Theo bước thời gian: Các công trình tiêu biểu của Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt độc giả cuốn sách “Theo bước thời gian: Các công trình tiêu biểu của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Võ Thị Mai Chi, với phần minh họa của họa sĩ Hồ Quốc Cường.
Vùng đất Gia Định hơn 300 năm trước là xứ phương Nam hoang vu, nơi những người Việt đầu tiên khai hoang mở cõi, rồi trở thành “hòn ngọc Viễn Đông” hoa lệ của Đông Dương. Thế kỷ 20, nơi đây chứng kiến những năm tháng đấu tranh khốc liệt chống Pháp và Mỹ, rồi vươn mình trở thành đô thị hiện đại. Nhắc đến vùng đất này là nhắc đến nghĩa tình bao bọc cư dân tứ xứ đến sinh sống, cùng nhau xây dựng bức tranh văn hóa phong phú, đặc trưng của người Sài Gòn.

Thông qua hình ảnh và thông tin cô đọng về lịch sử xây dựng, điểm nhấn kiến trúc, từng trang sách “Theo bước thời gian - Các công trình tiêu biểu của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh” kể cho độc giả câu chuyện thú vị về sự ra đời và ý nghĩa của mỗi công trình gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố.
Cuốn sách đưa bạn thăm thú những công trình mang tính biểu tượng của Sài Gòn - Gia Định: các công trình tôn giáo tuổi đời trăm năm, bảo tàng, trường học, bệnh viện, dinh thự, khu chợ sầm uất... và cả những biểu tượng mới như tòa nhà chọc trời, công trình đại diện cho thành phố thế kỷ 21 - một siêu đô thị hiện đại, năng động và phát triển không ngừng.


Qua gần 80 trang sách, tác giả giới thiệu 38 công trình tiêu biểu của Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt dặm dài lịch sử. Bạn đọc sẽ bắt gặp vẻ đẹp cổ kính như Đình Thông Tây Hội, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt; những công trình mang phong cách kiến trúc Pháp như Trụ sở HĐND-UBND Thành phố, Nhà hát Thành phố, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Chợ Bến Thành, Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, Ga Sài Gòn; những công trình gắn với giai đoạn kháng chiến như Bến Nhà Rồng, Dinh Độc Lập, Địa đạo Củ Chi; và những công trình hiện đại như Landmark 81, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên…
Cuốn sách gửi đến người đọc một góc nhìn về lịch sử và đời sống của Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh qua những công trình ấn tượng, đã và sẽ còn ghi dấu với thời gian. Đây là chuyến dạo chơi thi vị, nhiều màu sắc của cảm xúc, ký ức và đầy tự hào dành cho tất cả những ai yêu quý thành phố mang tên Bác.
Là kết tinh của cảm xúc thời đại và thẩm mỹ qua năm tháng, đồng thời là chứng nhân của những sự kiện lịch sử và chuyển mình không ngừng, các công trình kiến trúc của Sài Gòn xưa và Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay hợp thành một bức tranh lớn. Trong đó, ta bắt gặp nền tảng mà tiền nhân để lại, vẻ đẹp của sự giao thoa Đông – Tây, sự tiếp nối giữa cái cũ và cái mới, để từ đó càng thêm tự hào trước những công trình đang dần thành hình mang dấu ấn của một thành phố trẻ trung, năng động và luôn hướng về phía trước.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên – Tổng biên tập NXB Kim Đồng chia sẻ: “Thông qua những ấn phẩm này, Nhà xuất bản Kim Đồng mong muốn gửi gắm thông điệp tới độc giả trẻ hôm nay: Hiểu về quá khứ, để trân trọng hiện tại và hướng đến tương lai, vì một Việt Nam hòa bình, hạnh phúc”./.
Cuốn sách là một trong các ấn phẩm tiêu biểu trong bộ sách kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Nhà xuất bản Kim Đồng, gồm các ấn phẩm: “Cùng Việt Nam” – tập thơ phản chiến của các nhà thơ Tây Ban Nha về chiến tranh Việt Nam; “Cửu Long Giang khói lửa – Ký họa và thơ” – art book nghệ thuật gồm ký họa, tranh màu nước, thơ và thư từ của các họa sĩ – chiến sĩ sáng tác ngay giữa chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ; tập ký “Cho mùa xuân ở lại” khắc họa chân dung những người phụ nữ miền Nam kiên trung, bất khuất, nhân hậu và tài danh; truyện dài “Mũ rơm đi học” của nhà văn Vũ Công Chiến là ký ức thuần khiết của cậu bé Hà Nội sơ tán về quê thời bom đạn; “Cỏ trong rào bót” – những trang viết xúc động về tuổi thơ miền Nam trong năm tháng khói lửa ác liệt; các ấn phẩm tranh truyện Nguyễn Bá Ngọc, Chị Út Tịch; hai tập bút ký “Đất nước ngàn năm” viết về những địa danh mang dấu ấn đặc trưng trên mọi miền đất nước; “Xám Ngố đi thành phố” – tác phẩm mới nhất của Bùi Tiểu Quyên về hành trình trưởng thành của chú khuyển Hùm Xám; “Xóm thiên đường” và “Trang trại cuối rừng” – hai tác phẩm của nhà văn Phạm Công Luận đưa bạn đọc vào không gian Sài Gòn và thiên nhiên phương Nam đầy yêu thương, hoài niệm.