Thúy Kiều đánh đàn gì?

Đặng Thiêm| 13/05/2022 12:02

Thúy Kiều  đánh đàn gì?
Tác phẩm “Nguyệt ước ” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm lấy tứ từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Như mọi người yêu “Truyện Kiều”, tôi rất ái mộ tài đàn tuyệt vời của nàng và nhất là những câu thơ tuyệt diệu của cụ Nguyễn Du mô tả tiếng đàn ấy mà trong “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân, cho dù viết bằng văn xuôi cũng chẳng có là bao.
Này nhé, trong đêm đàn cho Kim Trọng, người yêu đầu đời nghe, nàng đã dạo bao nhiêu khúc mà vẫn:

Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa...
Thật là bay bổng! Thật là xôn xao! Biết bao náo nức dồn dập mà phơi phới sáng trong.
Khi đàn trong tiệc tẩy trần do Hoạn Thư bày ra để hành hạ nàng và chàng Thúc Sinh thì:
Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.
Và khi buộc phải hầu đàn cho Hồ Tôn Hiến, kẻ đã giết chồng mình thì:
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay
Ve ngâm, vượn hú nào đây!...
Nhưng khi sum họp, tái hồi Kim Trọng thì:
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!
Có thể nói tiếng lòng nàng đã hóa âm thanh!
Vậy Thúy Kiều đã sử dụng cây đàn gì mà hay đến thế?
Mấy năm trước đây trong chương trình “Đấu trường một trăm” trên VTV3 đã nêu câu hỏi này. Và đáp án được đưa ra là cây đàn nguyệt với lý do cụ

Nguyễn Du đã viết:
Hiên sau treo sẵn cầm trăng
Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày
Đàn trăng tức là đàn nguyệt! Đúng rồi! Nhưng nguyệt chỉ có hai dây trong khi vẫn cây đàn ấy, cụ Nguyễn Du lại viết tiếp:
So dần dây vũ dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương!
Do vậy, theo tôi không phải Thúy Kiều đánh đàn nguyệt.
“Truyện Kiều” do giáo sư Đặng Thanh Lê trích giới thiệu và chú thích (Tác phẩm chọn lọc dùng trong nhà trường – Nxb Giáo dục, 1972) giải: Hồ cầm là một loại đàn tỳ bà (chú thích số 4, trang 33)
Tỳ bà đúng là có 4 dây, nhưng bầu đàn không tròn như nguyệt mà có hình giọt nước, giống như cây đàn măng-đô-lin ngày nay.
Sách giáo khoa văn lớp 7 những năm 60 của thế kỷ trước chú thích: Câu “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương” trong bài “Chị em Thúy Kiều”: hồ cầm là đàn hồ, giống như cây nhị của ta trong bát âm.
Cây nhị chỉ có 2 dây và kéo bằng cần mã vĩ. Vậy càng không đúng. Nguyệt không phải! Tỳ bà không phải! Nhị không phải! Vậy thì cây đàn của Thúy Kiều là đàn gì?
Mãi đến khi Giáo sư, Viện sĩ Trần Văn Khê ở Viện Âm nhạc Paris (Pháp) về thăm Học viện Âm nhạc Hà Nội, tôi mới rõ.
Theo Giáo sư, Viện sĩ Trần Văn Khê thì đó là cây nguyễn cầm. Đàn do ông Nguyễn Hàm đời Tây Tần (265 - 420) sáng tạo. Đàn có bầu tròn như nguyệt, cần dài, có 4 dây, 2 dây to, âm trầm, 2 dây nhỏ âm cao, gọi là dây vũ, dây văn, hội âm rất phong phú. Người phương Bắc rất chuộng nên còn gọi là hồ cầm, nguyễn cầm rất thịnh vào đời Minh, nay đã thất truyền, chỉ còn một cây đàn nguyên bản được lưu giữ trong Viện Bảo tàng Shosoin, Nhật Bản. Lời giải thích của Giáo sư, Viện sĩ Trần Văn Khê làm tôi thỏa mãn. Vậy là mọi điều Nguyễn Du viết về cây đàn của Thúy Kiều đều chính xác.
Tôi bỗng nhớ tới bài “Long thành cầm giả ca” của Nguyễn Du, nguyên văn bằng chữ Hán, Hoàng Tạo dịch, đoạn đầu như sau:
Đất Long Thành có giai nhân nọ
Không ai hay tên họ là gì
Nguyễn cầm nổi tiếng đương thì
Tên cầm mượn của đàn kia gọi người!
Hẳn là đàn nguyễn cầm ở thời Nguyễn Du rất thịnh.
Tôi lại nhớ tới bài thơ “Kim Lăng tạp cảm” của Dư Hoài (1916 -?), người Phúc Kiến, đời Thanh, người đã viết “Vương Thúy Kiều truyện” câu chuyện tiền thân “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân mà cụ Nguyễn nhà mình đã dựa vào để viết nên kiệt tác của mình) có câu:
Phách nguyễn đàn tranh thượng tửu lâu
Nghĩa là:
Gảy nguyễn cầm bước lên lầu rượu
Tôi càng tin tưởng lời giải thích của Giáo sư, Viện sĩ Trần Văn Khê. Đó là lý do tôi viết bài này để bạn đọc yêu “Truyện Kiều” tham khảo. Và nếu có thể xin được xem là một tư liệu đính chính. 
(0) Bình luận
  • Thị trường nghệ thuật Việt Nam: Chuyên nghiệp để bứt phá
    Nghệ thuật Việt Nam gần đây thu hút sự chú ý đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước. Các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam không chỉ được công nhận về mặt giá trị nghệ thuật mà còn đạt được mức giá cao, phản ánh sự gia tăng sức hút và quan tâm của các nhà sưu tầm, người yêu mỹ thuật, cũng như các hãng đấu giá quốc tế.
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thúy Kiều đánh đàn gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO