỳ văn hóa mới của dân tộc là thời kỳ văn hóa hiện đại.

saostar-7hoveg2oxm7kcpyd.jpg
Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội

Đảng ta, từ năm 1943 với “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, đã chú trọng đến tính hiện đại của văn hóa khi gắn với khái niệm “tính khoa học”. Trong thời kỳ phong kiến và thực dân của đất nước ta, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, không phù hợp đã kéo lùi sự phát triển của lịch sử dân tộc. Tư tưởng “khoa học hóa” của đề cương thể hiện mong muốn thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống để tạo ra nguồn lực giải phóng dân tộc, phát triển đất nước; chủ động loại trừ các giá trị văn hóa lỗi thời, lạc hậu và bổ sung các giá trị văn hóa mới thông qua lao động, sáng tạo và tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa nhân loại. Ở đây, tính hiện đại đã gắn với những yếu tố tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của xã hội không chỉ ở hiện tại, mà còn là xu hướng vận động ở tương lai.

Tính hiện đại thực chất cũng là tính dân tộc hình thành từ truyền thống, mang đặc điểm và giá trị văn hóa truyền thống với những bản sắc độc đáo của mỗi dân tộc, nhưng nó đã được phát triển, hiện đại hóa cho phù hợp với nhu cầu xã hội mới. Tính hiện đại là sự thay đổi hệ hình tư duy, hệ thống giá trị, sự hình thành một giai đoạn văn hóa mới trong đời sống dân tộc và nhân loại, tùy theo bối cảnh của mỗi nền văn hóa mà tính hiện đại có nội dung khác nhau. Tính hiện đại trong văn hóa văn nghệ thể hiện với sự đổi thay về chất lượng và có ảnh hưởng rộng, chịu được thử thách bởi thời gian.

3. Từ khái niệm, đi vào nghệ thuật sân khấu, chúng ta có thể hiểu tính truyền thống và tính hiện đại cụ thể như sau:

Trước hết, tính truyền thống trong nghệ thuật sân khấu chứa đựng chủ yếu ở ba nội dung:

Bảo tồn các thể loại nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Điều này được thể hiện thông qua việc sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê các thể loại nghệ thuật sân khấu truyền thống trên địa bàn; tư liệu hóa bằng văn bản, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, phục dựng; truyền dạy cho thế hệ trẻ, khai thác từ các nghệ nhân, nghệ sĩ lão thành; tổ chức các hoạt động tôn vinh nghệ nhân, nghệ sĩ lão thành; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ cho các câu lạc bộ nghệ thuật sân khấu truyền thống; tuyên truyền, quảng bá các thể loại nghệ thuật sân khấu truyền thống…

Kế thừa và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam để đưa vào trong sáng tạo tác phẩm sân khấu mới. Bởi lẽ, trong quá trình phát triển của bất kì sự vật, hiện tượng nào, cái mới cũng ra đời từ trong lòng cái cũ. Cái mới không phủ định sạch trơn, không vứt bỏ hoàn toàn cái cũ, mà chỉ gạt bỏ những yếu tố tiêu cực, lỗi thời và giữ lại những yếu tố tích cực, phù hợp để phát triển cái mới. Những tinh hoa của các loại hình nghệ thuật truyền thống chính là tiền đề, là nền tảng cho quá trình xây dựng nền sân khấu mới tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

thumb_660_cd0e9f6b-bffe-4b8f-813a-d70ec6e8e85f.jpg
Cảnh trong vở Ballet Kiều.

Thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc qua tác phẩm sân khấu được bộc lộ ở tính cách, tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ, đồng thời còn được bộc lộ qua diện mạo, y phục, hành động, động tác, cử chỉ,... của nhân vật và thông qua chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Bởi vì tác phẩm sân khấu là sản phẩm riêng của cá nhân nghệ sĩ, nhưng đằng sau mỗi người nghệ sĩ bao giờ cũng mang bóng dáng của truyền thống dân tộc luôn thấm đẫm trong từng ngôn ngữ đối thoại, hành động của nhân vật, trong cách cảm, cách nghĩ của mỗi nghệ sĩ. Và cũng chính đặc thù của đời sống dân tộc đã mang lại cho sân khấu dân tộc một bản sắc riêng độc đáo được bảo tồn lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Trong khi đó, tính hiện đại trong nghệ thuật sân khấu chứa đựng chủ yếu ở hai nội dung:

Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để không ngừng đổi mới, làm giàu thêm và thúc đẩy sự phát triển của nền sân khấu dân tộc. Ngày nay, một nền sân khấu với những tác phẩm không hiện đại, tức là không chịu mở cửa giao lưu, không chịu học tập những cái hay, cái đẹp của các dân tộc khác thì nền sân khấu đó sẽ bị tụt hậu, lỗi thời. Tuy nhiên, quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cần phải có sự chọn lọc vì nếu không sẽ dẫn đến tiếp thu cả những cái xấu, cái tiêu cực, không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc và dẫn đến bị “xâm lăng” về văn hóa, lai căng, mất bản sắc dân tộc.

Phản ánh những vấn đề đương đại, hiện thực đương đại với những con người đương đại, cuộc sống đương đại; thể hiện cách cảm, cách nghĩ mới của con người Việt Nam hiện đại trước cuộc sống hiện tại đi cùng với những mới mẻ khác của hình thức nghệ thuật, của thi pháp mà truyền thống chưa có thông qua ngôn ngữ, thể tài, cách dàn dựng, biểu diễn, trang trí sân khấu, âm thanh, ánh sáng… hiện đại. Chính việc phản ánh những vấn đề đương đại bằng những hình thức nghệ thuật, kỹ thuật hiện đại làm khán giả đương đại khi đến với sân khấu, sẽ thấy được đời sống, tâm tư, tình cảm của chính mình trong đó. Đây cũng là cách thức để thu hút khán giả đến với sân khấu.

4. Từ những vấn đề trên, soi chiếu vào sân khấu Thủ đô, chúng ta có thể thấy: Hà Nội trong lịch sử luôn là “trái tim” của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, là vùng đất “địa nhân linh kiệt” với lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa của các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trên cơ sở đó, sân khấu Hà Nội cũng chứa đựng trong mình đa dạng, phong phú các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Khi nói đến sân khấu Hà Nội, không chỉ có chèo, múa rối nước – di sản văn hóa độc đáo của vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, mà còn có kịch nói nguồn gốc từ phương Tây, có cả tuồng, cải lương Nam Bộ hội tụ. Cũng bởi đặc thù của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội, nên sân khấu ở đây luôn phát triển trên cơ sở gắn kết giữa tính truyền thống và tính hiện đại. Nhiều vở diễn tuồng, chèo, cải lương, múa rối kinh điển của cha ông để lại được bảo tồn, phục dựng và không ngừng truyền dạy cho lớp trẻ. Nhiều vở diễn được sáng tạo trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống. Sân khấu thường xuyên xuất hiện các tác phẩm mới được dàn dựng công phu, hiện đại, phản ánh cách cảm, cách nghĩ, lối sống của con người Hà Nội…

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, sân khấu Hà Nội hiện nay chưa thực sự phát huy hiệu quả mối quan hệ của tính truyền thống và tính hiện đại trong sáng tạo tác phẩm. Việc đầu tư dàn dựng các vở cổ, kinh điển, mẫu mực ngày càng vắng bóng, lớp trẻ tài năng thiếu hụt trầm trọng. Ít vở diễn đề tài hiện đại phản ánh cuộc sống và con người Hà Nội đương thời. Các vở diễn đề tài dã sử, lịch sử, dân gian, huyền thoại còn hạn chế trong việc tìm tòi thể tài mới, hình thức sáng tạo nghệ thuật mới, hoặc thiếu những thử nghiệm mới trên cơ sở kế thừa, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. Sân khấu với cơ sở vật chất còn hạn chế, nghèo nàn, lạc hậu, đầu tư thiếu đồng bộ… Chính điều này làm cho sân khấu Hà Nội thiếu sức hấp dẫn khán giả và chưa tạo được một cách hiệu quả cái riêng, cái độc đáo làm nên thế mạnh của “phong cách sân khấu Hà Nội” nằm trong văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Do vậy, để phát triển, sân khấu Hà Nội cần có sự định hướng đúng dựa trên sự nhận thức đúng về tính truyền thống và tính hiện đại. Hơn thế nữa, khi cơ hội sáng tạo nghệ thuật rộng mở, đội ngũ nghệ sĩ sân khấu Thủ đô cần phải tự nâng mình lên thông qua việc học hỏi từ truyền thống, tiếp thu các giá trị mới của thời đại để tạo ra những tác phẩm xứng tầm thật sự có tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của nhân dân, trở thành một trong những nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô Hà Nội./.

(1), (2), (3) Vusta (2010), “Về khái niệm giá trị văn hóa truyền thống”, https://vusta.vn.

(4) Hà Phan (2015), “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, https://tulieu-vankien.dangcong....

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • Quận Bắc Từ Liêm: Khen thưởng 87 giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tiểu học
    Ngày 9/12, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Bắc Từ Liêm tổng kết “Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tiểu học quận Bắc Từ Liêm, năm học 2024 - 2025”.
  • Sắp diễn ra Festival hoa Mê Linh năm 2024
    Festival hoa Mê Linh năm 2024 với chủ đề "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức từ ngày 26 - 28/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.
Đừng bỏ lỡ
Truyền thống và hiện đại – hướng phát triển của sân khấu Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO