Thắp lửa đèn kéo quân

Giang Nam/Nhân dân| 01/10/2017 16:54

Khi chưa có đồ chơi điện tử, đèn kéo quân là tâm điểm của những mâm cỗ trung thu truyền thống. Hình ảnh Hai Bà Trưng, Bà Triệu ra trận, hay những con vật chạy vòng quanh chiếc đèn... luôn làm mê hoặc lũ trẻ. Tuy đèn kéo quân không giữ được vị thế như xưa, nhưng nghệ nhân Vũ Văn Sinh vẫn gắn bó với nghề này. Với ông, làm ra những chiếc đèn chính là niềm vui trong cuộc sống.

Thắp lửa đèn kéo quân
Với nghệ nhân Vũ Văn Sinh, làm ra chiếc đèn kéo quân là tạo thêm niềm vui trong cuộc sống.


Từ trước rằm trung thu chừng hai tháng, gia đình nghệ nhân Vũ Văn Sinh đã nhộn nhịp "vào vụ" làm đèn kéo quân. Cả nhà trở thành một "tổ hợp" sản xuất, mỗi người thực hiện một công đoạn. Khó nhất là công đoạn làm trục và tán quay cho đèn. Trục làm từ tre vót mảnh, phía trên có một chong chóng. Tán đèn được làm hình trụ, trên có gắn các hình thù bắt mắt, gắn vào trục. Khi nến được thắp lên, lửa đốt nóng không khí bên trong làm quay chong chóng. Chong chóng quay làm các hình gắn vào tán đèn quay theo. Dưới ánh sáng của nến, những hình ảnh này sẽ in lên nền của lớp giấy mầu, giấy pơ-luya, hoặc lụa mỏng ngoài cùng rất sống động. Xưa, người ta hay làm hình con vật, hình tướng sĩ xung trận, cho nên chiếc đèn được gọi là đèn "kéo quân". Nghệ nhân Vũ Văn Sinh bận bịu hơn nhiều so với những năm trước. Những ngày này, từ làng Đàn Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) ven sông Đáy, ông liên tục phải vào nội thành để tham gia các sự kiện như: Chương trình vui Tết Trung thu ở Hoàng thành Thăng Long, Thu Vọng Nguyệt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám... và làm khách mời một số chương trình truyền hình. Dẫu vất vả, nhưng nghệ nhân Vũ Văn Sinh rất phấn khởi khi được giao lưu, hướng dẫn bọn trẻ làm đèn.

Đèn kéo quân, xưa người làng Đàn Viên gọi là đèn cù. "Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù/Ngựa giấy í a voi giấy, tít mù nó mới lại vòng quanh..." hay "Đêm nay rằm tháng tám/Mẹ thắp đèn kéo quân/Khi đèn vừa cháy sáng/Bao bóng người chạy theo/A các chú bộ đội/ Đuổi theo một lũ Tây...".

Từ khi còn bé, Vũ Văn Sinh đã thuộc lòng những câu ca ấy. Tết Trung thu, bên mâm cỗ trông trăng, cậu bé Vũ Văn Sinh mắt tròn xoe nhìn chiếc đèn với những hình ảnh chuyển động vòng quanh khi nến được thắp lên. Làng Đàn Viên có nhiều người làm đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn ông sư, đèn lồng...

Nhưng đèn kéo quân đòi hỏi kỹ thuật cao. Ấy vậy mà lên tám tuổi, cậu bé Vũ Văn Sinh đã có thể tự làm chiếc đèn kéo quân đầu tiên. Chiếc đèn ban đầu còn đơn sơ lắm, song, nó là kỷ niệm nhớ đời, đọng mãi đến hôm nay. Mỗi khi làm đèn kéo quân, ông đều cẩn trọng, để mọi đứa trẻ đều hài lòng về món đồ chơi của mình.

Cũng có lúc câu chuyện về đèn kéo quân gần như chìm vào quên lãng vì những món đồ chơi chạy bằng pin được bày bán la liệt. Nhiều người còn không hình dung nổi chiếc đèn kéo quân hoạt động thế nào.

Năm 2006, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng nghệ nhân Vũ Văn Sinh làm một chiếc đèn kéo quân cỡ lớn. Nghệ nhân Vũ Văn Sinh cùng một số người thợ đã dành trọn tâm huyết làm ra một chiếc đèn kỷ lục, cao đến 6,5 m, rộng 2,56 m. Chiếc đèn vừa "kể chuyện" lịch sử, với phần thân trên là hình trống đồng, với hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa, Hai Bà Trưng cưỡi voi; phần dưới thân đèn là hình ảnh cây đa, chú Cuội, chị Hằng, chăn trâu thả diều, đám cưới chuột, hứng dừa và cả những hình ảnh về thời chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ...

Để bao bọc hết phần ngoài của đèn phải cần đến 70 m vải sa-tanh, trọng lượng của đèn nặng khoảng ba tấn. Tưởng rằng chiếc đèn khó có thể quay được, nhưng nhờ chủ nhân nắm vững kỹ thuật, cho nên chiếc đèn đã hoạt động trong sự thán phục của mọi người.

Sau khi chiếc đèn kéo quân khổng lồ được trưng bày, nhiều người tò mò đến xem, như được sống dậy niềm vui tuổi thơ của mình, và muốn đem niềm vui ấy cho con cái. Đèn kéo quân đã tìm thấy "ánh sáng" để trở lại với Tết Trung thu.

Nghệ nhân Vũ Văn Sinh chia sẻ: "Sau khi có chiếc đèn kỷ lục, nhiều người tìm đến tận làng để đặt hàng tôi làm đèn kéo quân. Nghề làm đèn mới thật sự sống dậy. Hầu hết các hình ảnh tôi đưa vào đèn kéo quân đều mang ý nghĩa lịch sử, như kể về các nhân vật lịch sử, hay chung quanh các sự tích dân gian của người Việt Nam để giáo dục cho thế hệ trẻ về văn hóa dân tộc".

Ngày thường, đôi bàn tay nghệ nhân vẫn dành cho việc đồng áng. Mỗi dịp trung thu về, ông như trẻ lại so với độ tuổi 60. Năm nay, số lượng đèn kéo quân gia đình nghệ nhân Vũ Văn Sinh xuất ra thị trường nhiều hơn mọi năm.

Dẫu thu nhập từ nghề làm đèn trung thu chưa cao, song niềm vui lớn với ông là những lời nhắn nhủ về văn hóa cha ông được truyền đi trên mỗi chiếc đèn kéo quân.

(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thắp lửa đèn kéo quân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO