Động lực mới để ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “cất cánh”
“Hội nghị Diên Hồng” về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, thông qua Hội nghị giúp chúng ta có động lực mới để phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo định hướng, mục tiêu đặt ra.
Giàu tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa
Tạp chí Người Hà Nội đã đưa tin, ngày 22/12/2023, “Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” diễn ra trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là lần đầu tiên ở nước ta có “Hội nghị Diên Hồng” về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, với ý nghĩa “khơi thông” dòng chảy để ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “cất cánh” đúng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Tại “Hội nghị Diên Hồng” này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng và thể hiện tại 6 nội dung. Nổi bật là có sự thống nhất chung trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công nghiệp văn hóa được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình và bối cảnh mới; ngày càng nhiều doanh nghiệp, người lao động tham gia phát triển công nghiệp văn hóa...
Song song đó, các nguyên nhân, hạn chế, tồn tại, thách thức đặt ra khiến ngành công nghiệp văn hóa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam cũng được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu ra và phân tích cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa, bao gồm truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, đa dạng, có bản sắc riêng với 54 dân tộc. Việt Nam còn có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và sự đa dạng, phong phú. Người dân nước ta cần cù, sáng tạo và mến khách, thêm nữa nguồn nhân lực trẻ, dồi dào. Quốc gia hình chữ S đã và đang đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân tạo điều kiện, cơ hội cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Khi nhận diện được những điểm nghẽn, rút ra được bài học kinh nghiệm; cùng với tiềm năng, cơ hội để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao nhiệm vụ và các giải pháp cho từng bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố trên cả nước...
Ngành văn hóa được “gửi gắm” nhiều nhiệm vụ trọng tâm
Trong đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được Thủ tướng Chính phủ “gửi gắm” nhiều nhiệm vụ nhất. Đó là phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ngành văn hóa cũng xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa.
Thêm nữa, Bộ Văn hóa nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa (về thuế, đất đai, đầu tư,…), nhất là những lĩnh vực ưu tiên gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo.
Cùng đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương hỗ trợ và khuyến khích liên kết, hình thành mạng lưới các trung tâm công nghiệp văn hóa, các không gian sáng tạo trên cả nước và kết nối với quốc tế. Hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ và đăng ký tham gia vào mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Đặc biệt, ngành văn hóa tăng cường kết nối thị trường cho các sản phẩm sân khấu, âm nhạc, chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các thành phố lớn, khu vực trung tâm ở trong nước và quốc tế. Có phương án phát triển thiết kế mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp, thiết kế đồ hoạ và khuyến khích các sáng tạo đột phá khai thác giá trị văn hóa Việt Nam trong thiết kế bao bì sản phẩm, giao diện, quảng cáo và truyền thông, trang trí, thiết kế thời trang và may mặc. Xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành bản đồ số về các ngành công nghiệp văn hóa. Cùng các bộ, ngành liên quan tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số, xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa.
Một nhiệm vụ nữa đối với Bộ Văn hóa thời gian tới, đó là đề xuất xây dựng kế hoạch đổi mới hoạt động đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa. “Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công nghiệp văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng kỹ thuật số. Tổ chức thường niên các sự kiện ở cấp quốc gia và quốc tế để kết nối, giao lưu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa, lồng ghép trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Công bố, giới thiệu, vinh danh kịp thời các cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp có nhiều đóng góp hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh.
Luôn đồng hành, ủng hộ các chuyên gia, nhà hoạt động văn hóa
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó đặc biệt chú ý phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo và người thực hành sáng tạo trên địa bàn.
Các địa phương lựa chọn lĩnh vực công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững. Chính quyền các địa phương đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển, khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng của địa phương, gắn các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa với du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm.
Đối với các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, Thủ tướng đề nghị các chuyên gia tiếp tục phát huy tâm huyết của mình trong việc nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm, sản phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương... luôn đồng hành ủng hộ, tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà hoạt động văn hóa với đam mê sáng tạo không có giới hạn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính, khẳng định./.