Văn hóa – Di sản

Triển lãm kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa

Quỳnh Chi 18/04/2024 15:57

Thông tin từ Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), sáng 19/4/2024, đơn vị sẽ tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Ngô Quyền – Anh hùng dân tộc kiệt xuất” nhân kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024).

Triển lãm diễn ra tại Nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa (thôn Chùa, xã Cổ Loa). Ban tổ chức cho biết, triển lãm chia thành 3 chủ đề: Hào trưởng đất Đường Lâm, Nổi sóng Bạch Đằng Thành Cổ Loa mở nền độc lập.

trien-lam-3.jpg
Triển lãm “Ngô Quyền – Anh hùng dân tộc kiệt xuất” kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa

Hào trưởng đất Đường Lâm

Sử cũ đều chép Ngô Quyền xuất thân trong một dòng họ quý tộc, có thế lực ở Giao Châu. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tiền Ngô vương: ở ngôi 6 năm, thọ 47 tuổi (898-944). Vua mưu tài đánh giỏi, làm nên công tái tạo, đứng đầu các vua. Họ Ngô, tên húy là Quyền, người Đường Lâm, đời đời là nhà quý tộc. Cha là [Ngô] Mân làm chức Châu mục ở bản châu”.

Đại Việt sử ký tiền biên chép: “Tiền Ngô vương: Vua họ Ngô, húy là Quyền, người Đường Lâm… Vua đời đời là quý tộc ở Đường Lâm, cha là [Ngô] Mân làm quan Mục ở châu đó. Khi vua mới sinh ra có một luồng ánh sáng lạ tỏa khắp nhà. Vua hình dạng khác thường, sau lưng có ba nốt ruồi, người xem tướng cho là khác thường, bảo rằng người này có thể làm chúa một phương, bèn đặt tên là Quyền. Khi lớn lên, vẻ người khôi ngô, mắt sáng như tia chớp, đi thong thả như dáng cọp, có chí dũng, sức có thể giơ nổi vạc…”.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Ngô Quyền, người xã Đường Lâm, thuộc dòng quý tộc đã lâu đời, cha là [Ngô] Mân trước làm quan Mục ngay châu nhà (tức Giao Châu - TG)…”. Như vậy, cho thấy Ngô Quyền sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước chống quân xâm lược phương Bắc.

ngo-quyen.jpg
Tượng đài Ngô Quyền tại Khu di tích Bạch Đằng Giang (TP. Hải Phòng).

Nổi sóng Bạch Đằng

Năm Đinh Dậu (937), Kiều Công Tiễn - bộ tướng của Dương Đình Nghệ đã sát hại chủ tướng, đoạt chức Tiết độ sứ. Từ Ái Châu, Ngô Quyền là tướng và là con rể của Dương Đình Nghệ chuẩn bị lực lượng tiến ra Bắc diệt trừ tên phản bội. Trước sự căm ghét và phản kháng của quân dân trong nước, Kiều Công Tiễn tự thấy mình thế cô lực yếu, đã cho người sang cầu cứu vua Nam Hán.

Đoán trước được ý đồ “nội công ngoại kích” của địch, Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng chống thù trong giặc ngoài. Tháng 10 năm 938, Ngô Quyền tiến quân bao vây thành Đại La, tiêu diệt Kiều Công Tiễn, đập tan thế lực phản động, làm thất bại âm mưu dùng nội ứng của nhà Nam Hán. Tiếp đó, ông tập hợp mọi lực lượng dân tộc, kêu gọi động viên nhân dân cả nước, đặc biệt là dân binh các làng xã ở miền Đông Bắc tham gia đánh giặc; mặt khác, ông chủ trương lợi dụng địa hình hiểm trở của núi rừng, sông nước ở vùng cửa sông Bạch Đằng bí mật bố trí một trận địa mai phục, với bãi cọc ngầm đóng dưới lòng sông và triển khai quân đội mai phục ở hai bên bờ sông sẵn sàng đón đánh quân địch.

ngo-quyen-4.jpg
Trận chiến trên cửa sông Bạch Đằng.

Cuối tháng 12 năm 938, đoàn binh thuyền Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy từ Quảng Đông (Trung Quốc) vượt biển, qua đường Đông Kênh, châu Vĩnh An, tiến vào vùng vịnh Hạ Long. Đúng như kế hoạch, khi nước triều đang lên, Ngô Quyền cho một bộ phận thủy quân ra khiêu chiến, rồi giả vờ thua. Hoằng Tháo thúc quân đuổi theo nhưng chúng đã lọt vào trận địa phục binh mà Ngô Quyền đã bày sẵn.

Khi nước thủy triều xuống, Ngô Quyền ra lệnh cho quân thủy bộ từ các vị trí mai phục, bất thần xông ra chặn đầu, đánh tạt hai bên sườn đội hình thuyền giặc. Bị đánh bất ngờ và mạnh liệt, thủy quân Nam Hán không kịp trở tay, đội hình rối loạn, tổn thất lớn, buộc phải quay đầu tháo chạy hòng thoát ra biển, nhưng lại bị sa vào trận địa cọc ngầm. Trong thời gian ngắn, toàn bộ đoàn chiến thuyền của Nam Hán bị nhấn chìm, hầu hết quân địch bị tiêu diệt, trong đó có cả chủ tướng Lưu Hoằng Tháo.

Thành Cổ Loa mở nền độc lập

ngo-quyen-2.jpg
Hệ thống chính quyền triều Ngô (từ năm 939 - 965).

Sau chiến thắng trên của biển Bạch Đằng, kết thúc hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ cho dân tộc, mùa xuân năm Đại (939) Ngô Quyền bỏ chức Tiết độ sứ, xưng Vương, định đô ở Cổ Loa, lập Dương Thị làm hoàng hậu, thiết lập bộ máy triều đình gồm trăm văn võ bá quan, chế định triều nghi phẩm phục, tạo ra những bước bản lề cho xã hội Việt Nam thế kỷ 10.

Ngô Quyền chọn Cổ Loa làm kinh đô là muốn dựa vào thành can, hào sâu, vị trí đầu mối của các luồng giao thông thủy bộ giữa trung tâm châu thổ sông Hồng, để triều đình có thể nắm chắc miền châu thổ mà vươn ra quản lý toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Tiền Ngô Vương ý thức rất rõ việc quốc thống, nối nghiệp của các vua Hùng, vua Thục, từ đó cho thấy Ngô Quyền xứng với vị thế là Tổ trung hưng của dân tộc Việt./.

Thông qua hình ảnh, tư liệu giới thiệu có hệ thống, triển lãm “Ngô Quyền – Anh hùng dân tộc kiệt xuất” giúp người dân có cái nhìn khái quát nhất về Ngô Quyền với chiến công trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, định đô tại Cổ Loa và mở ra một kỷ nguyên mới, phát triển độc lập, làm rạng danh lịch sử Việt Nam.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • [Podcast] Dẻo thơm hương vị bánh gai làng Giá
    Nhắc tới bánh gai có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới bánh gai Ninh Giang (Hải Dương), bánh gai bà Thi (Nam Định) hay bánh gai tứ Trụ (Thanh Hóa), nhưng nếu một lần được thưởng thức bánh gai làng Giá - Xứ Đoài của Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức bạn sẽ nhớ mãi. Theo quan niệm của người dân làng Giá (xã Yên Sở, H. Hoài Đức), bánh gai là thể hiện cho con người giao hòa với trời đất, âm dương, vì thế, công đoạn làm bánh phải thật công phu.
  • Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
    Nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của Hà Nội để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp (nông nghiệp tuần hoàn); Thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO