Văn hóa - Xã hội

Trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo trong xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan báo chí

NHN 15/03/2024 17:50

Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa chính là trách nhiệm, là nghĩa vụ đồng thời cũng là vấn đề tự thân của mỗi cơ quan báo chí. Về vấn đề này, Tạp chí Người Hà Nội xin giới thiệu đến bạn đọc tham luận “Trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo trong phong trào xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan báo chí” của Tiến sĩ Đào Xuân Hưng – Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường để cùng chia sẻ và tham góp những ý kiến thiết thực về “văn hoá báo chí” hiện nay.

Tham luận được trình bày tại Phiên thảo luận “Xây dựng môi trường văn hoá báo chí” trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội báo toàn quốc diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu (1) “Đảng ta đã nhấn mạnh đến công tác phát triển nền văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thanh, điện ảnh, thư viện, bảo tồn bảo tàng, nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính quần chúng của các công việc đó…Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh…”, (2) “Văn hóa là phạm trù rộng lớn, với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Song, tựu trung, văn hóa là cái đẹp; là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra để thích ứng với hoạt động sống, sinh tồn, phát triển”.

hung.jpg
Tiến sĩ Đào Xuân Hưng – Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát biểu tham luận.

Tôi nghĩ rằng, một nhà báo theo đúng nghĩa, phải hội tụ đầy đủ các yếu tố, trong đó có trình độ học vấn nói chung và chuyên ngành nói riêng, song song với đó là có tri thức hiểu biết đúng đắn về văn hóa . Bởi phải có văn hóa thì mới định hướng và hình thành cho mình một phương cách làm việc và hành động đúng theo tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của tập thể và cá nhân, khai thác thông tin để viết nên những tác phẩm báo chí có chất lượng về chính trị, giá trị nhân văn, tính định hướng giáo dục sâu sắc. Luôn ý thức được việc gắn lợi ích của mình với lợi ích của tập thể tòa soạn và góp phần vào sự phát triển chung đất nước.

Thứ nhất, về trách nhiệm của người làm báo: Trách nhiệm của của người làm báo là bằng trình độ và sự hiểu biết của mình để nhận định vấn đề một cách chính xác, khách quan, phản ánh tất cả các vấn đề trong xã hội theo tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, đưa đến cho bạn đọc những nội dung thông tin, bài viết thiết thực nhất, có thông điệp lan tỏa giá trị văn hóa, với mục đích làm cho người đọc hiểu rõ vấn đề, thay đổi nhận thức dẫn tới thay đổi hành vi để cùng nhau hướng đến một cộng đồng xã hội phát triển tốt đẹp, văn minh.

Hiện nay, thông tin trên mạng xã hội, hàng giờ, hàng ngày rất nhiều sự việc xảy ra trong đời sống xã hội quanh ta. Khi tiếp cận thông tin và đưa tin, người làm báo cần phải nhìn nhận vấn đề chính xác, trung thực, phân tích, định hướng mang tính nhân văn để người đọc nhận diện đúng sự việc, vấn đề kể cả mặt tích cực và tiêu cực , tránh kích động tạo cho người đọc tò mò, hoặc viết bài câu like, thể hiện quan điểm mà thông tin chưa được kiểm chứng và lan truyền trên các nền tảng mạng làm người đọc nhận thức vấn đề một cách lệch lạc, nhất là giới trẻ.

Với những người làm báo theo dõi ngành Tài nguyên và Môi trường - là một ngành khoa học, kinh tế và xã hội trong đó liên quan rất nhiều đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, khoáng sản,... vì vậy rất cần có những người làm báo am hiểu kiến thức chuyên ngành và trách nhiệm để tuyên truyền hiệu quả về chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường, định hướng dư luận,... Theo số liệu báo cáo thống kê, có đến 12 triệu ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), điều đó cho thấy thông tin về lĩnh vực này, luôn là chủ đề hấp dẫn người làm báo và công chúng báo chí.

TS. Nhà báo Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Tài Nguyên & Môi trường

Trên thực tế, từ đời sống – xã hội có rất nhiều sự vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, những vi phạm về xả thải làm ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản trái phép,… Vậy trách nhiệm của những người làm báo theo dõi về lĩnh vực này và những người làm báo chuyên ngành như chúng tôi không chỉ nắm vững chuyên môn nghiệp vụ báo chí, mà còn phải có những hiểu biết chuyên sâu về ngành Tài nguyên và Môi trường, nắm bắt, hiểu các điều Luật chuyên ngành, am tường như một chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Có như vậy, khi tuyên truyền các Luật đi vào cuộc sống, cùng với bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp đứng trước một vấn đề, tình huống nhạy cảm mới có thể viết các tác phẩm báo chí, phân tích, phản ánh vấn đề mang tính xây dựng, định hướng thông tin, tạo nên sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

Trách nhiệm của nhà báo trước hết phải đặt lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết để soi xét vào các vấn đề, các hiện tượng, sự việc một cách trung thực, đầy tính nhân văn. Mỗi cơ quan báo chí cần tạo điều kiện để những người làm báo sống với nghề, làm việc tận tâm có trách nhiệm, để xây dựng được uy tín, thương hiệu qua các tác phẩm báo chí mà công chúng đón nhận.

Thứ hai, về nghĩa vụ người làm báo, nghĩa vụ này đã được quy định rõ trong Luật báo chí 2016, tại khoản 3 Điều 25, nhà báo có các nghĩa vụ: Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm; Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật; Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình về những hành vi vi phạm pháp luật. Tuân thủ quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Điều này cho thấy, nghĩa vụ công dân của nhà báo trong bối cảnh 4.0 rất nặng nề, áp lực: Có tri thức, văn hóa, ngôn ngữ, kỹ năng, làm chủ công nghệ và làm chủ tình huống. Phải trở thành nhà báo đa năng làm được nhiều việc, trong đó có cả báo in, báo điện tử, video... theo xu hướng truyền thông đa phương tiện.

Việc học tập và tu dưỡng đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp suốt đời luôn là mục tiêu, trách nhiệm, nghĩa vụ của những người làm báo chân chính, đặc biệt trong thời kỳ 4.0 hiện nay

TS. Nhà báo Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Tài Nguyên & Môi trường

Với người đứng đầu một cơ quan báo chí, Luật Báo chí đã quy định, mỗi cơ quan báo chí tùy theo tôn chỉ mục đích của mình, thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định để bảo đảm các quyền tự do hoạt động báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, cơ quan báo chí có bao nhiêu quyền và nghĩa vụ theo luật định thì người đứng đầu cơ quan báo chí có bấy nhiêu trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ xã hội. Nghĩa vụ của nhà báo chuyên ngành về Tài nguyên và Môi trường, cho dù là lãnh đạo hay là phóng viên đều phải tuân thủ tất cả các quy định của Luật Báo chí nói chung, điều hành/thực hiện chuyên môn báo chí dưới sự chỉ đạo của Bộ/ngành chủ quản nói riêng.

Thực trạng hiện nay cho thấy, vẫn còn tình trạng người làm báo có xu hướng thương mại hóa báo chí, lợi ích nhóm, tự chuyển biến tự chuyển hóa… để ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí và sự phát triển chung của tòa soạn.

Người làm báo thực sự là một công dân có trách nhiệm, văn hóa của người làm báo được thể hiện bằng hoạt động nghề nghiệp có tâm, thông tin trung thực, có tầm định hướng dư luận, thông tin rõ ràng, khoa học, tôn trọng sự thật khách quan, phản ánh với ngôn từ thẩm mỹ trong sáng, có văn hóa và “Tâm sáng, Bút sắc, Lòng trong - nhất quán trong con người, trái tim, sự nghiệp người cầm bút”.

Năm 2023, tại Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường cùng 12 Tạp chí, đã tham gia ký kết xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, trong đó, những người làm báo ký kết với thư ký chi hội nhà báo, thủ trưởng cơ quan báo chí, để mỗi nhà báo ý thức, tu dưỡng, phát huy giá trị cao đẹp của nghề báo, tiếp tục rèn luyện với phương châm, giữ bút sắc, lòng trong, công tâm, khách quan trong đưa tin, viết bài; Đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa của người làm báo, qua đó tôi có một số đề nghị như sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” trong tất cả các cơ quan báo chí, chi hội nhà báo từ trung ương đến địa phương và thi đua trong mỗi cá nhân người làm báo. Vì, nếu triển khai tốt việc này sẽ nhân lên những giá trị nhân văn, lòng tự hào, tự tôn về nghề báo, khích lệ mỗi cá nhân người làm báo, đơn vị báo chí phát triển, đoàn kết và thể hiện sức mạnh của báo chí, góp phần quan trọng chống lại những ảnh hưởng mặt trái về tiêu cực trên không gian mạng và báo chí trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay.

Thứ hai, để phát triển môi trường văn hóa báo chí cần phải có đủ nguồn lực tài chính, bằng hình thức đặt hàng của nhà nước với các cơ quan báo chí, để người làm báo sống được bằng nghề, có đủ thu nhập, qua đó hạn chế những những hành vi tiêu cực trong hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và các cơ quan báo chí cần có những chế tài nghiêm minh xử lý những người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp để tăng tính răn đe, cảnh báo.

Thứ ba, mỗi nhà báo phát huy trách nhiệm chính trị của mình, trách nhiệm với cơ quan báo chí đang công tác, bằng việc phát hiện ra những đề tài hay, sáng tạo ra tác phẩm báo chí có giá trị lan tỏa những việc làm hay những gương người tốt, việc tốt trong cộng đồng xã hội.

Thứ tư, hiện nay, hầu như người làm báo đều tham gia các mạng xã hội như: Face book, You Tobe, Tik Tok, là những hạt nhân văn hóa trên môi trường mạng xã hội, luôn chia sẻ những tác phẩm báo chí hay, nối dài đời sống thông tin báo chí, có sức lan tỏa trong cộng đồng, đồng thời những người làm báo cần chia sẻ, tương tác những thông tin có giá trị, hạn chế chia sẻ, bình luận, đưa ra những quan điểm trái chiều, cổ vũ những thông tin xấu độc trên mạng.

Thứ năm, mỗi người làm báo thường xuyên phải nâng cao nghiệp vụ về chuyên môn báo chí hiện đại, kỹ năng nghề nghiệp, tích lũy kiến thức chuyên ngành về lĩnh vực được phân công theo dõi, đồng thời ý thức trách nhiệm về văn hóa, thực hiện 10 điều quy định đạo đức của người làm báo Việt Nam, là người làm báo có nghề, có chuyên môn nghiệp vụ và tư duy mạch lạc.

Trách nhiệm, nghĩa vụ người làm báo trong phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí được thể hiện qua các tác phẩm báo chí có giá trị, được ví như nguồn nước trong mát trong dòng chảy thông tin của xã hội, mà ở đó cần có sự bồi đắp thường xuyên về văn hóa, đạo đức, chuyên môn để góp phần xây dựng nền báo chí hiện đại và nhân văn./.

(1) Phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 https://special.nhandan.vn/Ton...

(2) TS. Nguyễn Minh Cường “Vận dụng luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”, http://tapchiqptd.vn/vi/quan-t...

Tạp chí Tài nguyên và Môi trường là cơ quan lý luận, chính trị, khoa học và nghiệp vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, được thành lập theo Quyết định số: 07/2003/QĐ-BTNMT ngày 13/10/2003, của Bộ trưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở kế thừa bộ máy, tổ chức, nhân lực của Tạp chí Địa chính (Tổng cục Địa chính cũ) với bộ máy 7 người, 1 tháng ra 1 kỳ. Đến nay, trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí ban đầu xuất bản 1kỳ/tháng đã tăng lên 2 kỳ/tháng, tháng 10/2021 xuất bản tạp chí điện tử, tháng 10/2023 xuất bản chuyên trang tạp chí điện tử tiếng Anh. Hiện nay Tạp chí có 20 viên chức và người lao động.

Bài liên quan
  • Đôi điều về văn hóa báo chí hiện nay
    Nhìn lại nền báo chí cách mạng nước ta, nếu tính từ mốc ra đời Báo Thanh niên (21/6/1925) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đã có lịch sử gần 100 năm. Cho đến nay, cả nước có 868 cơ quan báo chí với hơn 19.000 nhà báo được cấp thẻ, đa dạng và phong phú về loại hình, góp phần quan trọng vào sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ hóa và truyền thông đa phương tiện như hiện nay, văn hóa báo chí là câu chuyện chưa bao giờ cũ, cần liên tục được đặt ra, nhắc nhở và suy
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo trong xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO