Năm 1962, Ngọc Sơn nhận được bức thư đầy tình cảm của vợ từ Hà Nội gửi vào mặt trận Gia Lai: “Giá mà chúng ta sớm có một đứa con, giữ lại cho nhau một kỷ vật thiêng liêng của tình yêu, thì dù anh có xa cách bao lâu, có ở phương trời nào, em cũng vui lòng... Dù thế nào, em vẫn sẽ chung thủy chờ anh cho đến ngày toàn thắng...”. Ngọc Sơn cảm động, thương vợ vô cùng và sau đó anh sáng tác bài thơ “Tình em”.
Cuối năm ấy, Huy Du tình cờ đọc bài thơ này trên báo Văn nghệ. Đồng cảm với hoàn cảnh người lính, ông xúc động phổ nhạc bài thơ. Tiết tấu uyển chuyển, thơ - nhạc hòa quyện ngân nga, thể hiện tâm tình người vợ bộ đội trong chiến tranh: “Anh, anh đi xa bao núi/ Tình em như khe suối/ Anh đi biệt tháng ngày/ Tình em như sông dài”.
Giữa chiến tranh ác liệt, “Tình em” đã truyền lửa cho biết bao chiến sĩ thêm lạc quan yêu đời, vững tin vào tình yêu, cuộc sống: “Mà sao em xa anh/ Đời vẫn xanh rời rợi/ Có gì đâu em ơi!/ Tình yêu là sự sống/ Nên nắng hửng trong lòng...”.
Nhạc sĩ Huy Du (1926 - 2007) tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi, gia nhập quân đội, từng là Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III, Đại biểu Quốc hội khóa VII, khóa VIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khóa VIII. Cùng với ca khúc, Huy Du còn sáng tác giao hưởng, nhạc cho phim và kịch nói.
Nhạc sĩ Huy Du được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhì và Ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật cho cụm tác phẩm: “Bế Văn Đàn sống mãi”, “Đường chúng ta đi”, “Anh vẫn hành quân”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Nổi lửa lên em”.
Ghi nhận những đóng góp của nhạc sĩ Huy Du, HĐND và UBND thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên ông cho một con phố ở quận Nam Từ Liêm. Lễ gắn biển tên phố đã được tổ chức trang trọng vào ngày 28-4-2022 vừa qua.