Sự kiện & Bình luận

Nhiều thành tựu trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Trung Kiên 22/12/2023 23:30

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, ngành công nghiệp văn hóa nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật song bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.

van-hoa.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. (Ảnh: Bộ VHTT-DL).

Sáng 22/12 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đây là “hội nghị Diên Hồng” về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cho biết, Việt Nam đã trải qua chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam (Chiến lược 1755), với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Các ngành công nghiệp văn hoá vào GDP rất lớn, chỉ trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 44 tỷ USD. Theo người đứng đầu ngành văn hóa, trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.

So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hoá và còn nhiều dư địa phát triển.

sang-tao.jpg
Hà Nội là Thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các ngành công nghiệp văn hoá có nhiều đóng góp trong công tác quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Thủ đô Hà Nội, Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là 3 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Hà Nội trở thành thành phố Thiết kế sáng tạo, Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian. Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.

Công ước 2005 bảo vệ phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá của UNESCO được thông qua năm 2005, có hiệu lực từ tháng 3/2007. Với tư cách là thành viên có trách nhiệm của UNESCO, đã thể hiện sự đóng góp tích cực bằng hành động thông qua việc ban hành Chiến lược 1755; trúng cử và đảm nhiệm thành công vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước UNESCO nhiệm kỳ (2011-2015). Gần đây nhất, ngày 22/11/2023, Việt Nam đã trúng cử thành viên Uỷ ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu rất cao.

viet-nam.jpg
Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới.

Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2023 sau các năm 2019, 2020, 2022. Điều đó cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hoá - một trong 12 ngành công nghiệp văn hoá đối với cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, những kết quả nổi bật nêu trên có được từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai nhiệm vụ của các bộ, ngành địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược 1755 với công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh truyền thông, đặc biệt một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Đạt được các kết quả nổi bật về các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa còn cho rằng đến từ công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, việc ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển thị trường các ngành công nghiệp văn hóa, hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá vẫn còn nhiều bất cập và thách thức đặt ra, nhất là chúng ta chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá. Đồng thời, còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.

Bên cạnh đó, nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa (phần mềm, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, kiến trúc, thời trang…) chưa thực sự khai thác được hết các đặc trưng văn hoá bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có trong các sản phẩm, dịch vụ qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách hàng trong nước và quốc tế. Một số bộ phận doanh nghiệp và nhân dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nên việc vi phạm và xâm phạm thời gian qua đã tác động trực tiếp đến những người làm sáng tạo, đồng thời gây cản trở cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa…

Những bất cập, hạn chế, khó khăn này đến từ nhiều nguyên nhân, hạn chế khách quan và chủ quan./.

(Tạp chí Người Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin về các giải pháp của ngành văn hóa trong việc phát triển các ngành văn hóa tại Hội nghị qua bài viết tiếp theo: Bộ trưởng Bộ Văn hóa nêu 6 giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Mời quý độc giả đón đọc).

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thành tựu trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO