50 bức tranh Hàng Trống của nghệ nhân Lê Đình Nghiên được giới thiệu tại triển lãm giúp người xem có cái nhìn tổng quát, sâu hơn về dòng tranh này. Bên cạnh những bức tranh thờ (Tứ phủ ông hoàng, Tứ phủ cộng đồng), tranh Tết (Tố nữ, Tứ bình, Tứ quý, Ngũ hổ… thì những bức tranh thế sự như (Chợ quê, Hiểu dụ, Duyệt binh, Công cử, Tăng gia, Canh nông vi bản, Nghỉ ngơi, Phi thương bất phú, Vợ chồng ngâu,… cũng đã giúp công chúng thấy những nét đặc sắc cũng như sự thay đổi và phát triển của dòng tranh Hàng Trống qua thời gian.
Tranh tứ bình - một trong những bộ tranh đặc sắc của tranh dân gian Hàng Trống - Ảnh: Đặng Thủy
Đáng chú ý, tại triển lãm hơn 100 bức tranh Hàng Trống cũng đã được số hóa và trình chiếu nhờ công nghệ 3D mapping. Việc sử dụng máy chiếu laser cao cấp của Panasonic để phóng lớn những bức tranh cũng tạo ra hiệu ứng một không gian có chiều sâu, mang đến hình ảnh sắc nét với màu sắc trung thực, giúp người xem dễ cảm nhận được nội dung từng bức vẽ.
Đặc biệt, triển lãm còn dành một không gian trải nghiệm ứng dụng công nghệ “Xử lý thời gian thực - realtime” trong nhận diện hình ảnh giúp công chúng có thể tương tác với các tác phẩm. Hình ảnh của mỗi khách tham quan cũng được công nghệ “realtime” tạo ra nét vẽ và tạo ra các hình ảnh phái sinh theo đường nét của tranh Hàng Trống.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên - người duy nhất còn giữ bí quyết làm tranh Hàng Trống chia sẻ ông rất vui khi được mời tham gia triển lãm này. “Trước đây cũng có một vài gia đình trong dòng họ của tôi gắn bó với dòng tranh này, nhưng nay chỉ còn duy nhất gia đình tôi còn giữ được nghề xưa. Tuy nhiên, điều khiến tôi vẫn thiết tha gắn bó với nghề là bởi vẫn còn có nhiều người yêu và thích chơi tranh Hàng Trống, vẫn tìm đến đặt mua tranh. Gia đình tôi hiện vẫn còn lưu giữ 30 đến 40 ván khắc cổ, và tôi vẫn làm tranh theo những kỹ thuật của ông cha từ xưa truyền lại” – nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho hay.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên trình diễn kỹ thuật làm tranh Hàng Trống tại triển lãm - Ảnh: Đặng Thủy
Cùng với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Kim Hoàng (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế), tranh Hàng Trống đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển nghề làm tranh dân gian Việt Nam trở nên hưng thịnh một thời. Triển lãm này đã minh chứng cho sức sống và giá trị của dòng tranh dân gian Hàng Trống, cũng như những nỗ lực để gìn giữ một dòng tranh quý.
Cùng với triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Bùi Xuân Phái với Hà Nội”, triển lãm “Nghệ thuật đa phương tiện tranh Hàng Trống” tiếp tục là lời khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc quảng bá sâu rộng về thành tựu của di sản Việt Nam nói chung, nghệ thuật tạo hình Việt Nam nói riêng.