Truyện Kiều ở Đức: Kỳ III Irene - người "trợ thủ" đắc lực trong việc dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức

Trần Đương| 04/11/2020 11:11

Cuối năm 1955, từ Hà Nội trở về Berlin, Franz Faber nói vui với vợ: “Em ơi, anh đã phải lòng một cô gái Việt Nam!”. Và ông kể cho bà Irene câu chuyện nàng Kiều. Đến lượt Irene cũng xúc động không kém gì chồng. Cho dù ngày đó, bà chưa sang Việt Nam, nhưng qua những gì chồng bà viết, chồng bà kể, bà rất yêu quý Việt Nam. Và giữa Thủ đô Berlin, những ngày tháng ấy, bà đã học tiếng Việt để giúp chồng dịch nghĩa những phần trọng yếu của thi phẩm vĩ đại mà chồng bà mang từ Việt Nam về.

Cho đến năm 1962, 1963 ông bà Faber đã hoàn thành bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức. Ông nói rằng, ý định của ông lúc đầu là sẽ dịch Truyện Kiều từ tiếng Pháp, nhưng bà Irene gạt đi: “Không nên làm thế. Cần phải hiểu tác phẩm từ nguyên bản, không nên từ ngôn ngữ thứ ba”. Và thế là bà đã học tiếng Việt như đã nói ở trên. Ông cười: “Tôi rất phục bà ấy về khả năng học ngoại ngữ. Quả thật, không biết tiếng Việt thì không thể dịch Kiều. Nhà tôi học ngày học đêm và lần lượt chuyển nghĩa từng câu, từng câu một, chỗ nào không hiểu, nhất là những chỗ liên quan đến các tích cổ, bà ấy lại tìm người Việt để hỏi, kể cả gọi điện cho các giáo sư người Việt đang ở bên Pháp. Trên cơ sở bản dịch nghĩa của vợ tôi, tôi dịch thành thơ. Trong việc dịch Truyện Kiều này, nhà tôi có nhiều công hơn tôi, cho nên khi ghi tên dịch giả, tôi để tên bà lên trước tên tôi!”.

Nghe ông nói, tôi mơ hồ nghĩ đến người đàn bà Đức thông minh, giàu nghị lực, hết lòng tận tụy giúp chồng trong công việc và đời sống.

Bản dịch của ông bà được ấn hành vào năm 1964, đúng vào thời điểm cả hai người được cử sang thường trú tại Việt Nam với tư cách phóng viên báo Đảng và hãng thông tấn ADN. Ông bà đã sung sướng gửi biếu bản dịch này tới một số nhà lãnh đạo và những nhân vật mà Faber từng gắn bó trong chuyến công tác ở Việt Nam lần trước, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng, GS. Đặng Thai Mai, học giả Đào Duy Anh…

Đến tháng 3/1965, Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Đức tại Hà Nội chính thức tổ chức lễ trao tặng bản dịch Truyện Kiều cho phía Việt Nam. Giáo sư Đặng Thai Mai, lúc đó là Viện trưởng Viện Văn học, đánh giá cao những nỗ lực của ông bà Faber và coi bản dịch đó là “Một đóng góp mới, rất đáng quí vào công cuộc trao đổi văn hóa và thắt chặt thêm nữa tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta”. Một điều rất đáng trân trọng là ở đầu sách Truyện Kiều có lời đề tặng (in trên thiếp rời) của Giáo sư tiến sĩ Johann Dickmann, khi đó là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức.

Tôi tò mò hỏi ông: 

- Từ sau khi Truyện Kiều bằng tiếng Đức được gửi biếu Bác Hồ, ông bà có dịp nào gặp lại Người không?
Nét mặt cụ già càng rạng rỡ hẳn lên khi trả lời câu hỏi đó:

- Chúng tôi vô cùng xúc động được Bác Hồ đích thân bày tỏ lòng cảm ơn về bản dịch mà chúng tôi gửi biếu Người. Đã hàng mấy tháng trời trôi qua rồi, Người vẫn nhớ tới việc đó. Hơn nữa, Người nói giữa cuộc chiêu đãi trọng thể của Đại sứ Đức nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 7/10/1965. Rất thân mật. Người hỏi:

- Cô, chú dịch Truyện Kiều trong bao lâu?

- Thưa Bác, bảy năm ạ!

- Như vậy là trong suốt bảy năm đó, cô chú chỉ nghĩ đến Việt Nam!

Nghe Bác nói vậy, lại được Bác bày tỏ sự cảm ơn đối với công việc mà hai người đã làm, ông bà Faber rất tự hào, sung sướng, coi đó là một phần thưởng cao quý. Cho đến lúc ấy, ông Faber đã được gặp Bác nhiều lần. Và lần nào cũng để lại trong ông những ấn tượng mạnh mẽ. Ấn tượng bao trùm nhất là phong cách giản dị, khiêm tốn thật hiếm có ở một vị lãnh tụ tầm cỡ thế giới, hiểu biết sâu sắc về mọi vấn đề của từng đất nước. Ông cảm nhận Bác rất thuộc Kiều và nhiều tác phẩm văn học cổ điển của dân tộc mình. Người thường lấy Kiều hoặc dẫn thơ trong Chinh phụ ngâm để thổ lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Năm 1957, khi Người sang thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, ông bà cũng vinh dự được Người mời dự tiệc do Người chiêu đãi. Ngay dịp ấy, trong câu chuyện cởi mở, Người có đề cập tầm quan trọng của Truyện Kiều cũng như toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du trong nền văn học cổ điển Việt Nam. Và giờ đây, tại Hà Nội, Người nói với ông bà Faber: “Nguyễn Du là một nhà thơ cổ điển vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Với tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã và đang đấu tranh cho một xã hội bình đẳng. Viết một tác phẩm như vậy trong thời đại của ông là dũng cảm lắm!”.

Ông bà còn được Bác Hồ khuyên đọc thêm Nguyễn Trãi, một nghệ sĩ lớn, một anh hùng của dân tộc Việt Nam. Chính ông bà cũng đã dịch Bình Ngô Đại Cáo và nhiều bài thơ trữ tình của Nguyễn Trãi; Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều cũng được ông bà giới thiệu với nhân dân Đức trên tạp chí Văn học Đức. Tập truyện cổ Cây tre trăm đốt được ông bà biên soạn và ấn hành nhiều lần. Ông bà nhớ mãi lời Bác Hồ dạy: “Những người cộng sản chúng ta phải rất coi trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê Nin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông…”.

Đón đọc kỳ tới: Truyện Kiều trong lòng các bạn Đức
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Truyện Kiều ở Đức: Kỳ III Irene - người "trợ thủ" đắc lực trong việc dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO