Sự kiện & Bình luận

Thừa Thiên - Huế: Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với di sản

Hà Oai 16:25 23/02/2024

Thừa Thiên – Huế phát triển công nghiệp văn hóa gắn với di sản kiến trúc cảnh quan, di sản văn hóa phi vật thể, ẩm thực… để thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Phát triển Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa.

Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, tạo công ăn việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Theo đó, công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành ngành kinh tế trọng điểm của nhiều quốc gia trên thế giới và trong đó có Việt Nam. Cụ thể, ngày 8/9/2016 Chính phủ Việt Nam ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030” và đã thúc đẩy phát triển 12 lĩnh vực gồm quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa.

2.jpg
Bắn pháo hoa tầm cao chào đón năm mới Giáp Thìn 2024 tại Huế.

Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Vì vậy, di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương cho du khách, tạo nền tảng cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Cố đô Huế là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể và phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán... Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã sở hữu các thương hiệu “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”...

Di sản Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là 7 di sản đã được UNESCO vinh danh gồm Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017). Gần 1.000 công trình, địa điểm được kiểm kê và phân công quản lý (trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia và 80 di tích cấp tỉnh) 205 công trình, địa điểm nằm trong danh mục kiểm kê của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt, công bố.

Thừa Thiên Huế xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một lợi thế đặc thù, chính các giá trị văn hóa Huế từ di sản kiến trúc cung đình, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể, ẩm thực, áo dài, nghề thủ công truyền thống vốn có đã là nguyên liệu tuyệt vời để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng vào việc thực hiện công nghiệp văn hóa tại địa phương. Theo đó, thời gian qua Thừa Thiên Huế đã triển khai xây dựng chương trình 3D cho khu vực Thế Miếu - Hiển Lâm Các dưới dạng mô hình kỹ thuật số 3 chiều có độ chính xác cao, thực hiện kỹ thuật scan 3D và sử dụng dữ liệu thu được một cách triệt để trong hoạt động trùng tu di tích, phối hợp với Viện Công nghệ cao Hàn Quốc (KAIST) thực hiện quét và dựng phim quảng bá giới thiệu việc tái tạo Hoàng thành Huế và di tích Hổ Quyền bằng công nghệ 3D, triển khai chương trình thực tế ảo “Đi tìm hoàng cung đã mất”...

Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang phối hợp với Công ty VietSoftPro, AGS xây dựng kế hoạch số hóa các dữ liệu văn hóa, du lịchvà triển khai rộng rãi các ứng dụng App ca Huế, quản lý quảng cáo, du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số dạng triển khai tại Thừa Thiên Huế như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping…

1.jpg
Tái hiện Lễ Ban sóc Triều Nguyễn trước cổng Ngọ Môn Huế.

Bên cạnh đó, ẩm thực Huế cũng thu hút du khách bởi sự đa dạng, độc đáo, tinh tế trong cách chế biến và trình bày với những ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình và ẩm thực chay. Điện ảnh cũng đã và đang góp phần phát triển công nghiệp văn hóa ở Thừa Thiên – Huế với nhiều nhà làm phim lựa chọn Huế là điểm đến để thực hiện các cảnh quay tạo được sức lan tỏa, quảng bá lớn, tiêu biểu như Truyền hình Studio Lambert Associates (Anh), Đài truyền hình NHK (Nhật Bản), Công ty CyArk (Mỹ), Công ty sản xuất chương trình truyền hình FASAD (Thụy Điển)… và có nhiều tác phẩm điện ảnh đạt giải cao trong các Liên hoan phim danh tiếng trong nước và quốc tế như “Đông Dương” đoạt giải Oscar, “Cô gái trên sông” đoạt giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam 1987, “Ngọn nến hoàng cung” đoạt giải Cánh Diều Vàng 2004, “Trăng nơi đáy giếng" đoạt giải Cánh diều Bạc 2008 - đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Madrid - Tây Ban Nha lần thứ 8. Gần đây nhất là các phim “Nàng thơ xứ Huế” hay “Gái giả lắm chiêu 3”, “Gái già lắm chiêu 4”, “Kiều” và đặc biệt là bối cảnh từ những miền quê xứ Huế đã mang phim “Mắt biếc” - đạo diễn Victor Vũ thu hút đông đảo công chúng…

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa

Xây dựng và phát triển văn hóa - nghệ thuật Thừa Thiên - Huế đã được đặt trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, giúp các ngành công nghiệp văn hóa hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng hiện đại hóa dựa trên cơ sở xây dựng nền hành chính điện tử và đô thị thông minh, tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của Internet để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Thừa Thiên - Huế một cách mạnh mẽ, rộng rãi, nhanh chóng hơn nữa đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về phát triển công nghiệp văn hóa gắn với quảng bá tuyên truyền lợi thế, tiềm năng về phát triển công nghiệp văn hóa để thu hút nguồn lực đầu tư.

Đồng thời, đầu tư mạnh mẽ cho các thiết chế cộng đồng như cảnh quan, hạ tầng dịch vụ của các làng cổ, khu phố cổ và xây dựng mới các không gian nền tảng cho văn hóa, du lịch. Tổ chức thường xuyên các hoạt động hội nghị, hội thảo, tổ chức chương trình sự kiện, hội chợ, cuộc thi... nhằm gặp gỡ, trao đổi giữa các chuyên gia với giới trẻ, doanh nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ, cơ sở kinh doanh có điều kiện khởi nghiệp từ các giá trị văn hóa truyền thống, ẩm thực, các ngành nghề thủ công truyền thống.

Duy trì Festival Huế theo hướng tổ chức quanh năm, bốn mùa lễ hội với nhiều chủ đề sáng tạo. Tăng cường công tác giao lưu, trao đổi văn hóa sẽ được mở rộng, các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa được kết nối, triển khai đồng bộ, thuận lợi... thúc đẩy sự phát triển hoạt động ngoại giao văn hóa.

3.jpg
Hình ảnh Lễ hội áo dài tại Festival Huế 2023.

Đồng thời có cơ chế chính sách để thu hút nguồn đầu tư, xã hội hóa hoạt động văn hóa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nâng cấp, khai thác phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, hình thành các bảo tàng mỹ thuật tư nhân, các gallery, các không gian sáng tạo nghệ thuật - khởi nghiệp, các trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật, các trung tâm thiết kế thời trang, trưng bày, thao diễn nghề truyền thống và mạng lưới liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế: Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO