Thủ đô Hà Nội: Sáng ngời tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”
Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc, cùng cả nước, Thủ đô Hà Nội là thành hậu phương lớn, chi viện sức người sức của cho miền Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo đồng chí Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, ngay từ những ngày đầu chống thực dân Pháp tái xâm lược (1945), Hà Nội đã tiên phong trong phong trào Nam tiến. Trở thành Thủ đô, đồng thời là trung tâm của hậu phương lớn (1954), nhân dân Hà Nội cùng nhân dân các tỉnh miền Bắc ra sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Thủ đô Hà Nội đã tổ chức nhiều phong trào, nhiều hoạt động chia sẻ tình cảm, trách nhiệm với đồng bào miền Nam. Hàng ngàn cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành tố cáo tội ác của đế quốc xâm lược và tay sai, các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất, đấu tranh thống nhất Tổ quốc”... góp phần cổ vũ, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, miền Nam; hiệu triệu, thôi thúc, động viên lớp lớp cán bộ, thanh niên Thủ đô, thanh niên miền Bắc thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu.
Năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách. Thực hiện lệnh tổng động viên, các địa phương đồng loạt gọi thanh niên, sinh viên đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Hà Nội – Thủ đô của đất nước, tinh thần “Nước còn giặc còn đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân” lên cao và sinh viên các trường đại học Thủ đô đã rời ghế nhà trường, xếp lại bút nghiên lên đường tòng quân, tham gia lực lượng trùng điệp của lớp lớp thanh niên cả nước đi đánh giặc với ý chí thống nhất non sông.
.jpg)
Theo tiếng gọi của non sông, chỉ tính giai đoạn từ năm 1970 -1972, hơn 1 vạn sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đã lên đường nhập ngũ. Đông nhất là sinh viên các Trường Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng, Kinh tế kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân), Sư phạm, Mỏ - địa chất, Y dược... Có nhiều người mới học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài. Ngày lễ xuất quân, những anh lính sinh viên với khuôn mặt thư sinh lên đường tòng quân với tâm trạng phơi phới niềm tin. Từ những thư sinh chỉ miệt mài với đèn sách, trong các kỳ huấn luyện, mỗi đêm các tân binh phải đeo đến 20kg đất đựng trong sọt tre mà đi, chạy, để rèn sức dẻo dai cho chuyến hành quân vào chiến trường miền Nam ngay sau đó.
Cuối đợt huấn luyện, sau khi phân loại, các sinh viên được sắp xếp tham gia vào lực lượng bộ đội chủ lực, binh chủng phù hợp: Bách khoa thì vào pháo binh, thông tin; Y thì vào quân y; Mỏ- Địa chất vào công binh; Kinh tế, Tổng hợp vào bộ binh… nhưng phần đông sinh viên được biên chế vào các đơn vị chiến đấu như các trung đoàn 95, 101, 18 của Sư đoàn 325; 338; 308, trực tiếp tham chiến ở mặt trận Bình - Trị - Thiên. Đã có lớp thanh niên, sinh viên Thủ đô, tiêu biểu như bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã tình nguyện đến với chiến trường, hiến dâng tuổi thanh xuân cùng những ước mơ, hạnh phúc cá nhân để phụng sự cho ước mơ và tình yêu lớn của non sông đất nước; sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của dân tộc.
Bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã hy sinh, tạc vào lịch sử với lòng yêu nước nồng nàn, cháy bỏng. Nữ liệt sỹ để lại cho thế hệ mai sau những trang nhật ký chiến trường làm người đọc chực trào nước mắt. Từng trang nhật ký, hình ảnh một cô gái Hà Nội tuổi đôi mươi sẵn sàng lao vào khói lửa chiến tranh vì không muốn sống hoài, sống phí những năm tháng thanh xuân hiện lên sống động, gần gũi. Với lý tưởng sống đã chọn, bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã lao vào công việc với một nghị lực phi thường: lăn xả vào cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở. Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn và hằn dấu giày của những tên lính xâm lược, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm cho đến lúc hy sinh. “Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con luôn tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc” – nhật ký của bác sỹ Đặng Thùy Trâm phần nào nói lên tinh thần, ý chí và truyền thống anh hùng, kiên trung bất khuất của nhân dân Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.

Bác sỹ Đặng Thùy Trâm hay liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, thầy giáo Lê Anh Xuân, các sinh viên Chu Cầm Phong, Nguyễn Trọng Định... là đại diện tiêu biểu cho hàng chục ngàn sinh viên, tri thức Thủ đô Hà Nội “xếp bút nghiên” đến với chiến trường, vì miền Nam ruột thịt. Trong đó, nhiều người con của Thủ đô Hà Nội đã nằm lại nơi sa trường trong cuộc kháng chiến cứu quốc, qua đó làm nên bản hùng ca: Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh/ Ôi đẹp biết bao, biết mấy tự hào/ Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào/ Cờ sao đang tung bay cao...
Và, không chỉ chi viện sức người, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, qua Ban Thống nhất, miền Bắc đã chi viện miền Nam hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, quân trang quân dụng, xăng dầu, thuốc men và nhiều vật dụng khác. Hà Nội cũng là hậu phương lớn của miền Nam, luôn đảm bảo giao thông thông suốt, là tổng trạm luân chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam, kiên cường chiến đấu và chiến thắng mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù định, lập nên chiến công lừng lẫy “Điện Biên phủ trên không” tháng 12/1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo bước ngoặt dẫn đến đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Sau 50 năm Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, từ cội nguồn lịch sử, với ý chí quyết tâm chiến đấu giành độc lập tự do, nhân dân Hà Nội – Sài Gòn cùng với nhân dân cả nước luôn kề vai sát cánh bên nhau quyết chiến đấu và chiến thắng đế quốc lớn mạnh trong thế kỷ XX, góp phần tô đẹp thêm truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Trong chiến tranh cũng như sau ngày đất nước thống nhất, tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển, tinh thần của Hà Nội “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” luôn sáng ngời, được gìn giữ, phát huy để xây dựng Thủ đô nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung vững bước vào Kỷ nguyên mới: “Kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”./.