Thôi đành thả cái mênh mang…

Đặng Huy Giang| 05/10/2022 05:11

(Đọc “Mấy chiều Thăng Long” của Nguyễn Chính, NXB Hội Nhà văn, năm 2022)

Thôi đành thả cái mênh mang…
Năm ngoái, người bạn vong niên, nhà thơ Nguyễn Chính của tôi, vì có việc gia đình mà trôi dạt vào tận “hòn ngọc Viễn Đông” một thuở. Thế rồi, vì Covid-19, ông bị mắc kẹt ở Sài Gòn đến 4 - 5 tháng ròng, bị phong tỏa trong một căn nhà và sống trong tình trạng “cơm niêu nước lọ”. Như người khác thì chỉ còn nước thở vắn than dài, than thân trách phận, nhưng với ông thì… không, dứt khoát… không, tuyệt đối… không. Dễ giải thích vì ông là người có cái chất tự tại và lấy thơ làm cứu cánh, mở ra cánh cửa tự do cho mình. Thế nên mọi ghìm nén, tức khắc có chỗ giải thoát. Cả trăm bài thơ của ông, cả trăm đứa con tinh thần của ông được “hạ sinh” trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt và gian nan này. Rồi ông gom lại thành một tập thơ mang tên “Mấy chiều Thăng Long” và được ấn hành qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn mới đây.
“Mấy chiều Thăng Long” có vệt thơ rất lạ, mang dấu ấn dịch Covid. Đó là “Hai lần lịch sử”, “Bước đường cùng”, “Người đi trong bão dịch”, “Dịch ngẫm”, “Ngày dịch”, “Sài Gòn mùa đại dịch”, “Cám cảnh”… Thoạt đầu đọc, cứ nghĩ là ông “hướng ra ngoài”. Đọc kỹ, mới thấy ông “hướng vào trong”. Cụ thể hơn: Ông cứ hướng vào ông, hướng vào thế giới nội tâm, vào thân phận con người mà viết. Ông không khỏi cám cảnh và đau đớn, liên hệ giữa hai thời điểm lịch sử (1975 và 2021) khi hạ bút: “Màn trời chiếu đất tha phương/ Di tản hồi ấy, hồi hương bây giờ”; “Ngày xưa/ Vội di tản/ Bây giờ/ Gấp hồi hương/ Bước đường cùng/ Có phải”; “Nóc nhà gần đấy mà xa/ Năm châu bốn biển chưa qua nóc nhà”… Rồi ông nhận ra cái bên ngoài: “Có điều gì sục sôi/ Ở bên bể mặt ấy/ Thành phố của tôi ơi/ Có bao điều chưa thấy/ Đừng nói thành phố chết/ Thành phố đang nghỉ ngơi” và cũng nhận ra ngay cái bên trong: “Dịch còn, rượu hết, đường ra…chặn/ Giữa bốn bức tường, thôi hết say/ Dán mắt màn hình, đời sống chậm/ Anh nhớ em nhiều, em có hay”; “Hỡi người lưu lạc phương xa/ Nhà thuê, việc mất biết là về đâu?”. Vệt thơ này có cái không khí lẫn dấu ấn rất rõ của mùa dịch ngay trong vùng tâm dịch. Nhà thơ không chỉ thấy mà còn cảm theo cách của mình. Nên nhớ với người viết, thấy mới chỉ là hiện thực thứ nhất, còn cảm mới là hiện thực thứ hai và hiện thực thứ hai thường được đánh giá cao hơn hiện thực thứ nhất. Bởi thấy thì nhiều người thấy được và thuộc về số đông, còn cảm thì không phải ai cũng cảm được và thuộc về số ít. Và cái cảm, cách cảm trước hiện thực mới làm nên cái riêng, nét riêng của người viết. Vậy là với Nguyễn Chính, dịch Covid chỉ là cái cớ để viết. Và ông đã vượt lên cái khổ trăm bề của đại dịch và đương nhiên là cao hơn cái khổ trăm bề ấy rồi.
Với Nguyễn Chính, vệt thơ này chỉ là cái nhất thời, cái hiện tượng, còn cái nhiều thời, cái bản chất lại được gọi tên ở nhiều bài thơ khác. Tôi dám chắc, Nguyễn Chính là người có cái tâm không phân biệt. Bằng chứng là trong “Điếm  thờ xóm tôi”, ông khẳng định chắc nịch: “Thánh thần và chó đá/ Đều được thờ như nhau”. Tôi dám chắc, cái chất “Tình yêu là cái chi chi/ Dẫu chi chi cũng chi chi với tình” có từ thời Nguyễn Công Trứ chưa bao giờ buông tha Nguyễn Chính. Ông thích “Con mắt em nhìn đăm đắm”; “Tỉnh say say tỉnh đò đưa/ Vui sao ngày ấy em chưa lấy chồng…” Ông si mê một cách thiệt tình đến nỗi “Tôi lơ mơ mãi đàn bà”; “Cho tình được thỏa phấn hương”; “Mong đời còn có kiếp sau”... Ông tình tứ đến nỗi: “Quả cau nho nhỏ vân vi/ Vôi nồng chưa quệt, đã gì đâu anh”. Ông xác nhận thiên chức của đàn ông lớn đến mức: “Một thời gánh vác sơn hà/ Cả đời gánh vác đàn bà trên vai”…    
Ông có nhiều cặp lục bát ấn tượng, hàm chứa cả cái tài, cái tình và cái tôi duy nhất, cái tôi độc đáo. Có thể tạm thống kê, “Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Đục, trong cũng vẫn một lòng sông Thương”; “Mắt buồn thăm thẳm còn đây/ Tấm thân lưu lạc biết ngày nào yên”… Người nhận ra “lòng sông Thương” trong “sông Thương nước chảy đôi dòng”, nhận ra cái bản chất trong cái hiện tượng, cái bất biến trong cái vạn biến như vậy, chắc chỉ có Nguyễn Chính. Còn đây là những câu lục bát đặc sệt chất Nguyễn Chính:
Sự đời gói mãi nặng lòng
Thì đem tung cái tang bồng ra phơi
Tang bồng là tang bồng ơi
Khoác vai tôi với cũng chơi tang bồng
hay:
Thôi đành thả cái mênh mang
Ngỡ mình đang nắm đôi bàn tay xưa
Hội vừa lất phất hạt mưa
Ô che hai đứa mà chưa biết gì
và:
Tay nâng một chén rượu suông
Buồn vui đổ hết ngọn nguồn lạch sông.
Riêng hai câu: “Tay nâng một chén rượu suông/ Buồn vui đổ hết ngọn nguồn lạch sông“ rất ra cái chất và bản lĩnh sống, con người thật của Nguyễn Chính. Cho nên, nếu nói thơ là người và nếu áp vào trường hợp của Nguyễn Chính thì chuẩn đến mức không cần chỉnh. Tôi dám chắc nếu chọn đơn vị thơ là một cặp lục bát thì Nguyễn Chính sẽ là người sở hữu nhiều đơn vị thơ lục bát rất đáng kể và cũng rất đáng nể.
Nguyễn Chính còn là luôn người nặng lòng với nỗi đau thời hậu chiến và ký ức đồng đội. Với ông, đó là những ám ảnh khôn nguôi. “Nâng niu một tấm ảnh treo/ Nụ cười lính trẻ lưng đèo Trường Sơn”; “Buông tay đứng dậy mà đi/ Sống vì nhau, chết còn vì nhau hơn”; “Mẹ ngồi, mẹ nhớ, mẹ thương/ Bạn già là những huân chương, bảng vàng/ Nắng hè tháng bảy như rang/ Nỗi đau lòng mẹ ngổn ngang: Đâu người”; “Tạ từ người đã qua đây/ Đá mồ côi giữ dấu giày cỏ lau”; “Lâu lâu cháo lòng Cửa Nam/ Thương nhau lính tráng làm quan vẫn nghèo/ Rượu ngang rót mãi trong veo/ Đường về ngất ngưởng mấy chiều Thăng Long”… Điều này rất dễ giải thích, vì Nguyễn Chính có nhiều năm trong quân ngũ, từ binh nhì, binh nhất… rồi lên đến đại tá khi nghỉ hưu. Ông có nhiều năm vào Nam ra Bắc, nhiều năm sống và chiến đấu ở chiến trường B, với nhiều trải nghiệm chiến tranh không phải người lính nào cũng dễ dàng mà có.
Sau chót, thơ Nguyễn Chính là thơ của một người ngất ngưởng, xênh xang, dào dạt, khoáng đạt và đa tình. Còn Nguyễn Chính là là người trải người, trải việc, hiểu đời và biết mình đến tận cốt lõi. Chẳng thế mà ông từng tự trào về mình, tự vẽ chân dung mình triệt để và trung thực đến mực khó có thể triệt để và trung thực thêm được nữa:
Cả cuộc đời nhậu nhẹt
Cứ suốt ngày lang thang
Thế cũng lên đại tá
Miệng cứ cười oang oang.  
(0) Bình luận
  • Bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Cao
    Ngày 15-11, tại Hà Nội, Trung tâm UNESCO mỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam) phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh danh nhân văn hóa Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2023) và hội thảo về thân thế, sự nghiệp Văn Cao.
  • Cô giáo ươm mầm văn học thiếu nhi
    Trong tháng kỷ niệm tri ân các nhà giáo Việt Nam, tôi muốn nói về một cô giáo đã theo đuổi văn chương từ tấm bé. Đó là TS. Nguyễn Thanh Tâm, sinh năm 1982, quê gốc Quảng Bình. Chị là tác giả của hai cuốn sách: “Bí mật tuổi trăng non” (2018) và “Dòng chảy lấp lánh” (2023) với bút danh Thanh Tâm Nguyễn đang được giới chuyên môn quan tâm.
  • Nhà văn với các xu hướng phát triển của văn học mạng
    Sáng ngày 10/11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội và CLB Văn học trẻ Hà Nội đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Nhà văn với các xu hướng phát triển của văn học mạng”. Tới dự có đại diện Ban Chấp hành Hội cùng đông đảo hội viên và các cây viết trẻ tại Thủ đô.
  • Trái đất ngủ mơ mùa thu thay áo
    Bài thơ “Thu cảm” của nhà thơ Trương Anh Tú không có từ nào chỉ sắc màu của lá mà sao tràn ngập thu vàng và thật Thu đến thế. Đi tìm và lý giải cho cảm nhận này, ta bước theo từng nhịp bước mùa thu - nhịp bước thời gian và thấy chủ thể con người - thi nhân với tâm tư, nhân sinh hiển lộ trong bài thơ.
  • Trò chuyện với nhà nghiên cứu Nhật Chiêu về thơ haiku
    Tối ngày 21/10/2023, những người yêu thơ haiku tại Hà Nội đã có cuộc giao lưu, trò chuyện với nhà nghiên cứu Nhật Chiêu với chủ đề “Haiku tương thoại”. Cuộc trò chuyện do nhóm Ô Thước/ Authors tổ chức tại không gian cà phê sách Tổ Chim Xanh, Hà Nội.
  • Yêu thương và khát vọng của một đời thơ
    Trong lịch sử văn chương, nghệ thuật nước nhà, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật lớn, với những tác phẩm in dấu trong lòng công chúng như: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”; “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”; “Ông không phải bố tôi”…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Cầu Long Biên cần được coi là Di sản đô thị của Thủ đô Hà Nội
    Theo TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh, Phó Trưởng khoa Sau Đại học - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cầu Long Biên và Công viên Văn hóa Bãi Giữa sông Hồng cần được nhìn nhận là Di sản đô thị của Thủ đô Hà Nội.
  • 19 tác phẩm về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được tặng thưởng
    Lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022 sẽ diễn ra vào tối 6/12 tại Hà Nội.
  • Sân khấu Việt - Hàn chi trăm triệu tìm kịch bản đặc sắc cho trẻ em Việt Nam
    “Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em tại Việt Nam” do Nhà hát Tuổi trẻ (Việt Nam) phối hợp với Nhà hát Sangsangmaru (Hàn Quốc) tổ chức. Tác phẩm đạt Giải nhất cuộc thi sẽ được nhận phần thưởng trị giá 100 triệu đồng.
  • Fortech khai trương cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam
    Ngày 5/12, Công ty TNHH Fortechvn (Fortech) chính thức khai trương tại Khu công nghiệp Quế Võ 2, xã Ngọc Xá, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Cột mốc quan trọng này nêu bật cam kết của Fortech trong việc mở rộng toàn cầu hóa, điều này không chỉ mang lại cơ hội việc làm mà còn giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp và kinh tế địa phương.
  • Sa Pa đã có khách sạn dành cho du khách là người Hồi giáo
    Khách sạn Charm Sapa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai vừa thiết lập và công bố điểm lưu trú và phục vụ thực phẩm Halal dành cho khách du lịch Hồi giáo. Đây là điểm lưu trú đầu tiên của tỉnh Lào Cai thực hiện triển khai chương trình chuyển dịch một số dịch vụ theo hướng thân thiện với người Hồi giáo (Halal) theo đúng qui trình tiêu chuẩn của các Cơ quan Công nhận Halal Quốc tế – MUI, JAKIM, GCC.
Đừng bỏ lỡ
Thôi đành thả cái mênh mang…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO