Thực hiện hương ước, quy ước: Hình thành giá trị văn hoá chuẩn mực của Thủ đô

KTĐT| 12/01/2022 10:29

Ban Dân Vận Thành uỷ - UBND TP Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị toạ đàm trực tuyến “Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn TP Hà Nội”.

Thực hiện hương ước, quy ước: Hình thành giá trị văn hoá chuẩn mực của Thủ đô

Chủ trì Hội nghị có Trưởng ban Dân vận Thành uỷ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở Nguyễn Doãn Toản; cùng Phó Chủ tịch thường trực UBND TP, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở TP Lê Hồng Sơn.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có: Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể - Ban Dân Vận T.Ư Ngọ Văn Khuyến; các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở và lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội.

Tham gia Hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện 30 quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn.

Loại bỏ hủ tục lạc hậu

Tại Hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hoà (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Ngọc cho biết: Trong những ngày đầu thực hiện hiện quy ước, hương ước gắn thực hiện nếp sống văn minh của vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn xã Vân Hòa đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Nguyên dân dẫn đến những khó khăn là do trình độ nhận thức của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế, các hủ tục, phong tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức.

Đại diện các địa phương phát biểu tại các điểm cầu.
Đại diện các địa phương phát biểu tại các điểm cầu.

Đơn cử, trong việc tổ chức đám cưới, người dân ăn uống kéo dài nhiều ngày, sử dụng nhiều bia rượu, có nhiều đám cưới tảo hôn; yêu cầu, đòi hỏi sính lễ rườm rà, phức tạp, cần có sự chuẩn bị công phu mất nhiều thời gian gây tốn kém, lãng phí tiền của, đem lại tâm lý làm theo phong trào, có sự so bì. Thực trạng đó đã làm ảnh hưởng rất lớn trong công tác vận động tuyên truyền và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương trong đó có công tác xây dựng nếp sống văn hóa. 

Vì vậy, trong những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân xã Vân Hòa đã tích cực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn hóa. Trong đó, việc xây dựng Quy ước, hương ước nêu rõ: Trong đám cưới không tổ chức ăn uống kéo dài, chỉ gói gọn trong 1 bữa với số lượng khách mời không quá 50 mâm.  

Lễ dạm ngõ, lễ hỏi, lễ xin dâu được cắt gọn không tổ chức rườm rà kéo dài nhiều ngày mà được kết hợp trong cùng với ngày cưới, không tổ chức mở nhạc sau 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng. Cô dâu chú rể không thuê váy áo nhiều tầng, không thuê nhạc sống mà thay vào đó là các tiết mục văn nghệ của Đội bảo tồn văn hóa cồng chiêng; không chụp ảnh cưới đắt tiền, không mời thuốc lá. Khuyến khích cô dâu chú rể và người đến tham dự đám cưới mặc trang phục dân tộc.

“Khi những quy ước, hương ước đi vào cuộc sống đã góp phần bãi bỏ các hủ tục lạc hậu. Đặc biệt là trong đám cưới không còn ăn uống kéo dài nhiều ngày, trong mâm cỗ không còn hiện tượng uống nhiều rượu, các thủ tục rườm rà, cỗ bàn bày biện mời khách đông được cắt gọn, với nét văn hóa ứng xử thân thiện, mến khách, văn minh, lịch sự, trọng tình, trọng nghĩa trong giao tiếp, ứng xử, trong đời sống xã hội ngày càng được quan tâm coi trọng” - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hoà Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ.

Từ những kết quả đã đạt được trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn TP Hà Nội, theo Bí thư Đảng ủy thị trấn Sóc Sơn Nguyễn Mạnh Hùng, trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động mới như: Cuộc vận động Nhân dân thị trấn “Đổ rác theo giờ”, xây dựng điểm mô hình “Bác sĩ gia đình”, mô hình dòng họ, gia đình học tập, xã hội học tập và nay là cuộc vận động xây dựng mô hình “Công dân học tập”. Mô hình trao giấy kết hôn tập thể tại trụ sở UBND nhằm gặp gỡ, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân thực hiện đám cưới “Văn minh, tiết kiệm”. Xây dựng và tổ chức hiệu quả công tác phòng dịch qua hoạt động của “Tổ covid cộng đồng”.

Điều chỉnh quy ước, hương ước phù hợp với thực tiễn

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh: Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng trong thời gian qua đã góp phần mang lại một số hiệu quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương, dân tộc; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở.

Trưởng ban Dân vận Thành uỷ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở Nguyễn Doãn Toản phát biểu.
Trưởng ban Dân vận Thành uỷ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở Nguyễn Doãn Toản phát biểu.

Nội dung các hương ước, quy ước đã bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội.

Nhiều bản hương ước, quy ước đã thể hiện được tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư; khôi phục, phát huy được những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của thôn, làng, dòng họ; bài trừ nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được đã nói trên, tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở Nguyễn Doãn Toản đề nghị: Việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn TP cũng còn có những hạn chế cần phải được điều chỉnh, khắc phục.

Cụ thể, một số hương ước, quy ước có nội dung chưa đúng quy định pháp luật; xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân; nhiều hương ước sơ sài về nội dung, sao chép, lặp lại chính sách, pháp luật, thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, thuần phong mỹ tục của địa phương; việc xây dựng, thực hiện hương ước ở một số địa phương còn hình thức; nhiều nơi việc xây dựng, thực hiện hương ước không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà chủ yếu là để chạy theo bệnh thành tích.

Do đó, trong bối cảnh dịch Covid-19, hơn bao giờ hết, việc phát huy vai trò, ý thức, sự đồng lòng hưởng ứng, tin tưởng của Nhân dân vào công tác phòng, chống dịch của TP là điều cực kỳ quan trọng. Tất cả mong muốn đó cần được truyền tải tới tận cộng đồng dân cư và là một trong những căn cứ để xây dựng hương ước, quy ước.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở TP Lê Hồng Sơn đã đánh giá cao những kết quả đã đạt được của việc tổ chức, thực hiện các quy ước, hương ước trên địa bàn TP Hà Nội.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở TP Lê Hồng Sơn phát biểu.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở TP Lê Hồng Sơn phát biểu. 

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị: Sở VH&TT Hà Nội tổng hợp ý kiến các tham luận tại Hội nghị để biên soạn tài liệu để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cơ sở về việc thực hiện quy ước, hương ước.

Sở VH&TT tiếp tục tham mưu cho UBND TP có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước phù hợp với đặc điểm, tình hình từng địa phương, cụm dân cư.

Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước phù hợp với định hướng chung; đồng thời thể hiện được những nét riêng biệt, đặc thù của từng cộng đồng dân cư. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung, đề nghị UBND các cấp huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình xây dựng hương ương, quy ước.

Tiếp tục tăng cường, tuyên truyền, vận động Nhân dân tự giác thực hiện hương ước, quy ước; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định.

Đồng thời, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề xuất gắn việc kiểm tra công tác thực hiện dân chủ cơ sở với xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước.

(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện hương ước, quy ước: Hình thành giá trị văn hoá chuẩn mực của Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO