Thúy Kiều đánh đàn gì?
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 12:02, 13/05/2022
Tác phẩm “Nguyệt ước ” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm lấy tứ từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Như mọi người yêu “Truyện Kiều”, tôi rất ái mộ tài đàn tuyệt vời của nàng và nhất là những câu thơ tuyệt diệu của cụ Nguyễn Du mô tả tiếng đàn ấy mà trong “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân, cho dù viết bằng văn xuôi cũng chẳng có là bao.
Này nhé, trong đêm đàn cho Kim Trọng, người yêu đầu đời nghe, nàng đã dạo bao nhiêu khúc mà vẫn:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa...
Thật là bay bổng! Thật là xôn xao! Biết bao náo nức dồn dập mà phơi phới sáng trong.
Khi đàn trong tiệc tẩy trần do Hoạn Thư bày ra để hành hạ nàng và chàng Thúc Sinh thì:
Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.
Và khi buộc phải hầu đàn cho Hồ Tôn Hiến, kẻ đã giết chồng mình thì:
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay
Ve ngâm, vượn hú nào đây!...
Nhưng khi sum họp, tái hồi Kim Trọng thì:
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!
Có thể nói tiếng lòng nàng đã hóa âm thanh!
Vậy Thúy Kiều đã sử dụng cây đàn gì mà hay đến thế?
Mấy năm trước đây trong chương trình “Đấu trường một trăm” trên VTV3 đã nêu câu hỏi này. Và đáp án được đưa ra là cây đàn nguyệt với lý do cụ
Nguyễn Du đã viết:
Nguyễn Du đã viết:
Hiên sau treo sẵn cầm trăng
Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày
Đàn trăng tức là đàn nguyệt! Đúng rồi! Nhưng nguyệt chỉ có hai dây trong khi vẫn cây đàn ấy, cụ Nguyễn Du lại viết tiếp:
So dần dây vũ dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương!
Do vậy, theo tôi không phải Thúy Kiều đánh đàn nguyệt.
“Truyện Kiều” do giáo sư Đặng Thanh Lê trích giới thiệu và chú thích (Tác phẩm chọn lọc dùng trong nhà trường – Nxb Giáo dục, 1972) giải: Hồ cầm là một loại đàn tỳ bà (chú thích số 4, trang 33)
Tỳ bà đúng là có 4 dây, nhưng bầu đàn không tròn như nguyệt mà có hình giọt nước, giống như cây đàn măng-đô-lin ngày nay.
Sách giáo khoa văn lớp 7 những năm 60 của thế kỷ trước chú thích: Câu “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương” trong bài “Chị em Thúy Kiều”: hồ cầm là đàn hồ, giống như cây nhị của ta trong bát âm.
Cây nhị chỉ có 2 dây và kéo bằng cần mã vĩ. Vậy càng không đúng. Nguyệt không phải! Tỳ bà không phải! Nhị không phải! Vậy thì cây đàn của Thúy Kiều là đàn gì?
Mãi đến khi Giáo sư, Viện sĩ Trần Văn Khê ở Viện Âm nhạc Paris (Pháp) về thăm Học viện Âm nhạc Hà Nội, tôi mới rõ.
Theo Giáo sư, Viện sĩ Trần Văn Khê thì đó là cây nguyễn cầm. Đàn do ông Nguyễn Hàm đời Tây Tần (265 - 420) sáng tạo. Đàn có bầu tròn như nguyệt, cần dài, có 4 dây, 2 dây to, âm trầm, 2 dây nhỏ âm cao, gọi là dây vũ, dây văn, hội âm rất phong phú. Người phương Bắc rất chuộng nên còn gọi là hồ cầm, nguyễn cầm rất thịnh vào đời Minh, nay đã thất truyền, chỉ còn một cây đàn nguyên bản được lưu giữ trong Viện Bảo tàng Shosoin, Nhật Bản. Lời giải thích của Giáo sư, Viện sĩ Trần Văn Khê làm tôi thỏa mãn. Vậy là mọi điều Nguyễn Du viết về cây đàn của Thúy Kiều đều chính xác.
Tôi bỗng nhớ tới bài “Long thành cầm giả ca” của Nguyễn Du, nguyên văn bằng chữ Hán, Hoàng Tạo dịch, đoạn đầu như sau:
Đất Long Thành có giai nhân nọ
Không ai hay tên họ là gì
Nguyễn cầm nổi tiếng đương thì
Tên cầm mượn của đàn kia gọi người!
Hẳn là đàn nguyễn cầm ở thời Nguyễn Du rất thịnh.
Tôi lại nhớ tới bài thơ “Kim Lăng tạp cảm” của Dư Hoài (1916 -?), người Phúc Kiến, đời Thanh, người đã viết “Vương Thúy Kiều truyện” câu chuyện tiền thân “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân mà cụ Nguyễn nhà mình đã dựa vào để viết nên kiệt tác của mình) có câu:
Phách nguyễn đàn tranh thượng tửu lâu
Nghĩa là:
Gảy nguyễn cầm bước lên lầu rượu
Tôi càng tin tưởng lời giải thích của Giáo sư, Viện sĩ Trần Văn Khê. Đó là lý do tôi viết bài này để bạn đọc yêu “Truyện Kiều” tham khảo. Và nếu có thể xin được xem là một tư liệu đính chính.