Mở rộng “biên độ” cho các nhà sáng tạo nội dung âm nhạc
Cùng với điện ảnh, âm nhạc là một trong những ngành trọng tâm trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ngày càng có nhiều sản phẩm âm nhạc mới ra đời, cùng với đó là những ồn ào về vấn đề vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng. Nếu không giải quyết triệt để vấn đề này sẽ rất khó để phát triển công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực này, bởi vi phạm bản quyền chính là hủy hoại sự sáng tạo. Khi người tiêu dùng chưa có thói quen trả tiền cho sản phẩm văn hóa, giải trí thì bên cạnh việc hoàn thiện các quy định pháp luật để bảo vệ bản quyền cần chú trọng xây dựng thị trường tiêu dùng văn hóa một cách bền vững.
Thách thức bảo vệ bản quyền trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của âm nhạc số
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển như hiện nay, âm nhạc không chỉ được sáng tạo trên nền tảng truyền thống mà còn phổ biến rộng rãi qua các kênh trực tuyến. Điều này vừa mở ra cơ hội phát triển lớn, đồng thời tạo ra không ít khó khăn trong việc kiểm soát và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nghệ sĩ và nhà sản xuất.
Biểu hiện dễ dàng nhìn thấy nhất của câu chuyện vi phạm bản quyền là sao chép và phân phối trái phép tác phẩm âm nhạc trên không gian số. Hàng loạt trang nghe nhạc trực tuyến xuất hiện và cho đăng tải rất nhiều bài hát trong đó có những sản phẩm các nghệ sĩ vừa phát hành chỉ sau vài giờ. Trong nhiều chương trình nghệ thuật, giải trí, một số ca sĩ đã biểu diễn công khai tác phẩm âm nhạc mà không được sự cho phép của tác giả. Đơn cử như trường hợp nhạc sĩ Đỗ Hiếu thông tin trên trang cá nhân việc ca sĩ Noo Phước Thịnh không được phép biểu diễn ca khúc “Gạt đi nước mắt” và những bài hát khác của nhạc sĩ này do thời hạn độc quyền 2 năm đã hết. Nhiều nhạc sĩ như Đức Trịnh, Giáng Son rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi đăng tải chính tác phẩm của mình lên nền tảng số nhưng lại bị cảnh báo vi phạm bản quyền. Bên cạnh đó, tình trạng cắt xén, sửa chữa, sử dụng trái phép ca khúc trong các sản phẩm khác đang ngày càng phổ biến, làm ảnh hưởng đến uy tín và quyền lợi của người sáng tác.

Bà Lâm Oanh - Tổng Giám đốc BH Media cho biết: nhiều bản ghi đang bị khai thác dễ dàng trên nền tảng web, app... Trong khi đó, việc sản xuất bản ghi âm, ghi hình tốn kém chi phí từ tác giả, nhà sản xuất đến người biểu diễn nhưng lại bị nhiều cá nhân, tổ chức khai thác trái phép, gây thiệt hại không nhỏ về tinh thần cũng như kinh tế.
Trong khi các vụ việc xâm phạm bản quyền đang diễn biến phức tạp với đa dạng hành vi, tiểu xảo thì các quy định pháp luật về xử lý vi phạm bản quyền chưa nghiêm minh, các thủ tục hành chính và quy trình quản lý cũng chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Luật sư Phan Vũ Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Thành phố Hồ Chí Minh, đến từ Văn phòng luật sư Phan Law Việt Nam - một trong những đơn vị chuyên xử lý các vụ việc chuyên sâu có liên quan đến bản quyền bóng đá, phim, âm nhạc trên quy mô lớn cho rằng: trong thời đại số, khi tất cả các bài hát đều được phát hành trực tuyến và phổ biến trên các phương tiện truyền thông thì vẫn cần một hội đồng duyệt trước khi tổ chức biểu diễn. Do vậy, nếu như những thủ tục hành chính được tinh giản, tự động hóa sẽ tạo điều kiện đáng kể cho các công ty tổ chức sự kiện.
Một ví dụ khác liên quan đến cơ chế đó là những vướng mắc lớn nhất của các công ty sản xuất âm nhạc. Do quy định hiện hành chưa cho phép các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tham gia vào hoạt động giải trí, bao gồm cả sản xuất âm nhạc nên các công ty này rất khó tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Theo quy định, các công ty có vốn trên 51% của nước ngoài sẽ không được quản lý nghệ sĩ tại Việt Nam. Việc này không có nghĩa là bảo hộ cho quyền quản lý nghệ sĩ của Việt Nam, mà thật ra đang làm chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài. Bởi vì từ nước ngoài, người ta có thể quản lý được thị trường trong nước chứ không nhất thiết phải ở Việt Nam mới quản lý nghệ sĩ được.
Ngoài ra, chính sách của YouTube hiện chưa tương thích với pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Cách kiểm soát của nền tảng này quá lớn khiến chủ sở hữu quyền mất quyền kiểm soát nội dung. Các cơ quan quản lý không có cơ chế tiếp cận bản chất vụ việc mà chỉ nhận thông tin qua đại diện. “Nếu cơ quan quản lý không có quyền hoặc không tiếp cận được thông tin chính xác từ YouTube thì việc bảo vệ nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ, độc lập là điều rất khó”, Luật sư Phan Vũ Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.
Giải pháp thúc đẩy công nghiệp âm nhạc phát triển bền vững
Để giải quyết những khó khăn trong việc bảo vệ bản quyền và thúc đẩy ngành âm nhạc phát triển bền vững, cần có sự điều chỉnh chính sách, cải cách thủ tục hành chính và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Các giải pháp chiến lược được đề xuất nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho nhà sản xuất và nghệ sĩ, từ đó phát triển công nghiệp văn hóa như một ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.
Để phát triển công nghiệp văn hóa cần lưu tâm giải quyết các vấn đề bản quyền, tinh giản thủ tục hành chính, tự động hóa quy trình, tạo điều kiện để các công ty sự kiện và nhà sản xuất nội dung mạnh dạn đầu tư và quảng bá âm nhạc nói riêng, sản phẩm văn hóa nói chung. Về lâu dài, công nghiệp văn hóa cần được nhìn nhận như một ngành kinh tế trong chiến lược phát triển hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, cần thay đổi cơ chế quản lý văn hóa, chuyển từ Chính phủ ra quyết định và quản lý sang hợp tác công - tư, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư, quản lý văn hóa. Cần thay đổi chính sách đầu tư tài chính, hỗ trợ người tiêu dùng văn hóa, giảm thuế giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Bà Trương Thị Thu Dung - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ghi âm cho biết, với các bản ghi, cơ quan này đã đóng thuế một lần nhưng sau đó tiếp tục bị đánh thuế cho từng bài đăng lên các nền tảng và được tính tiền theo lượt view. Tuy nhiên, có những bài không có lượt xem nào, nhà sản xuất buộc phải từ bỏ không đăng lên các nền tảng nữa nhưng đơn vị này vẫn phải đóng thuế cho bài đăng đó. Việc thu phí tác quyền hiện tại là phí chồng phí: nhà sản xuất nội dung vừa trả cho đơn vị quản lý quyền tác giả, vừa bị thu thêm phí trên nền tảng YouTube. Chưa kể, họ còn phải trả theo định kỳ 1-2 năm/lần cho sản phẩm âm nhạc đó. Điều này làm hạn chế tiềm năng đầu tư cho sản phẩm âm nhạc.

Trước thực tế đó, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề xuất nhóm giải pháp hỗ trợ như: xây dựng chính sách thuế phù hợp, nhất là thu nhập cá nhân và xuất khẩu sản phẩm văn hóa online; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện tổ chức sự kiện nghệ thuật; hỗ trợ địa điểm, an ninh, phòng cháy chữa cháy cho chương trình lớn. Truyền thông cần thúc đẩy thói quen trả phí cho sản phẩm nghệ thuật cả online và trực tiếp. Bên cạnh đó để phát triển thị trường, Nhà nước cần tạo cơ chế khuyến khích người dân trả tiền cho sản phẩm nghệ thuật; khuyến khích mua vé theo gói (năm, tháng, chương trình), tăng cường quảng bá sản phẩm âm nhạc nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong và ngoài nước.
Để phát triển công nghiệp văn hóa cần hội tụ đầy đủ các yếu tố của một nền kinh tế thị trường như: doanh nghiệp (nhà đầu tư, quản trị), khối vận hành sản xuất, người thực hành sáng tạo, khâu trung gian phân phối, người tiêu dùng và nhà quản lý. Vai trò của Nhà nước là hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào văn hóa; có chính sách đãi ngộ cho nghệ sĩ, nhà đầu tư; nâng cao nhận thức cộng đồng; bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ thể sáng tạo; khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo sản phẩm âm nhạc chất lượng, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, đồng thời phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy liên kết giữa các bên: nhà sản xuất, kỹ thuật viên, ca sĩ, nhạc sĩ./.