Chuyển động Hà Nội

Tôn vinh những nữ nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu của Thủ đô

Đình Vũ 26/08/2024 07:56

Trong xã hội hiện đại, phụ nữ không chỉ tham gia vào mọi vị trí công việc mà còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều nghề nghiệp đòi hỏi sự sáng tạo, khéo léo, bền bỉ,… Nghề thủ công truyền thống là một trong những ví dụ tiêu biểu thể hiện rõ nhất vai trò trụ cột của người phụ nữ. Cùng với sự hồi sinh và phát triển của các nghề truyền thống, những đóng góp của những nữ nghệ nhân ngày càng được xã hội công nhận và tôn vinh.

z5766656412067_556c68f32ca92f2b548ecb8a138f6c9f.jpg
Nghệ nhân Ngô Thị Tính - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh (quận Bắc Từ Liêm) nhận Bằng khen của UBND TP. Hà Nội.

Ngày “Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo - chuyển đổi xanh” và quảng bá sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm làng nghề tiêu biểu của phụ nữ Thủ đô năm 2024 do Hội LHPN Hà Nội tổ chức tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) diễn ra từ ngày 23-25/8 một lần nữa dành sự tôn vinh đặc biệt cho các nữ nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu của các làng nghề, phố nghề trên địa bàn Hà Nội. Sự tôn vinh này không chỉ là nguồn cổ vũ, động viên dành cho những cá nhân có tên trong dịp này mà còn là động lực rất lớn để những lao động nữ đang trực tiếp tham gia vào chuỗi sản xuất của những làng nghề có thêm tình yêu với nghề truyền thống, qua đó góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả giá trị từ nghề truyền thống để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Năm 2024, thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp, chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Hội LHPN Hà Nội đã phát động, hưởng ứng cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ quản lý, điều hành, chủ hộ sản xuất, các tổ, nhóm phụ nữ mạnh dạn đề xuất những ý tưởng, sáng kiến cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị kinh tế, vừa thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng và các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, tiết kiệm góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm Việt, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Cuộc thi đã nhận được 127 dự án, ý tưởng dự thi cấp thành phố. Năm nay cũng là năm đầu tiên Hội LHPN Hà Nội đề xuất UBND thành phố khen thưởng các nữ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề, phố nghề Hà Nội, tổ chức hai Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong bảo tồn, phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống”.

Tại Ngày “Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo - chuyển đổi xanh” và quảng bá sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm làng nghề tiêu biểu của phụ nữ Thủ đô năm 2024 đã có 8 nữ nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu của các làng nghề, phố nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen; trao giải cho 15 dự án đoạt giải cao nhất vòng chung kết cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024.

z5766656499367_72eb48a3ca14feca69de2b07ec281000.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi – Chủ tịch hội Làng nghề sơn mài xã Duyên Thái, giám đốc HTX sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) nhận Bằng khen của UBND TP. Hà Nội.

Là 1 trong 8 nữ nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu được vinh danh trong dịp này, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi – Chủ tịch hội Làng nghề sơn mài xã Duyên Thái, Giám đốc HTX sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) cho biết, trong những năm gần đây cùng với nhiều ngành nghề thủ công truyền thống của Thủ đô, nghề sơn mài ở Duyên Thái đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của thành phố. Làng nghề sơn mài Hạ Thái của xã Duyên Thái có truyền thống lâu đời, các sản phẩm của làng nghề đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới và ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế. Ngoài sự độc đáo của nghệ thuật sơn mài Á Đông thì sự sáng tạo không ngừng của những người thợ luôn tạo ra những sản phẩm đủ để chinh phục cả những khách hàng khó tính nhất. Với mục tiêu làng nghề không chỉ là để tạo ra công ăn việc làm mang lại thu nhập ổn định cho người thợ mà còn phải khai thác có hiệu quả giá trị lịch sử của nghề thông qua hoạt động phát triển du lịch làng nghề. Trên cơ sở đó, làng nghề sơn mài Hạ Thái đã được quy hoạch trên một không gian có hạ tầng hiện đại, đường xá được mở rộng, các xưởng sản xuất, các không gian trưng bày sản phẩm được sắp xếp khoa học;…tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho việc kết nối làng nghề với các khu, điểm du lịch khác trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.

Là người đã dành gần cả cuộc đời mình cho nghề sơn mài truyền thống của quê hương, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất của tôi là được nhìn thấy nghề truyền thống của cha ông được gìn giữ và ngày càng phát triển. Bên cạnh sự nỗ lực của những người thợ chúng tôi thì sự quan tâm của các cấp chính quyền và Hiệp hội Làng nghề thành phố Hà Nội là nguồn động viên để chúng tôi tiếp tục cống hiến. Tôi cũng rất tự hào và tin tưởng vào lớp thợ trẻ đang miệt mài sáng tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị nghệ thuật cao, vừa mang lại nguồn thu nhập đáng kể góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho quê hương. Sống được với nghề, giữ được nghề thì những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc sẽ được lưu truyền mãi mãi”.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch hội Làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ)-người cũng được vinh danh trong dịp này chia sẻ: Nhiều làng nghề với tuyệt đại đa số lao động trực tiếp là phụ nữ, sự ghi nhận và tôn vinh của thành phố, của Hội LHPN Hà Nội là sự khích lệ rất lớn dành cho chúng tôi. Xôi Phú Thượng không chỉ là món ăn độc đáo của người Việt mà còn chứa đựng trong đó cả một chiều dài lịch sử của nền văn minh lúa nước, là bản sắc văn hóa tiềm tàng đang dần được khai thác khi ngày càng có nhiều du khách quốc tế tìm đến món ăn Xôi Phú Thượng khi đặt chân đến Hà Nội. Cùng với việc giữ nghề chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để chất lượng của sản phẩm Xôi Phú Thượng ngày càng được nâng cao, không chỉ du khách quốc tế mà ngay cả người Việt chúng ta cũng sẽ tìm được ở đó những hương vị mà chỉ ở Xôi Phú Thượng mới có…

Hiện nay, phụ nữ chiếm 50,4% dân số Thủ đô, là lực lượng lao động có mặt ở tất cả các ngành, các lĩnh vực. Phụ nữ Thủ đô không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã hội đóng góp thiết thực vào mục tiêu xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 các cấp Hội và phụ nữ Hà Nội cũng là lực lượng tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô.

Danh sách 8 nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu được vinh danh trong Ngày “Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo - chuyển đổi xanh” năm 2024:

1. Nghệ nhân Phan Thị Thuận:

Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức. Bà là biểu tượng trong việc duy trì và phát triển nghề dệt lụa từ tơ tằm. Với lòng đam mê và sự kiên trì, bà đã tạo ra những sản phẩm sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện đại và làm nên danh tiếng của lụa Mỹ Đức.

2. Nghệ nhân Hà Thị Vinh:

Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Chủ tịch Hội làng nghề và thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, bà đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm gốm sứ độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt và đầu tư mạnh vào việc đào tạo thế hệ trẻ để duy trì và phát triển nghề gốm sứ truyền thống.

3. Nghệ nhân Phạm Thị Tuyết:

Người sáng lập Nhà hàng Ánh Tuyết trên phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm. Bà là một đầu bếp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống Hà Nội, giới thiệu văn hóa ẩm thực phong phú của Thủ đô tới bạn bè quốc tế.

4. Nghệ nhân Ngô Thị Tính:

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh. Với sự sáng tạo và đổi mới, bà đã đưa thương hiệu Bảo Minh trở thành một trong những thương hiệu bánh mứt kẹo uy tín và tổ chức nhiều hoạt động giáo dục nhằm giới thiệu và truyền bá nghề truyền thống.

5. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi:

Giám đốc Hợp tác xã Sơn mài Hạ Thái, Chủ tịch hội Làng nghề Sơn mài xã Duyên Thái, huyện Thường Tín. Bà đã cải tiến kỹ thuật và tạo ra những sản phẩm sơn mài đẹp mắt, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, biến hợp tác xã trở thành địa chỉ uy tín về sản phẩm sơn mài.

6. Nghệ nhân Lê Thị Thuận:

Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu mỹ nghệ Đông Nam Á, Phó Chủ tịch hội Làng nghề Lược sừng Thuỵ Ứng, xã Hoà Bình, huyện Thường Tín. Những sản phẩm tinh xảo và độc đáo của lược sừng Thuỵ Ứng đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Bà đã đưa ra nhiều sáng kiến để phát triển nghề này theo hướng bền vững.

7. Nghệ nhân Đinh Thị Hải Yến:

Chủ hộ kinh doanh chuỗi thực phẩm sạch Từ Tâm, là người tiên phong trong việc phát triển thực phẩm sạch và an toàn. Bà không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn chú trọng giáo dục cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của thực phẩm sạch, nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng.

8. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến:

Phó Chủ tịch hội Làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng, quận Tây Hồ. Bà là một nghệ nhân xuất sắc trong việc bảo tồn và phát triển nghề làm xôi truyền thống, luôn nỗ lực để tạo ra những món xôi ngon, đẹp mắt, giữ vững hương vị truyền thống.

Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội ngày càng phát triển, việc gìn giữ và phát huy các nghề truyền thống trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nghề truyền thống là một phần quan trọng của di sản văn hóa, thể hiện bản sắc và lịch sử của một dân tộc. Mỗi làng nghề, phố nghề đều gắn liền với những câu chuyện, phong tục và tập quán độc đáo. Việc bảo tồn nghề truyền thống giúp gìn giữ những giá trị văn hóa này, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho văn hóa quốc gia.

Sự tôn vinh dành cho những nữ nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu của các làng nghề, phố nghề sẽ tạo nên những hiệu ứng tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống không chỉ gìn giữ được di sản văn hóa mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần sự quan tâm và hỗ trợ của toàn xã hội, từ chính quyền đến cộng đồng, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ bản sắc văn hóa của đất nước./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2024 diễn ra tại Hà Nội
    Với sự góp mặt của 250 gian hàng của hơn 200 đơn vị đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2024 sẽ là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại dịp cuối năm tại Thủ đô Hà Nội. Đây là dịp để các doanh nghiệp giới thiệu đến khách hàng những sản phẩm có sức tiêu thụ lớn nhất trong dịp cuối năm.
  • Hà Nội triển khai 5 giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Thành phố năm 2025
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải vừa ký ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Thành phố Hà Nội năm 2025. Trong đó, Thành phố sẽ triển khai 5 giải pháp góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên HTX, người lao động và đảm bảo an sinh xã hội…
Đừng bỏ lỡ
Tôn vinh những nữ nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu của Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO