Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh. Có phiên giá vàng giao ngay và giao kỳ hạn theo hợp đồng tăng lên mức 1.535 USD/oz, đỉnh của 6 năm trước. Tuy nhiên, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn đánh thuế lên hàng hóa của Trung Quốc vào 1/9 tới thì giá vàng đã lao dốc mạnh về mốc 1.496 USD/oz
Vào giữa tuần, khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi xuống mức thấp dưới lợi suất kỳ hạn 2 năm thì thị trường chứng khoán chao đảo, vàng lại có cơ hội tăng mạnh giá. Hầu hết các bước điều chỉnh tăng - giảm giá trong tuần qua của vàng thế giới đều từ 10 USD đến trên 20 USD/oz. Những diễn biến của giá vàng một số chuyên gia đã nhận định vàng thế giới có thể tăng lên 1.600 USD/oz vào cuối tháng 8.
Mặc dù vậy, mở cửa phiên sáng nay, lúc 8 giờ 15 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức gần 1.514 USD/oz, giảm 10 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tính chung, tuần qua giá vàng thế giới vẫn tăng 20 USD/oz so với giá mở cửa tuần.
Giá vàng tăng mạnh.
Nhận định của chuyên gia, chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD tăng mạnh sẽ gây áp lực lên Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong tháng 9. Nếu vậy, vàng còn giảm sâu. Một số chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư có thể chốt lời khi giá vàng đang ở mức cao.
Một số chuyên gia lại nhận định ngược lại, vào ngày 1/9 tới Mỹ chỉ hoãn đánh thuế một số mặt hàng hóa của Trung Quốc, còn một số vẫn thực hiện. Như vậy, căng thảng thương mại chưa phải đã lắng xuống. Vàng còn có thể tăng trước ngày 1/9 tới do lo ngại căng thẳng thương mại leo thang.
Thị trường vàng trong nước tuần qua cũng có diễn biến đi theo xu hướng thế giới. Các bước giá điều chỉnh của vàng miếng SJC đều tăng - giảm mạnh từ 150.000 - 500.000 đồng/lượng mỗi phiên.
Đầu phiên sáng nay, thị trường trong nước vàng SJC và vàng nhẫn ít biến động giá. Đây là phiên ổn định giá nhất trong tuần qua.
Tính chung trong tuần vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 200.000 đồng/lượng. Vàng SJC trong các DN tăng 100.000 - 150.000 đồng/lượng chiều mua, nhưng tăng đến gần 500.000 đồng/lượng chiều bán, chênh lệch giữa 2 chiều mua bán cách nhau khá xa từ 550.000 - 600.000 đồng.
Giá xăng dầu tiếp tục giảm
Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định, từ 15h ngày 16/8, giá xăng E5RON92 giảm 544 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 514 đồng/lít; dầu diesel giảm 519 đồng/lít; dầu hỏa giảm 570 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.855 đồng/kg.
Với mức giảm trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn 19.358 đồng/lít với xăng E5RON92; không cao hơn 20.405 đồng/lít với xăng RON95-III.
Dầu diesel không cao hơn 16.504 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 15.396 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 14.072 đồng/kg.
Giá xăng dầu tiếp tục giảm.
Được biết, nguyên nhân của đợt giảm giá xăng dầu trong nước lần này là do giá xăng dầu thành phẩm thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm so với kỳ trước. Cụ thể: 66,966 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 3,063 USD/thùng, tương đương -4,37%); 70,197 USD/thùng xăng RON95 (giảm 2,702 USD/thùng, tương đương -3,71%).
Đây là lần thứ hai liên tiếp ghi nhận xăng dầu trong nước giảm giá, trước đó, chiều 1/8, xăng E5RON92 giảm 377 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 316 đồng/lít; Dầu diesel tăng 26 đồng/lít; dầu hỏa tăng 7 đồng/lít; dầu mazut giảm 53 đồng/kg.
Liên Bộ cũng giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít và trích lập Quỹ đối với các mặt hàng RON95 và các loại dầu ở mức 500 đồng/lít.
Mới đây, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị xem xét bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải ủng hộ, trong khi một số ý kiến cho rằng nên giữ quỹ với nhiều lý do. Nhiều đơn vị cho rằng việc quỹ bình ổn xăng dầu thực chất chỉ thu tiền của người mua xăng để "bình ổn" cho người mua xăng, trong khi giá xăng dầu đã "gánh" rất nhiều loại thuế phí khác.
Ngoài ra, việc trích lập và chi quỹ là động thái can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong khi Nhà nước vẫn đang kiểm soát và điều hành giá xăng dầu, không thể bỏ quỹ này.
Giá trái cây tăng
Theo quan niệm dân gian, lễ cúng rằm tháng 7 không nhất thiết phải chọn ngày đẹp, cứ trước ngày 15/7 âm lịch và lễ cúng tiến hành vào ngày có thời gian, thành tâm là được. Thông thường dân gian sẽ cúng từ 2 - 14/7 âm lịch. Vì vậy, nhu cầu mua sắm các loại hoa quả, vàng mã tăng khiến giá bán những mặt hàng này bắt đầu tăng.
Giá trái cây tăng.
Khảo sát của phóng viên tại một số chợ truyền thống trong các quận khu vực nội thành như quận Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân....cho thấy giá các loại hoa quả, vàng mã đã tăng cao hơn ngày thường.
Cụ thể, tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông) giá vàng mã tăng nhẹ từ 5.000 đến 10.000 đồng/y phục (trang phục làm bằng giấy) được bán với mức giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/bộ (tùy vào sự cầu kỳ của từng bộ). Giá các mặt hàng hoa quả tại chợ Hà Đông cũng tăng từ 10.000 đến 15.000 đồng/ kg cụ thể: Na dai 70.000 - 80.000 đồng/kg, Giá nhãn 60.000 - 80.000 đồng/kg,... giá một số loại hoa tăng từ 1.000 đến 5.000 đồng/bông.
Tại các chợ như Phùng Khoang (Thanh Xuân), chợ Thành Công (Đống Đa), chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) và chợ Giáp Bát (Hoàng Mai), giá các loại hoa quả tăng giá từ mấy hôm trước cụ thể: Giá lê xanh: 70.000 đồng/kg, na dai 60.000 - 70.000 đồng/kg tại chợ Giáp Bát, nhãn 55.000 - 80.000 đồng/kg tại chợ Dịch Vọng Hậu, Thanh Long ruột đỏ 80.000 đồng/kg, xoài 110.000 đồng/kg, măng cụt 120.000 đồng/kg…
Theo các tiểu thương bán hoa quả ở chợ Giá Bát (Hoàng Mai) cho biết, hoa quả tăng giá do vừa qua bão sô 3 ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất của các nhà vườn. Chị Lương một tiểu thương bán hoa quả tại đây cũng cho hay, nếu như năm trước, đầu mùa na có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, thì năm nay giá na lại có xu hướng tăng như thời điểm này giá na đang được bán tại chợ dao động từ 55.000 - 70.000 đồng/kg tùy từng loại. Nguyên nhân được cho là năm nay thời tiết thất thường, na mất mùa.
Một tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Thành Công cũng cho hay: Nếu như mùa nhãn 2018 khi bước vào chính vụ thu hoạch giá nhãn chỉ khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg nhưng năm nay nhãn chính vụ giá bán lên đến 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Còn tại các siêu thị lớn như Big C, Saigon,...giá một số loại hoa quả không có sự biến động nhiều theo đó ghi nhận tại siêu thị Big C Thăng Long hôm 12/8 vừa qua giá một số mặt hàng hoa quả cũng tương đối ổn định: táo Fuji Hàn Quốc có giá 80.000 đồng/kg, bưởi da xanh có giá 53.000 đồng/kg, Nho đỏ Việt Nam có giá 43.000 đồng/kg, nho đỏ không hạt có giá 100.000 đồng/kg,...
Không chỉ các loại trái cây tăng giá mà hoa tương cũng trong tình trạng tương tự. Cụ thể, hoa cúc (trắng và vàng): tăng 10-20 nghìn đồng/1 bông, giá mỗi bông là khoảng 20-25 nghìn đồng. Hoa hồng: tăng từ 5-10 nghìn đồng/1 bông, giá mỗi bông là khoảng 15-20 nghìn đồng. Hoa lan, mẫu đơn, huệ: tăng từ 5-7 nghìn đồng/1 bông, giá mỗi bông là khoảng 10-20 nghìn đồng. Hoa đồng tiền: tăng 2.000 đồng/1 bông, giá mỗi bông là khoảng 4 nghìn đồng.
Theo chia sẻ của nhiều chủ hàng hoa, giá hoa tăng không chỉ bởi nhu cầu thị trường tăng cao mà còn do các làng trồng hoa như Tây Tựu, Mê Linh vừa trải qua một đợt nắng nóng khiến lượng hoa cung ứng giảm mạnh. Nhiều cửa hàng hoa muốn nhập số lượng nhiều cũng phải đi tìm nguồn cung rất vất vả.
Giá rau xanh tăng mạnh
Ghi nhận tại chợ Đà Lạt, nhiều loại rau thông dụng đã tăng giá. Giá tăng tập trung ở các loại rau thuộc nhóm rau lá: xà lách, hành lá, cải... Một số loại rau khác như cải thảo, xà lách xoong, bắp sú, cải xanh... giá đã tăng từ 10-15% so với tuần trước.
Rau xanh tăng giá.
Còn tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giá rau củ, quả đang tăng từ 10 - 25% so với tuần trước. Theo các tiểu thương, thời tiết thất thường gây mưa lớn liên tục trong tuần qua đã khiến các vùng trồng rau xanh, củ quả cung cấp cho TP Hồ Chí Minh như miền Tây, Đà Lạt, Tây Nguyên... bị ngập úng, thiệt hại nặng đã khiến nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng.
Tại chợ Phước Bình (quận 9), rau muống, rau cải xanh có giá 20.000 đồng/kg; rau dền, mồng tơi có 25.000 đồng/kg... tăng 3.000 - 6.000 đồng/kg so với tuần trước đó; rau bí có giá 45.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg… Một số loại củ, quả xuất xứ Đà Lạt như cà chua, khoai tây, bí đỏ, bí xanh... cũng tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng/kg. Riêng hành tây, cà rốt, củ cải, các chủ vựa rau cho biết họ không thể đặt hàng cho khoảng 1 tuần tới.
Cùng với rau xanh, trong tuần qua, giá lợn hơi miền Bắc và miền Nam liên tục biến động, tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với tuần trước. Giá liên tục tăng vì thương lái đẩy mạnh mua hàng, trong khi lượng lợn nuôi của người dân đang giảm. Bên cạnh đó, thông tin giá lợn Trung Quốc ngày càng cao, nên nhiều thương lái đẩy mạnh gom hàng chờ cơ hội xuất đi. Tiếp nối miền Bắc, giá lợn ở miền Nam từ mức 30.000 - 31.000 đồng/kg tuần trước cũng tăng lên 35.000 - 36.000 đồng/kg.
Là vùng chịu thiệt hại nặng bởi dịch tả lợn châu Phi, nhưng tại Đồng Nai, tình hình thu mua cũng đã sôi động trở lại. Dự báo giá lợn trong tháng 9 còn đi lên do thương lái tiếp tục đẩy mạnh thu mua.
Giá cá tra giảm mạnh
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2019 cá nguyên liệu còn mức cao khoảng 30.000-31.000 đ/kg, sau đó giảm liên tục và hiện còn khoảng 20.500đ/kg.
Giá cá tra nguyên liệu phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu, sản lượng cá tra và các yếu tố khác. Nhưng hậu quả còn kéo theo cá tra giống giảm mạnh liên tục theo xu thế của giá cá nguyên liệu. Cá tra giống từ đầu năm đến tháng 3/2019 giá cao khoảng 30.000đ/kg nhưng hiện giảm còn khoảng 17.500đ/kg.
Các nguyên nhân khiến giá cá tra giảm do bất lợi từ thuế chống bán phá giá tại Mỹ, trong khi tình hình tiêu thụ tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc đang chậm lại vì chính sách nhập khẩu và diện tích nuôi cá được mở rộng quá nhanh.
Giá cá tra giảm mạnh.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) 4 tháng liên tiếp từ tháng 3-6/2019, giá trị xuất khẩu cá tra giảm từ 6-17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 961,6 triệu USD, giảm 4,1% so với nửa đầu năm 2018. Thị trường Trung Quốc và Hong Kong vẫn đang dẫn đầu với 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam, tiếp đến là EU (15%) và Mỹ (14,2%).
Những tháng cuối năm không có giải pháp “tăng tốc”, xuất khẩu cá tra khó đạt được mục tiêu 2,3 tỷ USD trong năm 2019.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm soát, không gia tăng diện tích thả nuôi, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các địa phương phải xây dựng hiệu quả chuỗi liên kết để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm vì đây là yêu cầu bắt buộc mà các thị trường nhập khẩu đã và đang đặt ra